3 cách bắt muỗi
Trời tối đen như mực, theo chân những người đi bắt muỗi của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn Hải (thôn Nhật Tân, xã Mỹ Lộc, Can Lộc).
Đây là xã trọng điểm sốt rét ở huyện Can Lộc, định kỳ các anh chị phải tổ chức bắt muỗi để phân tích, đánh giá phục vụ cho công tác phòng chống sốt rét.
Muỗi bắt được nhốt vào trong ống thủy tinh.
Bẫy muỗi bằng đèn là công việc đầu tiên được nhóm thực hiện. Lấy từ trong túi ra một chiếc bẫy đèn, y sỹ Đặng Đình Dũng - Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng nói: “Chiếc bẫy đèn này sẽ treo ở ngoài vườn từ tối cho đến sáng hôm sau. Đèn treo cách mặt đất khoảng 1,5m và cách xa chuồng gia súc khoảng 30m.
Khi treo đèn, phải tắt hết các đèn khác để ánh sáng từ đèn thu hút muỗi. Sáng mai, anh sẽ đến lấy bẫy đèn và cho muỗi vào các tuýp thủy tinh để đưa về phân tích, định loại”.
Cả nhóm ngồi ngoài vườn làm mồi nhử muỗi.
Sau khi treo đèn bắt muỗi xong ở nhà đầu tiên, cả nhóm lại thu dọn đi nhà khác. Nhà tiếp theo nằm cách xa đường lớn, sau cơn mưa, đường đi vào khá khó khăn. Ở đây có chuồng gia súc, lại gần một số ao hồ, là nơi lý tưởng để muỗi bay vào hút máu.
Bắt muỗi trong chuồng gia súc đòi hỏi kỳ công hơn. Anh Thịnh tỷ mẩn soi đèn từng bờ tường, từng khoang ngăn cách chuồng gia súc, mỗi khi bắt gặp một con muỗi, anh lại dùng ống tuýp thủy tinh (dụng cụ để bắt muỗi) bắt sống từng con. Mỗi ống tuýp chứa khoảng 3 con.
“Muỗi Anophen thường hút máu gia súc vào chập tối, sau đó đậu vào bờ tường hoặc thang chuồng. Những hôm không may gặp phải con bò, con trâu dữ là phải vừa bắt muỗi vừa quan sát để phòng tránh tai nạn” - bác sỹ Đoàn Văn Thịnh, phụ trách Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng chia sẻ.
Sau khi bắt muỗi trong chuồng, cả nhóm ra vườn nhử muỗi. Mỗi người phải ngồi im lặng ở một góc, nơi ngược gió và để lộ ra ngoài một phần chân tay. Khoảng từ 5 - 20 phút, nhóm mới bắt được số muỗi theo đúng chủng loại
Các y, bác sỹ nhanh tay bắt muỗi đậu, cắn vào chân mình.
Theo nghiên cứu, trên địa bàn Hà Tĩnh có khoảng 60 loài muỗi, trong đó muỗi truyền bệnh sốt rét Anophen hoạt động chủ yếu về đêm nên việc bắt muỗi phải tiến hành trong khoảng từ 20h tối đến gần sáng hôm sau.
Quá nửa đêm, số lượng muỗi bắt được đã đủ, cả nhóm thu dọn dụng cụ để ra về. Số muỗi bắt được sẽ được đưa về khoa để nghiên cứu, phân tích về định dạng muỗi, thành phần loại, mật độ muỗi; đánh giá hiệu quả của việc phun hóa chất, tẩm màn… nhằm phục vụ tốt công tác phòng chống sốt rét trên địa bàn.
Vì mục tiêu loại trừ sốt rét
Theo bác sỹ Đoàn Văn Thịnh: “Bệnh sốt rét nay đã giảm so với những năm trước đây, tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 61 xã trọng điểm sốt rét và vẫn có muỗi truyền bệnh sốt rét, đặc biệt còn có nhiều người đi từ vùng sốt rét về. Chỉ cần một bệnh nhân mắc bệnh thì có thể bùng phát dịch. Vì thế, công tác phòng chống dịch không được lơ là”.
Muỗi bắt được sẽ đem về phân tích, định dạng nhằm phục vụ công tác phòng chống sốt rét
Để nắm bắt và có các giải pháp phòng chống dịch hữu hiệu, hằng năm, cán bộ Khoa Ký sinh trùng – Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh) đều phải đi bắt muỗi ở các xã trọng điểm sốt rét.
Những huyện có nhiều xã trọng điểm sốt rét như Hương Khê, Kỳ Anh, Hương Sơn, Đức Thọ, Vũ Quang… phải đi từ 3-4 lần/năm, mỗi lần đi từ 3 - 5 ngày với sự hỗ trợ, giúp đỡ của cán bộ huyện, y tế xã và thôn bản. Có điểm bắt cách xa chỗ ở hơn chục km, đường rừng núi, những cán bộ trong khoa vẫn không nề hà với công việc, có người cũng đã gắn bó với nghề gần 30 năm.
Tất cả họ luôn giữ tinh thần quyết tâm, góp sức cùng ngành y tế tỉnh nhà hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét.