Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng. Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở Việt Nam cũng rất lớn. Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 – 80.000 tấn dược liệu, trong đó có rất nhiều dược liệu có tiềm năng nuôi trồng trong nước.
Bộ Y tế đã tổ chức cấp phiếu tiếp nhận bản công bố dược liệu sản xuất theo GACP-WHO cho 11 cây dược liệu, từng bước khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện nuôi trồng, sản xuất dược liệu theo GACP – WHO để đảm bảo nguồn dược liệu phục vụ cho sản xuất có chất lượng tốt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh điều hành điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc, trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Việc nuôi trồng cây dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3 – 5 lần so với trồng một số loại cây trồng nông nghiệp như lúa, ngô, sắn… Tuy nhiên, đến nay, việc nuôi trồng dược liệu trong nước chưa có quy hoạch và định hướng phát triển của từng địa phương, chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh, khó khăn trong quá trình hội nhập.
Là một trong những địa phương có nhiều dược liệu tự nhiên quý hiếm; có điều kiện địa lý, tự nhiên phù hợp phát triển cây dược liệu; nhu cầu sử dụng nguồn dược liệu cao..., Hà Tĩnh đang hướng đến chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu dược sạch. Công ty CP Dược Hà Tĩnh đã mạnh dạn liên kết đầu tư vốn triển khai trồng gần 15 ha thuốc nam tại các xã Cẩm Vịnh, Cẩm Phúc (Cẩm Xuyên) và Hương Liên (Hương Khê) để tạo nguồn dược liệu sạch. Tuy nhiên, nhìn chung, phát triển nguồn dược liệu sạch vẫn còn rất hạn chế. Do vậy, thị trường dược liệu tại Hà Tĩnh hiện đang chiếm tới trên 80% có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn dược liệu sẵn có tại Việt Nam để phục vụ công nghiệp bào chế, sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền thay vì chú trọng, tập trung vào sản xuất nguyên liệu hóa dược như trước đây.
Phát triển nguồn dược liệu và các vùng nuôi trồng dược liệu; bảo tồn nguồn gen và phát triển các loài dược liệu, quý, hiếm, đặc hữu trở thành lĩnh vực ưu tiên trong phát triển công nghiệp dược, giúp tận dụng được tối đa thế mạnh từ nguồn dược liệu trong nước, đồng thời phù hợp đối với năng lực thực tại của ngành công nghiệp dược nước nhà đó là công nghiệp bào chế. Cần có chính sách pháp luật rõ hơn, thậm chí sửa luật pháp để dược liệu Việt Nam có cơ hội phát triển.
Về nhiệm vụ, Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp các bộ liên quan xây dựng cơ chế chính sách đặc thù; khẩn trương ban hành quy trình chuẩn nuôi trồng cây dược liệu; ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng dược liệu làm công cụ quản lý; tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ các nước...
Đối với các địa phương, cần tổ chức triển khai hiệu quả chiến lược phát triển cây dược liệu, xem đây là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt, quan tâm thu hút nhà máy chế biến vào vùng sản xuất cây dược liệu có quy mô lớn...