Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

(Baohatinh.vn) - Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga; Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia... là những tin tức thế giới nổi bật nhất trong tuần (từ ngày 10/2 - 16/2/2019) được Báo Hà Tĩnh điện tử tổng hợp.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Denis Vyacheslavovich Sergeev (trái), người được Anh xác định là nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái. (Ảnh: Daily Star)

Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga: Trang mạng điều tra Bellingcat của Anh ngày 14/2 đã công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal và con gái ông này Yulia Skripal được cho là bị đầu độc tại thành phố Salisbury hồi tháng 3/2018. Nghi can này là Denis Vyacheslavovich Sergeev, một sĩ quan tình báo của quân đội Nga.

Mạng trên cho biết ông Denis Vyacheslavovich Sergeev đã sang Anh cùng thời gian với hai nghi can trước để tiến hành vụ đầu độc trên. Theo Bellingcat, sĩ quan này đã sử dụng tên Sergey Fedotov khi ra nước ngoài. Ông Sergeev được cho là đã đặt vé rời Anh hồi tháng 3/2018, nhưng đã bị lỡ chuyến bay. Ông đã từng đến và rời khỏi Anh nhiều lần và có lần đã đi cùng với một trong hai nghi can liên quan đến vụ việc ở Salisbury.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. (Ảnh: KT)

Tổng thống Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia: Ngày 15/2 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để huy động nguồn ngân sách xây bức tường biên giới với Mexico.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 15/2, Tổng thống Trump cho biết, ông đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi đặt bút ký thành luật dự luật cấp ngân sách liên bang và an ninh biên giới.

Quốc hội Mỹ ngày 14/2 thông qua một dự luật cấp ngân sách cho chính phủ và an ninh biên giới nhằm tránh để chính phủ liên bang phải đóng cửa thêm một lần nữa.

Theo dự luật mới được thông qua, Quốc hội Mỹ đồng ý cấp hơn 300 tỷ USD cho các bộ và các cơ quan của chính phủ bao gồm cả khoản tiền gần 1,4 tỷ USD để xây dựng khoảng 90 km hàng rào dọc biên giới với Mexico. Tuy nhiên, số tiền này thấp hơn nhiều so với mức 5,7 tỷ USD mà ông Trump yêu cầu để xây dựng bức tường biên giới phía Nam.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Macedonia đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia. (Ảnh: EPA)

Macedonia chính thức đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia: Chính phủ Macedonia tuyên bố, thỏa thuận giữa nước này và Hy Lạp đổi tên Macedonia thành Cộng hòa Bắc Macedonia bắt đầu có hiệu lực vào ngày 12/2, sau khi những thay đổi về hiến pháp được công bố trong Công báo.

Tuyên bố của Chính phủ Macedonia nêu rõ: "Đã thỏa mãn các điều kiện để những thay đổi trong Hiến pháp Cộng hòa Bắc Macedonia bắt đầu có hiệu lực. Những điều này có hiệu lực từ ngày hôm nay, 12/2/2019 với một thông báo tương ứng của Chính phủ đăng trong Công báo."

Nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết, Skopje sẽ thông báo với Liên hợp quốc về việc đổi tên trong vòng vài ngày tới, khi cái tên mới bắt đầu được sử dụng trên toàn thế giới.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Công chúa Thái Lan Ubolratana không được đưa vào danh sách ứng cử viên Thủ tướng. (Ảnh: TTXVN)

Công chúa Ubolratana không có tên trong danh sách ứng viên Thủ tướng: Trong một tuyên bố được đưa ra ngày 11/2, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã phê chuẩn danh sách 69 ứng cử viên thủ tướng của 45 đảng trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 24/3 tại nước này. Trong danh sách ứng cử viên chính thức có tên đương kim Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, người được đảng Quyền lực Nhà nước nhân dân đề cử và không có tên bà Ubolratana, 67 tuổi, chị gái Nhà Vua Maha Vajiralongkorn.

Truyền thông Thái Lan hôm 13/2 cũng đưa tin, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã chính thức đề nghị Tòa án Hiến pháp nước này ra phán quyết giải tán đảng Người Thái bảo vệ quốc gia vì đã thực hiện hành vi được xem là xâm phạm đến hệ thống thể chế quân chủ lập hiến khi đề cử bà Ubolratana làm ứng cử viên Thủ tướng trong cuộc bầu cử sắp tới.

Nếu Tòa án Hiến pháp Thái Lan ra phán quyết đồng ý với đề nghị của Ủy ban Bầu cử, đảng Người Thái bảo vệ quốc gia sẽ bị giải tán và 13 thành viên lãnh đạo của đảng này sẽ bị cấm tham gia chính trị 10 năm hoặc thậm chí là cả đời.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đại diện cho bang Minnesota, bà Amy Klobuchar. (Ảnh: Reuters)

Thêm một nữ nghị sỹ đảng Dân chủ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng: Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ đại diện cho bang Minnesota, bà Amy Klobuchar, đã chính thức tham gia cuộc đua tranh chức Tổng thống Mỹ năm 2020. Bà là thượng nghị sỹ thứ 5 và người phụ nữ thứ 4 tuyên bố "tranh đấu" với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc đua giành ngôi vị chủ Nhà Trắng.

Phát biểu ngày 10/2 trước những người ủng hộ tập trung tại một công viên dọc bờ sông Mississippi dưới trời mưa tuyết, lạnh giá, Thượng nghị sỹ Klobuchar đã chỉ trích các chính sách của đương kim Tổng thống Donald Trump khiến đất nước chia rẽ dù không hề nhắc tới tên của ông.

Theo bà, người dân Mỹ đã mệt mỏi với việc đóng cửa chính phủ, chia rẽ và đối đầu. Nước Mỹ phải được dẫn dắt từ cơ hội chứ không phải sự hỗn loạn.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Lãnh đạo cao nhất của phong trào ly khai Catalonia là ông Carles Puigdemont không xuất hiện trong phiên Toà ngày 12/2. (Ảnh: CNBC News)

Tây Ban Nha bắt đầu phiên toà xử các lãnh đạo ly khai Catalonia: Gần 15 tháng kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng ly khai tại vùng Catalonia vào tháng 10/2017, ngày 12/2, Toà án tối cao Tây Ban Nha sẽ mở phiên xử chính thức đối với các chính trị gia dẫn đầu phong trào ly khai tại vùng này.

Tổng cộng, 12 chính trị gia ly khai vùng Catalonia sẽ phải trả lời trước Toà về các cáo buộc liên quan đến các tội danh như nổi loạn, kích động nổi loạn, tham ô công quỹ và bất tuân dân sự. Những người này đều được coi là các nhân vật lãnh đạo chủ chốt trong sự kiện vùng Catalonia tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về độc lập vào ngày 1/10/2017 bị chính quyền trung ương Tây Ban Nha coi là bất hợp pháp và vi hiến.

Phiên toà khai mạc ngày 12/2 dự kiến diễn ra trong vòng 3 tháng và sẽ có hơn 500 nhân chứng được triệu tập đến Toà, trong đó có cả cựu Thủ tướng Mariano Rajoy. Nếu bị buộc tội, các chính trị gia ly khai vùng Catalonia có thể sẽ phải lĩnh án từ 7 năm đến 25 năm tù giam.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Ảnh minh họa: iStock

EU bổ sung 7 quốc gia vào danh sách đen rửa tiền và tài trợ khủng bố: Ngày 13/2, Ủy ban châu Âu (EC) đã bổ sung 7 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm cả Saudi Arabia, vào danh sách đen các nước gây ra mối đe dọa cho khối này do kiểm soát lỏng lẻo các hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền. Theo đó nâng tổng số các quốc gia bị liệt kê vào danh sách này là 23.

Trong tổng số 23 chính quyền hiện bị EC liệt vào danh sách đen có Saudi Arabia, Panama, Libya, Botswana, Ghana, Samoa, Bahamas và 4 vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Mỹ gồm Samoa, quần đảo Virgin, Puerto Rico và Guam, Afghanistan, Triều Tiên, Ethiopia, Iran, Iraq, Pakistan, Nigeria, Sri Lanka, Syria, Trinidad và Tobago, Tunisia và Yemen.

Điểm đáng chú ‎ý, trong danh sách bổ sung lần này có cả Saudi Arabia – một cường quốc dầu mỏ tại Trung Đông. Nhiều quốc gia châu Âu tỏ ra lo ngại, với việc đưa ra danh sách đen này sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ kinh tế thương mại với Saudi Arabia.

Hiện 28 nước thành viên EU có từ 1-2 tháng để thông qua danh sách trên. Liên minh châu Âu có thể bác bỏ đề xuất của Ủy ban châu Âu nếu đa số các nước thành viên phản đối.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quốc hội Ai Cập ủng hộ sửa đổi Hiến pháp gia hạn nhiệm kỳ tổng thống: Quốc hội Ai Cập ngày 14/2 đã thông qua về nguyên tắc đề xuất sửa đổi hiến pháp, theo đó cho phép Tổng thống Abdel Fattah al-Sisi tại vị cho đến năm 2034 và tăng cường quyền kiểm soát của ông đối với bộ máy tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdelaal cho biết 485 nghị sĩ trong cơ quan lập pháp gồm 596 ghế đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất sửa đổi hiến pháp, vượt đa số quá bán cần thiết để thông qua những thay đổi này.

Hiện đề xuất sửa đổi này sẽ được một ủy ban quốc hội xem xét lại và sau đó đưa trở lại quốc hội để tiến hành cuộc bỏ phiếu thứ 2 trước khi được đưa ra trưng cầu ý dân trên toàn quốc dự kiến diễn ra trước giữa năm nay.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Tuyên bố chung kết quả hội nghị thượng đỉnh 3 bên Nga-Thổ Nhĩ kỳ-Iran. (Ảnh: Reuters)

Tuyên bố chung kết quả hội nghị thượng đỉnh 3 bên về tình hình Syria: Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Cộng hòa Hồi giáo Iran Hassan Rouhani đã thông qua tuyên bố chung về kết quả của hội nghị thượng đỉnh ba bên lần thứ tư về tình hình Syria. Tài liệu gồm ba trang, bao gồm 17 điểm, tóm tắt sự phát triển của tình hình ở Syria kể từ cuộc họp cuối cùng của họ vào ngày 7/9/2018 tại Tehran.

Các bên nhấn mạnh quyết tâm tăng cường phối hợp ba bên theo các thỏa thuận hiện có. Lãnh đạo ba nước cũng lưu ý về "một cam kết vững chắc và không lay chuyển đối với chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Syria", cũng như các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Các nhà lãnh đạo bày tỏ quyết tâm chống lại các kế hoạch ly khai nhằm phá hoại chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cũng như an ninh quốc gia của các nước láng giềng. Về vấn đề này, cần lưu ý rằng quyết định của giới lãnh đạo Mỹ rút lực lượng khỏi Syria, nếu được thực thi, sẽ là một bước góp phần tăng cường sự ổn định và an ninh ở nước này.

Thế giới nổi bật trong tuần: Anh công bố danh tính nghi can thứ ba trong vụ đầu độc cựu điệp viên Nga

Binh sỹ thuộc lực lượng USFK tham gia huấn luyện tại căn cứ quân sự Mỹ ở Yongsan, Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Bộ Quốc phòng Mỹ không có ý định rút binh sỹ đồn trú ở Hàn Quốc: Giới chức Hàn Quốc ngày 14/2 cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ đã tái khẳng định rằng sự hiện diện của binh sỹ Mỹ tại Hàn Quốc không liên quan trực tiếp đến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Hãng tin Yonhap dẫn lời các quan chức giấu tên nêu trên cho biết phía Mỹ cũng nói rằng "không có cuộc thảo luận hay kế hoạch nào về việc rút hay giảm Lực lượng Mỹ tại hàn Quốc (USFK) liên quan đến việc ký kết một hiệp định hòa bình."

Thông điệp trên đã được gửi tới Bộ Quốc phòng Hàn Quốc trong bối cảnh đang có tranh cãi về việc Tư lệnh USFK, Tướng Robert Abrams cho biết có dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ giảm quân hoặc rút quân đội khỏi Hàn Quốc sau khi một hiệp định hòa bình được ký kết với Triều Tiên.

(Tổng hợp)

Chủ đề Thế giới ngày qua

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.