Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide sẽ là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp trực tiếp với tân Tổng thống Mỹ.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Kato Katsunobu nhấn mạnh, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ rất coi trọng quan hệ đồng minh với Nhật Bản. Điều này cũng rất có ý nghĩa trong việc chứng minh cho thế giới thấy Mỹ cam kết theo đuổi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ông Suga và ông Biden. Ảnh: Japan Times.
Theo ông Kato, dự kiến hai nhà lãnh đạo sẽ tái khẳng định sự hợp tác để “hiện thực hóa” một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương không có khí thải carbon; phối hợp trong ứng phó với đại dịch Covid-19; cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay giải quyết các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Triều Tiên. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước cũng có khả năng thảo luận về việc tăng cường chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn, hợp tác cùng nhau trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông, bao gồm cả mạng không dây 5G.
Hiện tại, hai chính phủ cũng đang xem xét ban hành một văn kiện chung sau hội nghị thượng đỉnh, nhằm tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng các hoạt động hàng hải đáng lo ngại.
Trước đó, hôm qua (2/4), Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu cuộc tham vấn đầu tiên dưới thời Tổng thống Joe Biden về chính sách ứng phó với Triều Tiên.
Theo một quan chức cấp cao Mỹ, các cuộc đàm phán giữa Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, Trưởng ban thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Nhật Bản Shigeru Kitamura và Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon được tiến hành tại Học viện Hải quân Mỹ ở Annapollis, bang Maryland. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất giữa 3 nước đồng minh kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền ngày 20/1 vừa qua và diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên hồi tuần trước.
Tổng thống Joe Biden mới đây tuyên bố, Mỹ vẫn cởi mở trong quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, song sẽ có biện pháp đáp trả nếu nước này cố tình làm leo thang tình hình. Tới nay chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn khá “kín tiếng” về chính sách với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hồi giữa tuần khẳng định, phi hạt nhân hóa sẽ vẫn là trung tâm của chính sách. Bất kỳ cách tiếp cận nào đối với Triều Tiên cũng phải được thực hiện qua tham vấn với các đồng minh thân cận, bao gồm cả Nhật Bản và Hàn Quốc.