Hàn Quốc đối mặt khủng hoảng thiếu bác sĩ

Thiếu bác sĩ đang đẩy hệ thống y tế Hàn Quốc và nhiều nước châu Á vào khủng hoảng, buộc chính phủ phải lùi bước và tìm hướng cải cách sâu rộng.

Đầu tháng 5, một phụ nữ khoảng 60 tuổi sống tại thành phố Changwon, tỉnh Gyeongsang, tử vong sau khi bị từ chối chuyển viện khẩn cấp, tờ Korea Joongang Daily cho biết. Bác sĩ chẩn đoán bà cần chăm sóc tích cực, song gia đình cho biết các bệnh viện tuyến trên từ chối tiếp nhận do thiếu nhân lực và không còn giường bệnh trống. Sau nhiều giờ chờ đợi, tình trạng bệnh trở nặng, bà không qua khỏi.

Theo dự báo, đến năm 2035, Hàn Quốc sẽ thiếu hụt khoảng 15.000 bác sĩ. Đây là lý do vào tháng 3 năm ngoái, chính phủ dự kiến tăng 2.000 chỉ tiêu tuyển sinh ngành y kể từ năm 2025. Tuy nhiên, động thái này đã châm ngòi cho một trong những cuộc đình công ngành y kéo dài nhất trong lịch sử. Hơn 11.000 y bác sĩ đã rời bỏ bệnh viện, dẫn đến việc tạm ngưng nhiều dịch vụ thiết yếu như cấp cứu và phẫu thuật. Yonhap thống kê hàng nghìn ca phẫu thuật bị hủy bỏ, đẩy bệnh nhân vào nguy cơ rủi ro, thậm chí một vài trường hợp đã tử vong do không được cứu chữa kịp thời.

Hiện Hàn Quốc chưa có thống kê về số bác sĩ nội trú nghỉ việc trong một năm qua, song truyền thông nước này ghi nhận nhiều chuyên gia đã xin nghỉ hưu, chuyển sang bác sĩ đa khoa, nhập ngũ hoặc gia nhập cơ sở tư nhân. Điều này khiến cuộc khủng hoảng nhân lực y tế tại khu vực công ngày càng căng thẳng.

Thực tế, bác sĩ Hàn Quốc không phản đối hoàn toàn việc tăng chỉ tiêu. Điều họ phản ứng là cách chính phủ triển khai mà không cải thiện điều kiện làm việc vốn đã quá tải. Mô hình tính phí theo dịch vụ trong hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia buộc bác sĩ phải khám số lượng lớn bệnh nhân mỗi ngày để đảm bảo thu nhập, dẫn đến kiệt sức và ảnh hưởng chất lượng chăm sóc. Bên cạnh đó, nhiều bác sĩ trẻ cho biết họ không muốn tiếp tục làm việc ở các vùng nông thôn, nơi thiếu cơ sở hạ tầng và cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Sự chênh lệch về phân bổ bác sĩ giữa thành thị và nông thôn là một vấn đề nan giải. Tại Seoul, tỷ lệ bác sĩ là 4,7 trên 1.000 dân, nhưng ở các tỉnh vùng sâu vùng xa, con số này chưa đến một nửa. Trong khi đó, chính phủ vẫn chưa đưa ra các chính sách đủ hấp dẫn để khuyến khích bác sĩ trẻ tình nguyện đến công tác lâu dài ở những khu vực khó khăn.

Bác sĩ tại một hệ thống y tế ở Hàn Quốc đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: AA
Bác sĩ tại một hệ thống y tế ở Hàn Quốc đang điều trị cho bệnh nhân. Ảnh: AA

Tình trạng thiếu hụt bác sĩ không chỉ là vấn đề riêng của Hàn Quốc. Tại châu Á, tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc ban đầu đang đẩy nhiều hệ thống y tế đến giới hạn. Bệnh nhân không được điều trị kịp thời tại địa phương buộc phải di chuyển lên tuyến trên, gây quá tải cho bệnh viện trung ương và khiến chi phí y tế leo thang. Các bác sĩ chuyên khoa và thực tập sinh cũng phải gánh vác thêm công việc, dẫn đến tình trạng kiệt sức kéo dài.

Tại Ấn Độ, tỷ lệ bác sĩ năm 2019 chỉ đạt 1 trên 1.456 người, thấp hơn mức khuyến nghị 1 trên 1.000 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Đặc biệt, ở vùng nông thôn, phần lớn các trạm y tế không có bác sĩ trực toàn thời gian. Philippines và Thái Lan cũng đối mặt tình trạng tương tự, khi bác sĩ tập trung ở đô thị lớn, khu vực nông thôn thiếu người phục vụ. Ngoài ra, hiện tượng "chảy máu chất xám" - bác sĩ giỏi chuyển ra nước ngoài do lương thấp và điều kiện làm việc hạn chế càng khiến các quốc gia khó khăn trong việc giữ chân nhân tài.

Để đối phó với tình trạng này, nhiều nước châu Á đã thử nghiệm các giải pháp kỹ thuật số. Hệ thống hỗ trợ quyết định lâm sàng (CDS), y học từ xa và hồ sơ sức khỏe điện tử (EHRs) được kỳ vọng sẽ giúp bác sĩ tuyến đầu nâng cao năng lực, giảm phụ thuộc vào bệnh viện tuyến cuối. Ở Singapore, chương trình Healthier SG khuyến khích bác sĩ gia đình nâng cấp phần mềm quản lý phòng khám để được trợ cấp. Tại Philippines, nền tảng UpToDate đã được triển khai thử nghiệm tại vùng sâu vùng xa. Thái Lan cũng triển khai mô hình đào tạo và giữ chân bác sĩ nông thôn bằng chương trình CPIRD từ nhiều năm qua.

Còn Hàn Quốc đã tăng 41,5 tỷ won (31,4 triệu USD) cho trợ cấp đào tạo bác sĩ nội trú và bác sĩ chuyên khoa, đồng thời đầu tư 2.332 tỷ won (1,76 tỷ USD) để cải thiện môi trường đào tạo. Chính phủ cũng sẽ triển khai chương trình thí điểm giảm thời gian làm việc tối đa của bác sĩ nội trú từ 80 giờ xuống 72 giờ mỗi tuần.

Tình trạng thiếu bác sĩ đang trở thành một rủi ro mang tính hệ thống tại châu Á, ảnh hưởng đến công bằng, hiệu quả và khả năng duy trì của dịch vụ y tế công. Nhưng một số chuyên gia nhận định, đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc toàn ngành. Việc tích hợp công nghệ, phân bổ lại nguồn lực, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao vai trò của tuyến chăm sóc ban đầu có thể giúp các quốc gia từng bước khắc phục khủng hoảng. Không chỉ cần tăng số lượng bác sĩ, mà còn phải tạo điều kiện để những người đang làm nghề có thể phát huy tối đa năng lực, với sự hỗ trợ đúng lúc, tại đúng nơi, trong môi trường làm việc lành mạnh.

vnexpress.net

Đọc thêm

Ấn Độ tấn công tên lửa vào Pakistan

Ấn Độ tấn công tên lửa vào Pakistan

Ấn Độ phóng tên lửa vào 9 mục tiêu trên lãnh thổ Pakistan và vùng Pakistan kiểm soát ở Kashmir, trong khi Islamabad tuyên bố bắn rơi 5 máy bay quân sự của đối thủ ở biên giới.
Đức có tân thủ tướng

Đức có tân thủ tướng

Ông Friedrich Merz đã giành đủ sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu tại quốc hội để trở thành Thủ tướng Đức.
Ông Trump thay Cố vấn An ninh Quốc gia

Ông Trump thay Cố vấn An ninh Quốc gia

Tổng thống Trump bổ nhiệm Ngoại trưởng Rubio làm Cố vấn An ninh Quốc gia, sau khi đề cử ông Mike Waltz làm Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.