Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Chỉ thị số 45-CT/TU về việc tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020.
Nắng nóng gay gắt đã kéo dài nhiều ngày qua trên địa bàn Hà Tĩnh
Chỉ thị nêu rõ, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, thời tiết mùa khô năm 2020 diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn có thể kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã xảy ra 5 điểm phát lửa, trong đó có 2 điểm gây cháy rừng, thiệt hại 1,25ha rừng trồng.
Để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng.
Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 07/12/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ, phát triển và khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế rừng và đất lâm nghiệp đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Chỉ thị số 1299/CT-BNN-TCLN ngày 21/02/2020 của Bộ NN&PTNT và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng. Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, thường xuyên của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, nhân dân và các chủ rừng.
Trên địa bàn Hà Tĩnh thời gian qua đã xảy ra 5 điểm phát lửa, trong đó có 2 điểm gây cháy rừng
Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về tình hình, diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu để nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện nghiêm trách nhiệm quản lý về phòng cháy, chữa cháy rừng, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong suốt thời gian nắng nóng, bố trí các điểm chốt chặn, tuần tra canh gác ở những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên người ra vào rừng, nhất là những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao.
Nghiêm cấm việc dùng lửa trong và ven rừng trong thời gian cao điểm nắng nóng, tuyệt đối không được xử lý thực bì bằng lửa trong thời gian này, nếu phát hiện tổ chức, cá nhân nào vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trường hợp phát hiện các điểm cháy, huy động kịp thời các lực lượng chức năng và người dân tham gia khống chế, dập tắt trong thời gian nhanh nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để cháy lây lan.
Thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” hiệu quả; tăng cường lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí và các điều kiện khác để luôn sẵn sàng cao nhất dập tắt cháy rừng kịp thời khi mới phát hiện điểm cháy. Xây dựng các phương án ứng phó và chủ động, sẵn sàng thực hiện sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi xảy ra đám cháy, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp.
Lực lượng chức năng cần tăng cường trực gác nhằm phát hiện kịp thời các điểm phát lửa
Các lực lượng Quân sự, Công an, Biên phòng tỉnh phối hợp chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống cháy rừng, ứng cứu kịp thời, nhanh nhất các tình huống khẩn cấp. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm tham gia chữa cháy khi có yêu cầu. Chủ động đề xuất Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, phối hợp với Quân khu 4 và lực lượng chức năng của các tỉnh trong khu vực để hỗ trợ ứng cứu trong các trường hợp cần thiết, đặc biệt nghiêm trọng.
Ban thường vụ các huyện, thành, thị ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng. Thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương cơ sở thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy. Địa phương, đơn vị nào để xảy ra cháy rừng thì người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp thường xuyên tuyên truyền, phổ biến công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo, dự báo cháy rừng trong thời kỳ cao điểm để người dân biết, chủ động phòng ngừa.
Đảng đoàn Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và người dân chủ động phòng ngừa cháy rừng, tích cực hỗ trợ ứng cứu khi xảy ra cháy rừng.
Các đồng chí Trưởng các đoàn công tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phân công thành viên bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương chỉ đạo, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy tại các địa phương, cơ sở.