Xe máy cháy sau một cuộc không kích ở Idlib, Syria hồi tháng 7. Ảnh: Reuters. |
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria cho biết tên lửa đánh trúng trại huấn luyện gần thành phố Idlib, nơi diễn ra cuộc họp của lãnh đạo nhóm phiến quân Hồi giáo Hurras al-Deen, Ansar al-Tawhid và một số tổ chức liên minh hôm 31/8 khiến 40 người chết nhưng không rõ do ai phóng.
Lầu Năm Góc sau đó cho biết họ đã thực hiện vụ không kích. Những kẻ này đứng sau các cuộc tấn công "đe dọa công dân Mỹ, đối tác của chúng tôi và thường dân vô tội", Earl Brown, phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ nói về mục tiêu không kích. Ông không cho biết loại vũ khí Mỹ sử dụng.
Hurras al-Deen và Ansar al-Tawhid là các nhóm vũ trang hoạt động tại Idlib có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda, từng tham chiến cùng phiến quân Hayat Tahrir al-Sham.
Người biểu tình phong tỏa lối vào sân bay quốc tế Hong Kong tối 13/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ lĩnh biểu tình ở Hong Kong Joshua Wong bị bắt giữ: Theo AFP, ngày 30/8, thủ lĩnh biểu tình ở Đặc khu Hành chính Hong Kong Joshua Wong đã bị bắt. Wong được xem là một trong những người dẫn đầu cuộc biểu tình của học sinh, sinh viên tại Hong Kong năm 2014 nhằm phản đối việc Bắc Kinh can thiệp quá sâu vào cuộc bầu cử trưởng đặc khu hành chính năm 2017.
Phong trào được gọi là "ô dù" vì người biểu tình mang theo ô để che mưa, nắng và bảo vệ bản thân khi cảnh sát dùng hơi cay. Biểu tình kéo dài gần ba tháng, lúc đỉnh điểm thu hút 100.000 người tham gia, đã làm tê liệt một phần của thành phố. Wong được thả ngày 17/6, sau khi thụ án 5 tuần vì tội coi thường tòa án.
Tuy nhiên, Joshua Wong và Agnes Chow đã được tại ngoại sau khi bị bắt sáng 30/8 liên quan đến các cáo buộc tụ tập bất hợp pháp, theo AP.
Theo đài RTHK (Hong Kong), dù được tại ngoại, Wong và Chow sẽ bị quản thúc từ 23h mỗi ngày đến 7h hôm sau, bị cấm đến khu vực Admiralty trong thành phố. Hình phạt dành cho tội kích động tụ tập bất hợp pháp có thể lên đến 5 năm tù.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II. (Ảnh: Gettyimages)
Nữ hoàng Elizabeth chấp thuận đề xuất của chính phủ hoãn phiên họp Quốc hội: Nữ hoàng Elizabeth II đã chấp thuận đề xuất của chính phủ hoãn lịch làm việc của Quốc hội dự kiến bắt đầu từ ngày 3/9 sang ngày 14/10 nhằm ngăn chặn khả năng các nghị sĩ đối lập cản trở kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, mà không có thỏa thuận vào ngày 31/10 tới.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã để nghị Nữ hoàng Elizabeth II hoãn phiên họp Quốc hội sẽ diễn ra vào ngày 3/9.
Kế hoạch này bị chỉ trích là nhằm ngăn chặn Quốc hội cản trở Brexit diễn ra theo đúng kế hoạch. Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow khẳng định việc chính phủ có kế hoạch hoãn thời gian làm việc của cơ quan lập pháp nước này tới ngày 14/10 là "vi phạm hiến pháp", cho rằng động thái này được đưa ra để ngăn chặn cơ quan lập pháp tranh luận về Brexit cũng như thực hiện nghĩa vụ định hình tương lai của quốc gia. Lãnh đạo Công đảng đối lập ở Anh Jeremy Corbyn cũng cho rằng kế hoạch hoãn lịch làm việc của Quốc hội là vi hiến và đe dọa nền dân chủ quốc gia.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tổng thống Indonesia công bố địa điểm đặt thủ đô mới: Ngày 26/8, Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo thủ đô mới của nước này sẽ được chuyển từ Jakarta trên đảo Java hiện nay đến tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo.
Tổng thống Widodo cho biết các kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy "địa điểm lý tưởng nhất" để đặt thủ đô mới của Indonesia là một khu vực thuộc các vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara của tỉnh Đông Kalimantan.
Theo đó, địa điểm đặt thủ đô mới của Indonesia sẽ nằm gần thành phố Balikpapan. Theo nhà lãnh đạo Indonesia, kế hoạch di dời thủ đô khỏi Jakarta sẽ tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (khoảng 32,79 tỷ USD), trong đó chính phủ sẽ cấp 19% số kinh phí, số còn lại do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7. (Ảnh: Al Jazeera)
Hội nghị thượng đỉnh G7 đồng quan điểm về vấn đề Iran và Nga: Trong bữa ăn tối làm việc kéo dài gần 3 giờ tại thành phố duyên hải Biarritz, Tây Nam nước Pháp ngày 24/8, các nhà lãnh đạo Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7, gồm: Pháp, Đức, Nhật, Italy, Anh, Hoa Kỳ và Canada) đã trao đổi quan điểm về nhiều vấn đề, trong đó có hạt nhân Iran, đưa Nga trở lại nhóm, cháy rừng Amazon...
Về vấn đề Iran, các lãnh đạo G7 chia sẻ quan điểm chung rằng Iran không nên sở hữu vũ khí hạt nhân, tuy nhiên vẫn còn bất đồng trong cách tiếp cận để tìm ra một giải pháp cho vấn đề này.
Cũng tại bữa tối làm việc trên, các lãnh đạo G7 đã thảo luận khả năng Nga trở lại nhóm. Dù Tổng thống Trump hối thúc G7 tái thu nạp Nga, các thành viên khác hiện vẫn phản đối. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng đã nhất trí cần tăng cường hỗ trợ nhằm dập tắt đám cháy rừng hiện nay tại rừng mưa Amazon ở Brazil.