Chính phủ Trung Quốc kiên quyết ủng hộ các công ty của nước này sử dụng vũ khí pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. (Ảnh: Reuters)
Phản ứng của Trung Quốc khi Google dừng cộng tác với Huawei: Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 20/5 khẳng định, chính phủ Trung Quốc kiên quyết ủng hộ các công ty của nước này sau khi Google mới đây đình chỉ hoạt động kinh doanh với Huawei.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục xác nhận vấn đề này, nghiên cứu và chú ý tới mọi diễn biến liên quan. Đồng thời chính phủ Trung Quốc ủng hộ các công ty của Trung Quốc sử dụng vũ khí pháp lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lục Khảng nhấn mạnh.
Việc đình chỉ nói trên của Google đối với Huawei có thể cản trở hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của Huawei bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc vì “gã khổng lồ công nghệ” này sẽ ngay lập tức mất quyền truy cập vào các bản cập nhật cho hệ điều hành Android của Google.
Phiên bản tương lai của điện thoại thông minh thương hiệu Huawei chạy trên hệ điều hành Android cũng sẽ mất quyền truy cập vào các dịch vụ phổ biến như Google Play Store và các ứng dụng như Gmail hay YouTube.
Volodymyr Zelenskiy và những người ủng hộ ông trước lễ nhậm chức ở Kyiv, Ukraine ngày 20/5. (Ảnh: AP)
Ông Volodymyr Zelenskiy tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Ukraine: Ông Zelenskiy, 41 tuổi, danh hài nổi tiếng với vai diễn Tổng thống trên một chương trình truyền hình của Ukraine, đã giành chiến thắng áp đảo trước Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko trong cuộc bầu cử ngày 21/4 với 73% số phiếu ủng hộ.
Ngày 20/5, ông Zelenskiy đã tuyên thệ nhậm chức và chính thức trở thành Tổng thống Ukraine.
Cùng ngày, tân Tổng thống Ukraine thông báo giải tán Quốc hội. "Tôi giải tán Verkhovna Rada (tức Quốc hội Ukraine) khóa 8", ông Zelenskiy nói tuy nhiên không đề xuất thời gian cụ thể cho cuộc bầu cử Quốc hội đột xuất sẽ diễn ra khi nào.
Đã có các cuộc tranh luận về việc liệu ông Zelenskiy có quyền giải tán Quốc hội hay không, đặc biệt khi liên minh cầm quyền tan rã hồi tuần trước - một nỗ lực của các đối thủ chính trị của ông Zelenskiy nhằm ngăn cản ông giải tán Quốc hội.
(Ảnh minh họa. Nguồn: NATO)
NATO bắt đầu cuộc tập trận thường niên Steadfast Cobalt tại Romania: Cuộc tập trận thường niên mang tên Steadfast Cobalt 2019 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã được khởi động tại Romania kể từ ngày 19/5 và kéo dài đến hết ngày 2/6 tới.
Bộ Quốc phòng Romania cho biết cuộc tập trận có sự tham gia của 1.200 binh sỹ Romania và nước ngoài đến từ 35 bộ phận thuộc NATO trong lĩnh vực hệ thống thông tin và truyền thông (CIS) có mục đích là thử nghiệm, kiểm tra và chứng nhận khả năng dung hợp tác chiến của hệ thống C41SR (Chỉ huy, Kiểm soát, Truyền thông, Máy tính, Tình báo, Giám sát và Trinh sát).
Nhiệm vụ của Steadfast Cobalt 2019 là chuẩn bị chung để hỗ trợ quốc tế cho các chiến dịch của NATO và thực hiện các quy trình tiêu chuẩn cần thiết để đạt được sự dung hợp lẫn nhau của nguồn nhân lực và kỹ thuật.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ở Washington D.C, Mỹ, ngày 16/5. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tổng thống Mỹ đe dọa hủy diệt Iran: Ngày 19/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đe dọa hủy diệt Iran, qua đó làm gia tăng quan ngại về khả năng xảy ra xung đột giữa 2 nước trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Tehran ngày càng leo thang.
Trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Trump viết "nếu Iran muốn tham chiến, đó sẽ là sự chấm dứt chính thức của Iran". Ông cảnh báo Tehran "đừng bao giờ đe dọa nước Mỹ một lần nữa". Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, Tổng thống Trump đã siết chặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với nước Cộng hòa Hồi giáo, cũng như củng cố sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực với cáo buộc Tehran đang đe dọa lực lượng cũng như lợi ích của Washington tại đây.
Hiện Iran cho rằng các động thái của Mỹ chỉ là "tâm lí chiến" và là "trò chính trị". Hôm 18/5, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarrif cũng hạ thấp khả năng xảy ra một cuộc chiến mới trong khu vực, khẳng định Tehran phản đối chiến tranh, dù cho rằng không quốc gia nào "ảo tưởng" có thể đối đầu với nước Cộng hòa Hồi giáo trong khu vực.
Người di cư chờ cứu hộ trên biển Địa Trung hải, cách bờ biển Libya khoảng 30 hải lý. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đức chi ngân sách kỷ lục 23 tỉ euro cho vấn đề di cư: Chính phủ Đức ngày 20/5 cho biết trong năm 2018, nước này đã chi khoản ngân sách kỷ lục 23 tỉ euro (khoảng 25,6 tỉ USD) để tạo điều kiện hội nhập cho hơn 1 triệu người tị nạn tại quê nhà và giải quyết những nguyên nhân cơ bản của vấn đề di cư.
Các số liệu do Bộ Tài chính Đức công bố cho thấy khoản chi kỷ lục này tăng gần 11% so với mức chi 20,8 tỉ euro trong năm trước đó.
Trong đó, Chính phủ Đức đã chi tổng cộng 7,9 tỉ euro (tăng khoảng 16%) cho các biện pháp ngăn dòng người di cư vào khu vực Liên minh châu Âu (EU) cũng như tìm cách cải thiện điều kiện sống của những người di cư này tại quốc gia của họ. Ngoài ra, báo cáo của Bộ Tài chính Đức cũng cho biết 16 bang ở nước này cũng đã nhận được 7,5 tỉ euro (tăng khoảng 14%) từ chính phủ liên bang trong năm 2018.