Thiếu minh bạch, sai nguyên tắc ở HBE Hà Tĩnh (Bài 1): Vi phạm quản lý sử dụng đất đai

(Baohatinh.vn) - Không chỉ ngang nhiên vi phạm công tác quản lý sử dụng đất mà “Vườn cổ tích” còn bị “phù phép” biến thành nhà nội trú là những việc làm chẳng giống ai của lãnh đạo Công ty CP Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh (HBE)...

Công ty CP Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh (HBE) được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Công ty Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh theo Quyết định 458/QĐ-UBND ngày 6/10/2004 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Ngành nghề chính của công ty là kinh doanh sách giáo dục, sách giáo khoa các loại, SXKD thiết bị trường học, dịch vụ trường học…

Trụ sở làm việc Công ty CP Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh.
Trụ sở làm việc Công ty CP Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh.

Hiện HBE có 4 công ty con gồm Công ty TNHH MTV Công nghiệp HBE, Công ty TNHH MTV Giáo dục HBE, Công ty TNHH MTV Thương mại HBE và Công ty TNHH MTV phân phối tổng hợp HBE. Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HBE là ông Hồ Gia Bảo. Ông Hồ Phương Nam (em ruột ông Bảo) là Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh. Từ 15/5/2013, ông Nam được bổ nhiệm thay ông Bảo làm Tổng Giám đốc. Quá trình hoạt động của HBE thời gian qua đã có nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật, khiến dư luận nghi ngại, cổ đông bất an.

Năm 2008, Trường Mầm non Hoa Sen (thuộc HBE) được xây dựng tại xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) trên khuôn viên rộng 4.616 m2. Tháng 9/2009, 8/9 hạng mục được đưa vào sử dụng. Riêng hạng mục “Vườn cổ tích” có diện tích hơn 423 m2, sau mấy tháng triển khai xây dựng đã bị chủ đầu tư “biến” thành… nhà công vụ cho giáo viên. Tuy nhiên, trên thực tế, trong 14 phòng nội trú chỉ có 4 hộ gia đình, 5 giáo viên độc thân sinh sống, số còn lại cho cá nhân khác thuê.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nhằm… “thay đổi hiện trạng” khu đất được phê duyệt xây dựng “Vườn cổ tích” phục vụ cho việc dạy và học, ngày 11/4/2011, đại diện HBE (bên kêu gọi đầu tư) là ông Hồ Gia Bảo - Tổng Giám đốc HBE ký kết một văn bản thỏa thuận với ông Hồ Phương Nam (nhà đầu tư) xây dựng nhà ở cho CBCNV của công ty. Theo đó, nhà đầu tư được giao đất trước ngày 12/4/2011, nghĩa là giao đúng ngày 2 bên ký kết hợp đồng, đồng thời, được sử dụng phần đất này trong thời hạn 15 năm kể từ ngày ký hợp đồng.

Hợp đồng xây dựng nhà ở được ký kết giữa ông Hồ Phương Nam với đại diện lãnh đạo HBE là ông Hồ Gia Bảo và bà Chủ tịch Công đoàn Hồ Thị Nga. Cán bộ, nhân viên công ty thuê được giảm 10% tiền phòng ở, những phòng trọ cho người ngoài công ty thuê, ông Nam nộp tiền cho Công đoàn công ty bằng 10%/phòng (số tiền này không hạch toán vào sổ sách kế toán công ty).

Điều bất thường ở đây là nhà đầu tư lại là Phó Tổng Giám đốc HBE và là em ruột ông Hồ Gia Bảo. Thêm điểm nữa là tại Điều 3 - điều khoản cam kết thực hiện ghi rõ: trong điều kiện công ty phải thu hồi đất trước thời hạn thì công ty cùng nhà đầu tư thỏa thuận giá trị đền bù tài sản trên đất cho nhà đầu tư. Như vậy, dư luận không thể không nghi ngại đằng sau câu chuyện này có những điều khuất tất! Bởi, nếu không phải là “người trong cuộc” và có những toan tính trước thì chẳng ai lại mạo hiểm bỏ tiền đầu tư? Để rồi, “sảy chân” thì rất có thể phải bước vào hành trình đòi nợ đầy gian truân, thậm chí “tiền mất tật mang”. Phải chăng, đây là cách “đi tắt đón đầu”, xây nhà cho thuê trước rồi tìm cách hợp thức hóa thủ tục của 2 vị lãnh đạo - 2 anh em ruột (!?). Vì, nếu có ý định xây nhà công vụ cho cán bộ, nhân viên tại sao lãnh đạo HBE lúc bấy giờ không triển khai các thủ tục cần và đủ trước khi xây dựng mà lại “cầm đèn chạy trước ô tô như vậy”?

Cũng xin được trao đổi thêm, sau khi phát hiện sai trái này, ngày 4/10/2013, Thanh tra Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh đã ra Quyết định số 21/QĐ-XPVPHC “V/v xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai”. Theo đó, ngành này đã xử phạt Công ty TNHH MTV Giáo dục HBE số tiền 6 triệu đồng, lý do sử dụng đất không đúng mục đích do UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thuê tại Quyết định số 216/QĐ-UBND ngày 27/7/2012. Đồng thời, ngành Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh yêu cầu đơn vị tháo dỡ các công trình xây dựng không đúng với mặt bằng quy hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt trước đó và khôi phục lại tình trạng của thửa đất như trước khi vi phạm.

Tiếp đó, ngày 17/10/2013, UBND tỉnh ra Văn bản số 3853/UBND-NL1 yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm trước ngày 15/11/2013 theo đề xuất của Sở Tài nguyên & Môi trường. Ngày 29/10/2013, UBND tỉnh lại ra văn bản số 4016/UBND-NL1 cho phép lùi thời gian tháo dỡ, nhưng phải hoàn thành trước ngày 30/11/2013 bởi thời gian này nhà trường đang tập trung các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đến ngày 9/12/2013, Sở Xây dựng Hà Tĩnh có tờ trình số 1126/SXD-TTr “V/v đề xuất xử lý công trình sai quy hoạch của Công ty TNHH MTV Giáo dục HBE”. Theo đó, phê bình chủ đầu tư do không chấp hành nghiêm chỉnh quy hoạch đã được phê duyệt; UBND thành phố không kiểm tra kịp thời để phát hiện nên tình trạng vi phạm diễn ra và kéo dài. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh cho phép lùi thời gian tháo dỡ trước ngày 30/6/2014 do một số giáo viên nghỉ sinh và chờ sinh chưa thể lo nhà ở mới.

Đến nay (tính đến hết ngày 16/4/2014), Công ty Sách & Thiết bị trường học Hà Tĩnh vẫn chưa chấp hành mà viện nhiều lý do gửi công văn lên các cấp xin kéo dài thời gian tháo dỡ và hợp thức hóa công trình xây dựng trái phép này.

Từ đó có thể khẳng định, tuy đã vi phạm nghiêm trọng công tác quản lý sử dụng đất, song HBE đã và đang tìm mọi cách để làm thay đổi hiện trạng mảnh đất sử dụng sai mục đích này.

Đi cùng với những sai phạm về quản lý đất đai, xây dựng trái phép, công tác quản lý ở HBE còn lạm quyền và mang tính chất gia đình trị. Đặc biệt, những việc làm của các ông Hồ Gia Bảo và Hồ Phương Nam còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

PV Báo Hà Tĩnh sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc trong kỳ tiếp theo.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Dấu ấn thu ngân sách của Hà Tĩnh

Năm 2024, Hà Tĩnh cán mốc thu ngân sách hơn 18.100 tỷ đồng, tăng 3% dự toán HĐND tỉnh giao. Mốc son này góp phần điểm tô thêm gam màu sáng cho bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Cùng doanh nghiệp Hà Tĩnh “vượt sóng”

Xác định doanh nghiệp là “bạn đồng hành”, ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đã trao cơ hội để doanh nhân chủ động thích ứng, mạnh dạn đầu tư, khẳng định vai trò tiên phong trong nền kinh tế.
Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.