Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda (trái) và Thủ tướng Mateusz Morawiecki tại Vácsava, ngày 24/10. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 13/11, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đệ đơn từ chức lên chính phủ nước này.
Động thái này được thực hiện theo quy định của Hiến pháp Ba Lan trong bối cảnh quốc hội mới được bầu của Ba Lan nhóm họp phiên đầu tiên trong giai đoạn chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử hồi tháng 10.
Trong cuộc bầu cử ngày 15/10 vừa qua, liên minh cánh hữu của đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đã về nhất khi giành được 194 ghế tại Hạ viện gồm 460 ghế. Kết quả này không đủ để PiS tự đứng ra thành lập chính phủ mới (cần ít nhất 231 ghế).
Phe đối lập gồm Liên minh Dân sự (KO) của cựu Thủ tướng Donald Tusk, Cánh tả Mới (NL) và Con đường thứ ba (TD) giành được tổng cộng 248 ghế. Liên minh cực hữu Liên đoàn (Konfederacja) giành được 18 ghế.
Tổng thống Andrzej Duda cho biết sẽ tái chỉ định ông Morawiecki là ứng cử viên cho chức thủ tướng vào chiều 13/11. Phát biểu trước quốc hội, ông Morawiecki bày tỏ mong muốn thiết lập một chính phủ mới với tinh thần đoàn kết giữa các đảng phái.
Trước đó, hôm 26/10, hai ngày sau cuộc gặp với lãnh đạo các đảng và liên minh giành được ghế trong quốc hội, Tổng thống Duda tuyên bố cả ông Tusk và ông Morawiecki đều là ứng cử viên cho chức thủ tướng trong chính phủ mới.
Theo Hiến pháp Ba Lan, phiên họp đầu tiên của quốc hội mới phải diễn ra trong vòng 30 ngày sau cuộc bầu cử. Tổng thống sau đó có 14 ngày để bổ nhiệm thủ tướng và giao nhiệm vụ thành lập chính phủ.
Người được bổ nhiệm có 14 ngày để đảm bảo nhận được đủ phiếu tín nhiệm từ các nhà lập pháp. Nếu nỗ lực này không thành công, quốc hội sẽ tự lựa chọn ứng cử viên khác cho vị trí người đứng đầu chính phủ.