Báo chí Việt Nam đã lớn mạnh vượt bậc
Chiều 21/6/2016, tại trụ sở Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự buổi Gặp mặt Kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2015) do Bộ TT&TT tổ chức.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng những người làm báo Việt Nam nhân dịp 21/6 năm nay.
Thay mặt Chính phủ gửi tới những người làm báo cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Báo chí là công cụ sắc bén, tuyên truyền, bảo vệ lợi ích của dân tộc, của nhân dân, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, báo chí đã làm tốt nhiệm vụ thông tin truyền thông về cơ chế chính sách, sự quản lý điều hành của Đảng, Nhà nước, phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế; Tăng cường truyền thông về những nhân tố mới, mô hình hay, cách làm hay, biểu dương người tốt, việc tốt, gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, sai trái, góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực,... góp phần tạo đồng thuận, xây dựng xã hội ta tốt đẹp hơn”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng trước sự lớn mạnh vượt bậc của báo chí cách mạng Việt Nam, với hơn 800 cơ quan báo chí, hơn 20.000 người đang làm việc trong các cơ quan báo chí, trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ... Đây thực sự là lực lượng hùng hậu trên mặt trận thông tin, tuyên truyền, lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Các thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng, văn hóa, xã hội... của đất nước ta đạt được những năm qua đều có sự đóng góp quan trọng của báo chí cách mạng.
“Trong công việc hàng ngày, lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên tiếp xúc với các cơ quan báo chí. Các phóng viên mà tôi từng tiếp xúc luôn truyền cho những người xung quanh nhiệt huyết làm nghề, lòng say mê cống hiến cho đất nước, sự lăn xả quyết liệt vì lẽ phải, vì sự thật.
Phần lớn những người lãnh đạo dù bận đến cỡ nào hàng ngày cũng đọc tin tức trên báo, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến của người dân, doanh nghiệp đối với các chính sách của Chính phủ, để qua đó góp phần xây dựng một chính phủ kiến tạo, phát triển, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, phục vụ nhân dân.
Tôi thực sự trân trọng tinh thần lao động hăng say, đầy nhiệt huyết, trách nhiệm của các phóng viên trước mỗi sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng, bầu cử Quốc hội... Sự kiện gần đây nhất mới cách đây vài ngày, đêm thứ 6, lực lượng quân đội đưa thi thể phi công Trần Quang Khải về đất liền, nhiều phóng viên đã thức trắng đêm ở Nghệ An để truyền trực tiếp tin tức, hình ảnh đầy xúc động từ hiện trường. Và chắc chắn nhiều biên tập viên cũng thức trắng đêm để chờ tin tức”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Phải có cuộc cách mạng mới trong nghề báo
Vui mừng trước những thành tựu đạt được, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đề nghị những người làm báo phải thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn thách thức với báo chí.
“Trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ, Internet, 3G, 4G,... báo in đối mặt sự sụt giảm doanh thu khi xu thế người dân sử dụng báo mạng, các báo điện tử cũng phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội.
Tôi cũng chia sẻ những vất vả của công việc với đồng lương còn khiêm tốn của các nhà báo, phải rất bản lĩnh tránh cám dỗ của mặt trái thị trường”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ: “Nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi công tác báo chí phải đổi mới không ngừng, phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo trong việc chi phối, định hướng thông tin. Đặc biệt, sự phát triển vượt bậc công nghệ truyền thông yêu cầu chúng ta phải có cuộc cách mạng mới trong nghề báo, từ báo in, báo hình, báo nói, đến báo điện tử, và tiến tới là mạng xã hội. Báo chí cần liên tục đổi mới, sáng tạo, phải tìm ra hướng đi mới, nội dung mới, phương pháp, cách đưa tin mới thì mới đáp ứng được yêu cầu của nhân dân”.
Đánh giá cao nỗ lực của báo chí thời gian qua trong việc phản ánh các vấn đề nóng như lãng phí, an toàn giao thông... tuy nhiên, Thủ tướng bày tỏ sự chưa hài lòng khi vẫn còn một số bài báo gây hoang mang cho xã hội, nhiều doanh nghiệp, nông dân điêu đứng vì thông tin giật gân, không đúng sự thật. Đây là những việc phải nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại câu nói của Bác Hồ và gửi gắm nhiều mong muốn đối với người làm báo: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người được tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm được chân lý. Khi đã tìm được chân lý, lúc đó, quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý. Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý...
Mỗi người làm báo hãy đề cao trách nhiệm của mình với xã hội, nghĩa vụ công dân với đất nước, nâng cao bản lĩnh chính trị, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ đất nước, nhân dân”.
“Nhân dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng, thay mặt Chính phủ, tôi chúc người làm báo Việt Nam luôn xứng đáng là chiến sĩ kiên cường trên mặt trận tư tưởng - văn hóa phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ vững tâm sáng, lòng trong, cùng nhau chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chính phủ sẽ đồng hành với các đồng chí trên con đường nhiều khó khăn nhưng đầy ý nghĩa này”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.
4 nhiệm vụ trọng tâm của người làm báo
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đề nghị những người làm báo Việt Nam cần làm tốt một số niệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục phát huy thành quả của báo chí đã đóng góp trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam, khắc phục những hạn chế trong hoạt động báo chí, tiếp tục tuyên truyền có hiệu quả, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, gương điển hình người tốt việc tốt, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong Đảng và trong toàn xã hội.
Thứ hai, báo chí thông tin đa dạng, chính xác, khách quan, trung thực, là kênh phổ biến vừa phản biện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh ý kiến của người dân, góp phần giám sát các hoạt động của cơ quan Đảng, nhà nước nhằm tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Mỗi nhà báo là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa, lực lượng nòng cốt trong công tác đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, phản động, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc, chủ động thông tin, bác bỏ nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng và toàn xã hội.
Thứ ba, các cơ quan chủ quản, lãnh đạo cơ quan báo chí phải thường xuyên quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ những người làm báo có phẩm chất chính trị vững vàng, chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp trong sáng, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Báo chí cách mang phải làm tốt chức năng định hướng xã hội, tạo sự đồng thuận trong xã hội, hướng người dân tới các giá trị chân – thiện – mỹ. Cùng với việc khen thưởng thành tích tốt, cần xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, sai phạm trong hoạt động báo chí. Cần sớm triển khai đưa Luật Báo chí 2016 vào đời sống; đồng thời nghiêm túc thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về quy hoạch báo chí.
Thứ tư, đề nghị báo chí làm tốt công tác tuyên truyền phản biện các hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính các cấp, cùng chung tay xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, xây dựng Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp liêm chính, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính để phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp.