Nhiều cán bộ chuyên trách công tác này ví von: “Doanh nghiệp (DN) hoạt động bình thường thu ngân sách đã không phải chuyện dễ, nay DN có “bệnh” mà là “bệnh nan y” thì công tác thu nợ lại khó khăn bội phần”!
Những hồi chuông đổ dài làm người đầu dây bên này không khỏi nóng ruột, đến những giây cuối cùng, chủ DN A. mới nhấc máy và buông lời không mấy dễ nghe: “Cán bộ gọi chi lắm rứa, DN đang khó khăn, việc không có mà làm thì lấy tiền đâu mà trả nợ thuế!”. Tôi lấy làm ái ngại, định đi chỗ khác thì chị T. – cán bộ Phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh) xua tay: “Có gì đâu em, nhiệm vụ là phải làm, nhiều người hiểu cho thì còn cảm thấy được an ủi, chứ trường hợp như thế này, chị gặp thường xuyên”. Còn nữa, mỗi lần gửi thông báo nợ bằng đường bưu điện đến tận địa chỉ DN đăng ký, cũng có trường hợp DN “mất tích”, nhưng cũng không ít trường hợp, họ không nhận nên cán bộ thuế đành phải vất vả tìm đến tận nơi.
Để nâng cao hiệu quả thu nợ, ngành thuế đã giao nhiệm vụ cho mỗi cán bộ phụ trách thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở từng doanh nghiệp cụ thể.
Chia sẻ về công tác quản lý nợ thuế của ngành trong thời gian qua, Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế (Cục Thuế tỉnh) Hồ Văn Châu cho biết: “Thực tế quá trình quản lý nợ thuế cho thấy, tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn đã ảnh hưởng rất lớn đến “sức khỏe” DN. Do vậy, ngoài số ít DN ý thức thực hiện nghĩa vụ thuế chưa cao, còn dây dưa, chây ỳ thì đại bộ phận DN gặp khó về tài chính, không có nguồn nộp đúng hạn. Xác định được điều đó nên trong quá trình thu hồi nợ, bên cạnh các giải pháp “mạnh tay” với DN chây ỳ là sự chia sẻ, động viên, tạo điều kiện đối với những đơn vị thật sự khó khăn…”.
Theo đó, để bảo đảm tính công bằng trong cộng đồng người nộp thuế, ngoài việc công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, Cục Thuế tỉnh cũng cương quyết đối với các trường hợp cố tình chây ỳ nợ thông qua hình thức cưỡng chế tài khoản và cưỡng chế hóa đơn theo quy định của Luật Quản lý thuế. Đặc biệt, thời gian qua, ngành thuế đã phối hợp đồng bộ giữa các ngành như kho bạc, ngân hàng, chủ đầu tư, các ban quản lý dự án trên địa bàn để cung cấp thông tin, kiểm soát dòng tiền của các DN để áp dụng cưỡng chế theo quy định. Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng phối hợp cơ quan công an để trao đổi thông tin, điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế…
Trước áp lực nợ thuế ngày càng tăng, ngành thuế đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý, thu hồi nợ theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, ngành tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các buổi gặp mặt trực tiếp các DN nợ thuế để đôn đốc, nhắc nhở, lại vừa động viên, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Theo đánh giá, thông qua các đợt gặp gỡ và ký cam kết, phần lớn DN đã nộp nợ thuế vào ngân sách. Bằng các giải pháp quản lý nợ, từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã thu hơn 300 tỷ đồng tiền nợ thuế, đóng góp không nhỏ vào tổng số thu toàn ngành đến thời điểm này (tính đến hết tháng 4/2017, tổng thu ngân sách nội địa đạt 1.452,4 tỷ đồng).
“Để đảm bảo thực hiện công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của pháp luật, ngành thuế tiếp tục nắm bắt, thu thập thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của DN; thu thập thông tin phản hồi từ DN để xác định chính xác nguyên nhân nợ thuế, từ đó có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế phù hợp với từng trường hợp. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp triển khai các đoàn giám sát thu ngân sách, chủ động tham mưu, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN cũng như kiến nghị với các cấp có thẩm quyền tạo cơ chế, chính sách để DN có nguồn vốn phát triển, tăng thu nhập để có nguồn tài chính nộp thuế, đồng thời, tạo nguồn thu bền vững cho ngân sách.
Với các biện pháp này, ngành thuế đang tích cực phấn đấu để đảm bảo số tiền thuế nợ đến 31/12/2017 không vượt quá tỷ lệ 3% so với tổng thu ngân sách toàn ngành” - Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế Hồ Văn Châu cho biết thêm.