Thực hiện Luật, các ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật và xử lý VPHC ngay từ đầu năm; tuyên truyền phổ biến pháp luật về xử lý VPHC. Công tác quản lý xử lý VPHC huy động được sự tham gia của cơ quan tố tụng; qua đó kịp thời nắm bắt thông tin, đề xuất để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền.
Trưởng phòng Tư pháp thị xã Hồng Lĩnh: Hoạt động XLVPHC trong phạm vi quản lý ở địa phương là nhiệm vụ mới được bổ sung cho Phòng Tư pháp, trong khi biên chế thực hiện các nhiệm vụ tại phòng vẫn còn hạn chế (3 người)
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu do một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật ban hành chưa kịp thời, đồng bộ dẫn tới việc áp dụng thực hiện còn lúng túng; cơ chế phối hợp giữa các tổ chức, cơ quan có liên quan chưa được xây dựng; các mức xử phạt tiền tuy được áp dụng thống nhất trong toàn quốc nhưng điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương lại chênh lệch khác nhau nên mức xử phạt khó áp dụng; công tác theo dõi, giám sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt thực hiện chưa hiệu quả, việc phát hiện, xử lý vi phạm còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Trưởng phòng Tư pháp huyện Thạch Hà: Việc lập hồ sơ áp dụng các biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện được thông báo cho người bị đề nghị hoặc đại diện hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các đối tượng thường lợi dụng việc được thông báo để bỏ trốn
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tham luận những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác xử phạt vi phạm hành chính theo ngành, lĩnh vực; tình hình vi phạm và kết quả áp dụng các biện pháp xử lý hành chính của từng địa phương; khó khăn trong công tác theo dõi, kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về Xử lý VPHC.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật.