Thời điểm Trung Quốc bị soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới

Các nhà nhân khẩu học dự đoán dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc vào khoảng giữa tháng 4 này. Tuy nhiên, đây không phải câu trả lời mà họ hoàn toàn chắc chắn.

Thời điểm Trung Quốc bị soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới

Ấn Độ được dự đoán sẽ sớm trở thành quốc gia đông nhất thế giới. Ảnh: Bloomberg .

Dân số Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc trong tháng này? Hay là trong tháng 7? Hay điều này đã xảy ra rồi?

Các nhà nhân khẩu học không biết chính xác khi nào Ấn Độ sẽ soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới của Trung Quốc, vì họ dựa vào số liệu ước tính để đưa ra dự đoán chính xác nhất có thể. Tuy nhiên, điều họ chắc chắn là sự kiện này sẽ sớm xảy ra, nếu như hiện tại chưa xảy ra, theo AP .

Trung Quốc đạt vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới ít nhất là từ năm 1950, khi Liên Hợp Quốc bắt đầu đếm dữ liệu dân số. Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có hơn 1,4 tỷ người. Cộng lại, hai nước chiếm hơn 1/3 trong số 8 tỷ người trên toàn cầu.

“Thực tế, không có cách nào chúng ta có thể biết chính xác khi nào dân số Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc. Có một số điều không chắc chắn trong dân số Ấn Độ và Trung Quốc”, Bruno Schoumaker - nhà nhân khẩu học tại Đại học Công giáo Louvain ở Bỉ - cho biết.

Cách tính dân số

Tính toán dựa trên khảo sát, cũng như số người sinh ra và qua đời, dự đoán Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc vào khoảng giữa tháng 4. Tuy nhiên, các nhà nhân khẩu học cảnh báo vẫn nên chú ý bởi các con số không rõ ràng và có thể thay đổi.

“Đây là ước tính gần đúng, lời phỏng đoán tốt nhất”, Patrick Gerland - trưởng bộ phận ước tính và dự đoán dân số tại Liên Hợp Quốc ở New York - cho biết.

Cách đây không lâu, nhiều ý kiến cho rằng tận cuối thập kỷ này, Ấn Độ mới trở thành quốc gia đông dân nhất. Tuy nhiên, cột mốc này ngày càng tiến nhanh do tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm, với các gia đình có ít con hơn.

Các nhà nhân khẩu học tại Ban Dân số Liên Hợp Quốc ước tính dựa trên nhiều nguồn dữ liệu khác nhau trong phạm vi số liệu mới nhất. Sara Hertog - nhân viên phụ trách các vấn đề dân số của Liên Hợp Quốc tại New York - cho biết lần cập nhật dữ liệu mới nhất cho dự tính này là vào tháng 7/2022 ở cả Ấn Độ và Trung Quốc.

Theo Stuart Gietel-Basten - giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Khoa học và Công nghệ Khalifa ở Abu Dhabi, sau khi có dữ liệu, các nhà nhân khẩu học sẽ áp dụng kỹ thuật thống kê, từ đó suy ra thời điểm dân số Ấn Độ vượt Trung Quốc.

Những con số đến từ đâu?

Nền tảng cho dữ liệu của cả hai quốc gia là các cuộc điều tra dân số được tiến hành mỗi thập kỷ.

Tại Trung Quốc, điều tra dân số gần nhất là vào năm 2020. Giới chức đã sử dụng hồ sơ sinh ra và qua đời, cùng các dữ liệu hành chính khác, để tính toán dân số đã tăng lên thế nào.

Cuộc điều tra dân số gần đây nhất của Ấn Độ là năm 2011. Lần điều tra dân số vào năm 2021 bị trì hoãn do đại dịch Covid-19. Alok Vajpeyi thuộc Tổ chức Dân số Ấn Độ cho biết do không có số lượng từng nhà thực tế trong hơn một thập niên, khảo sát mẫu đã lấp đầy khoảng trống này để giúp các nhà nhân khẩu học và chính Ấn Độ hiểu số dân của mình.

Số liệu quan trọng nhất là Hệ thống đăng ký mẫu, khảo sát nhân khẩu học quy mô lớn của Ấn Độ thu thập dữ liệu về khả năng sinh sản, số lượng người sinh ra, chết đi,...

Andrea Wojnar, đại diện của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Ấn Độ, cho biết cơ quan này tin tưởng vào các con số của cuộc khảo sát “bởi khảo sát áp dụng phương pháp rất hiệu quả”.

Vì sao dân số Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc?

Trung Quốc có dân số già với tốc độ tăng trì trệ, ngay cả khi chính phủ từ bỏ chính sách một con vào 7 năm trước, và cho phép các cặp vợ chồng có 3 con vào năm 2021.

Trong khi đó, Ấn Độ có dân số trẻ hơn nhiều, tỷ lệ sinh cao hơn và tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm trong ba thập kỷ qua.

Dudley Poston Jnr - giáo sư tại Đại học Texas A&M - cho biết Ấn Độ có số trẻ sinh ra hàng năm nhiều hơn mọi quốc gia, trong khi Trung Quốc cùng nhiều nước châu Âu có số ca tử vong hàng năm cao hơn số ca sinh.

Theo AP , quốc gia đạt danh hiệu đông dân nhất thế giới không chỉ tự hào mà còn có những lợi ích về kinh tế và xã hội.

Tại Ấn Độ, danh hiệu này đồng nghĩa lực lượng lao động ngày càng phình to, thúc đẩy hoạt động kinh tế. Với Trung Quốc, bị soán ngôi khiến số lượng người trong độ tuổi lao động của nước này ít hơn trong việc hỗ trợ dân số già.

Toshiko Kaneda - chuyên gia nhân khẩu học từ Cục Tham chiếu Dân số ở Washington - cho biết khi đã đạt mức sinh thấp, các quốc gia thường rất khó phục hồi tốc độ tăng dân số, ngay cả khi chính phủ thay đổi chính sách để khuyến sinh.

Trong khi đó, theo ông Gietel-Basten, về mặt tâm lý, khi bị tước danh hiệu, Trung Quốc sẽ cảm thấy rất khó khăn, đặc biệt do sự cạnh tranh trong các lĩnh vực giữa 2 nước. “Đây là khoảnh khắc trọng đại trong lịch sử loài người, khi trách nhiệm đang đẩy sang Ấn Độ”, ông nói.

Thời điểm Trung Quốc bị soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới
Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast