Người hành hương ở Mecca. (Ảnh: al Jazeera)
Hơn 1,6 triệu tín đồ Hồi giáo tới Saudi Arabia trong mùa hành hương: Chính phủ Saudi Arabia ngày 17/8 thông báo đã cấp hơn 1,7 triệu thị thực (visa) cho khách hành hương Hajj, trong đó có khoảng 1,6 triệu khách hành hương đã có mặt tại Saudi Arabia tính tới thời điểm hiện tại.
Cuộc hành hương Hajj của người Hồi giáo là hành trình trở về thánh địa Mecca, Saudi Arabia – nơi được xem là cái nôi của tôn giáo này. Đây là 1 trong 5 bổn phận bắt buộc của một người Hồi giáo phải làm ít nhất 1 lần trong đời. Năm nay, mùa hành hương được tính bắt đầu từ tối 19/8 (theo giờ địa phương) và kết thúc vào ngày 24/8 tới.
Toàn cảnh sân khấu lấy ý tưởng từ thiên nhiên hùng vĩ xứ vạn đảo. (Ảnh: AFP)
Khai mạc ASIAD 2018 đầy ấn tượng và hoành tráng: Tối 18/8, trên sân vận động Gelora Bung Karno ở thủ đô Jakarta, lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) 2018 đã diễn ra đầy bất ngờ, hoành tráng trong không khí lễ hội tại Xứ Vạn đảo, Indonesia.
Với chủ đề “Năng lượng của châu Á,” Ban tổ chức ASIAD 2018 đã đề cao sức mạnh đoàn kết, tinh thần thượng võ, sự đa dạng văn hóa, di sản và kế thừa tinh hoa của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này.
Lễ khai mạc kéo dài khoảng 3 giờ, với sự tham gia của 4.000 vũ công, gần 20 ca sỹ và hàng trăm nhạc sỹ Indonesia, cùng nhiều tên tuổi nổi tiếng thế giới.
Cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan. (Ảnh: Getty)
Cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan qua đời ở tuổi 80: Theo thông báo của Liên hợp quốc, cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan đã từ trần, sau một thời gian ngắn bị bệnh. Thông báo cho biết, ông Kofi Annan qua đời tại Thụy Sĩ vào sáng 18/8, ở tuổi 80.
Trong thời gian giữ chức Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Kofi Annan được coi là ngôi sao sáng trong các mối quan hệ quốc tế. “Viên kim cương” của lục địa đen đã đem đến sự hồi sinh và sức sống mới cho cơ quan quyền lực nhất thế giới sau 2 nhiệm kỳ lãnh đạo của mình.
Cùng với LHQ, ông Annan được trao giải Nobel Hòa bình năm 2001 vì "nỗ lực của họ cho một thế giới được tổ chức tốt và hòa bình hơn".
Hiện trường vụ sập cầu đường cao tốc ở Italy. (Ảnh: Reuters)
Cầu sập ở Italy, ít nhất 39 người thiệt mạng: Một đoạn dài 200 m của cầu cao tốc Morandi tại thành phố Genoa, Italy bị sập ngày 14/8 khiến ít nhất 39 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Chính quyền vẫn tiếp tục tìm kiếm người sống sót trong đống đổ nát và đưa những người tử vong ra ngoài. Dù có những cảnh báo từ trước, chính quyền Italy được cho là đã không có những biện pháp quyết liệt để ngăn ngừa thảm họa.
Italy ngày 15/8 đã ban bố tình trạng khẩn cấp 12 tháng tại thành phố Genoa, nơi xảy ra vụ sập cầu thảm khốc. Theo Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Chính phủ đã quyết định chi một khoản ngân sách ban đầu là 5 triệu euro cho công tác cứu hộ và hỗ trợ gia đình các nạn nhân.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành đàm phán thương mại vào cuối tháng 8: Chính phủ Trung Quốc và Mỹ ngày 16/8 cho biết hai bên sẽ tiến hành đàm phán thương mại ở cấp thấp vào cuối tháng 8.
Đây được coi là nỗ lực của hai bên nhằm giải quyết cuộc chiến đánh thuế trong thời gian qua.
Theo tờ Nhật báo phố Wall, vòng đàm phán tại thủ đô Washington sẽ diễn ra trong hai ngày 21 và 22/8 trước khi các biểu thuế bổ sung của Mỹ lên 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực cùng với động thái trả đũa từ phía Trung Quốc.
Thủ tướng Hun Sen trong chuyến thăm các nước ASEAN cuối năm 2017. (Ảnh: AFP)
Quốc vương Campuchia tái bổ nhiệm ông Hun Sen làm Thủ tướng: Ngày 17/8, tại cung điện Hoàng gia Campuchia, Quốc vương Norodom Sihamoni đã trao sắc chỉ hoàng gia chính thức bổ nhiệm ông Samdech Hun Sen làm Thủ tướng Vương quốc Campuchia và giao Thủ tướng Hun Sen chịu trách nhiệm thành lập Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VI.
Sắc chỉ bổ nhiệm Samdech Hun Sen làm Thủ tướng Vương quốc Campuchia chính thức có hiệu lực vào ngày 18/8/2018. Đây sẽ là cơ sở để Thủ tướng Hun Sen tiến hành thành lập nội các và kiện toàn bộ máy Chính phủ Hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ 2018-2023.
Dự kiến, Chính phủ mới của Campuchia sẽ chính thức ra mắt vào ngày 6/9 tới đây.
Mưa lũ bất thường tại bang Kerala, miền Nam Ấn Độ. (Ảnh: Reuters)
Mưa lũ bất thường ở Ấn Độ làm 324 người thiệt mạng: Ấn Độ đã triển khai hàng nghìn binh sỹ và hàng chục trực thăng tới cứu những người còn mắc kẹt trong trận lũ lụt tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ qua tại bang Kerala, miền Nam. Số người chết do lũ lụt và lở đất đã tăng lên 324 và con số này có thể còn tăng cao.
Giới chức ước tính khoảng 10.000 km đường bộ đều ngập nước hoặc bị chôn vùi do sạt lở. Sân bay quốc tế tại thành phố Cochin đóng cửa tới ngày 26/8. Hơn 220.000 trở thành vô gia cư chỉ trong vòng 9 ngày từ khi mưa lớn bắt đầu.
Tổng thống Mỹ Donadld Trump ký ban hành luật chính sách quốc phòng 716 tỷ USD. (Ảnh: Wall Street)
Tổng thống Mỹ ký dự luật chính sách quốc phòng: Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/8 đã ký một dự luật chính sách quốc phòng trị giá 716 tỷ USD cho phép ủy quyền chi tiêu quốc phòng cũng như giảm bớt kiểm soát những hợp đồng cấp Chính phủ với tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc - một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới.
Luật mới này được đặt theo tên của Thượng nghị sỹ Arizona, John MacCain. Tổng thống Mỹ cho biết, Luật Ủy quyền Quốc phòng là một khoản đầu tư quan trọng nhất đối với lĩnh vực quân sự và quân đội Mỹ trong lịch sử hiện đại.
Thủ đô Vienna của Áo trở thành thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2018. (Ảnh: Erasmusu.com)
Thủ đô Vienna của Áo trở thành thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2018: Thủ đô Vienna của Áo là thành phố đáng sống nhất trên thế giới năm 2018. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát hằng năm do Bộ phận nghiên cứu Economist Intelligent Unit - EIU) thuộc tạp chí The Economist nổi tiếng của Anh thực hiện và vừa công bố mới đây.
Trước khi bị soán ngôi, thành phố Melbourne (Australia) đã giữ kỷ lục 7 năm liên tiếp là thành phố đáng sống nhất trên thế giới nhờ vào chỉ số ổn định cao hơn trong các tiêu chí đánh giá.
Cuộc khảo sát được thực hiện tại 140 thành phố trên thế giới cho thấy gần một nửa số thành phố đều có có chỉ số đáng sống được cải thiện so với bảng xếp hạng năm ngoái.
Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, IS hiện vẫn còn khoảng 30.000 quân ở Iraq và Syria. (Ảnh: AP)
Vẫn còn 30.000 quân IS ở Iraq và Syria: Theo báo cáo ngày 13/8 của Liên Hợp Quốc, IS hiện có khoảng 30.000 quân ở Iraq và Syria dù đã mất phần lớn lãnh thổ chiếm giữ được trong những năm qua.
Báo cáo này nhận định sự hiện diện của IS và Al-Qaeda là mối đe dọa cho Đông Nam Á, Trung và Nam Á, châu Âu, Đông Phi, Bắc Phi và bán đảo Arab.
Tại Bắc Phi, hiện Lybia được cho rằng có khoảng 3.000 - 4.000 binh lính của IS và quốc gia này cũng đang chứng kiến sự hồi sinh của lực lượng Al-Qaeda. Ở Ai Cập hiện có khoảng 1.000 tay súng IS.