Giá xăng, dầu “phi mã”, doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Tĩnh tính phương án tăng giá vé

(Baohatinh.vn) - Giá xăng dầu liên tục tăng trong 2 tháng qua đang khiến hoạt động của các doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Tĩnh hết sức lao đao, buộc phải tính phương án tăng giá vé.

Giá xăng, dầu “phi mã”, doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Tĩnh tính phương án tăng giá vé

Giá xăng dầu liên tục tăng cao đã tác động nặng nề đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn Hà Tĩnh.

Theo chia sẻ của các nhà xe, vì xăng, dầu chiếm 35 - 40% giá thành vận tải nên việc giá nhiên liệu “leo thang” đã khiến họ rơi vào cảnh “đứng ngồi không yên”.

Không giấu nổi lo lắng, chị Nguyễn Thị Hoa - chủ nhà xe Phú Quý (TP. Hà Tĩnh) cho biết: “Hai năm nay, doanh nghiệp lao đao vì dịch COVID-19 kéo dài. Nay giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục khiến chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Hiện, không chỉ riêng tôi mà nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách khác dự định sẽ đề xuất lên cơ quan chức năng xem xét cho tăng giá cước.

Hiện tại, nhà xe chúng tôi chỉ hoạt động “cầm cự” 2 đầu xe, còn lại đang “nằm bãi” 8 xe; mỗi chuyến xe cũng chỉ có khoảng 15 - 20 hành khách, nghĩa là khoảng 50% so với số ghế. Nếu không tính đến việc tăng giá vé thì doanh nghiệp khó có thể trụ vững” - Chị Hoa cho hay.

Giá xăng, dầu “phi mã”, doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Tĩnh tính phương án tăng giá vé

Nhà xe Hiếu Viện hiện có 10 xe khách chuyên tuyến Hà Tĩnh - Sài Gòn, tuy nhiên, thời điểm này nhà xe chỉ có 3 xe đang hoạt động.

Theo đại diện nhà xe Hiếu Viện (chuyên tuyến Hà Tĩnh - Sài Gòn), nếu như thời điểm này năm ngoái, chi phí nhiên liệu 2 chiều đi về (Hà Tĩnh đi Sài Gòn và ngược lại) khoảng 14 triệu đồng, thì nay đã “đội” lên 22 triệu đồng. Trong khi đó, xe giường nằm thường (giá vé 750 nghìn đồng/người) và cao cấp (giá vé 950 nghìn đồng/người) hiện mỗi chuyến chỉ có khoảng 15 - 25 khách.

Ông Bùi Văn Viện - Chủ nhà xe Hiếu Viện cho biết: “Trong bối cảnh doanh nghiệp gần như kiệt quệ vì dịch bệnh, nay giá xăng, dầu khiến hoạt động kinh doanh vận tải khó càng thêm khó. Những khoản phí đường bộ, vận tải, bến bãi vẫn phải đảm bảo… buộc doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô xuống 3 xe hoạt động thường xuyên, thay vì 10 xe như trước đây. Chúng tôi hy vọng các cấp sớm có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Giá xăng, dầu “phi mã”, doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Tĩnh tính phương án tăng giá vé

Hàng chục xe đường dài nằm “chờ” khách tại bến xe Hà Tĩnh sáng nay (5/3).

Ghi nhận tại bến xe Hà Tĩnh sáng 5/3, rất đông xe giường nằm đang chờ tới lượt xuất bến, trong khi lượng khách đến bến xe khá thưa thớt.

Theo thống kê, bến xe Hà Tĩnh hiện có trên 100 đầu xe đi các tỉnh, thành nhưng hoạt động thường xuyên chỉ khoảng 25 xe. Nhu cầu đi lại của người dân sụt giảm mạnh, trong khi giá nguyên liệu tăng cao khiến nhiều xe khách đường dài rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở cũng không xong”.

Ông Bùi Phan Lương - Phó Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Tĩnh cho biết: “Do tác động của dịch COVID-19 nên lượng khách chỉ còn 40 - 50% so với thời điểm này của các năm trước. Giá xăng, dầu lại liên tục leo thang, khiến khó khăn chồng khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải nghĩ đến việc điều chỉnh giá vé.

Tuy nhiên, doanh nghiệp muốn tăng giá vé thì phải làm đúng các thủ tục chứ không thể tự quyết. Theo đó, các doanh nghiệp phải làm hồ sơ gửi về Sở GTVT, sau khi được chấp thuận mới thông báo về bến để niêm yết...”.

Giá xăng, dầu “phi mã”, doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Tĩnh tính phương án tăng giá vé

Thời điểm hiện tại, số đầu xe taxi Mai Linh đang hoạt động chỉ khoảng 100 xe, chiếm 60% tổng số xe của công ty.

Không chỉ các doanh nghiệp vận tải đường dài gặp khó, các hãng taxi trên địa bàn Hà Tĩnh cũng trải qua khoảng thời gian “lao đao” nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Ông Lê Thế Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, số đầu xe taxi Mai Linh đang hoạt động chỉ khoảng 100 xe, chiếm 60% tổng số xe của công ty. Số còn lại hiện đang nằm trong bãi.

Nguyên nhân khiến lượng lớn xe công ty “nằm bãi” là do giá xăng, dầu lên quá cao khiến chi phí vận hành bị đội lên từ 30 - 40%. Trong khi đó, lượng khách đi xe đã giảm đến 80% so với thời điểm chưa xuất hiện dịch nên doanh thu của đơn vị thời gian qua đều không đạt chỉ tiêu, nhiều tài xế hiện đã nghỉ việc vì không trụ nổi”.

Cũng theo đại diện Công ty TNHH MTV Mai Linh Hà Tĩnh, để thích ứng được trong thời điểm giá xăng, dầu tăng cao kỷ lục, đơn vị sẽ đề xuất với Hiệp hội Vận tải nâng giá cước. Theo đó, mức giá sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo phù hợp, giúp người dân có thể thuận tiện trong việc chi trả chi phí đi lại cũng như đảm bảo thu nhập cho anh em tài xế.

Giá xăng, dầu “phi mã”, doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Tĩnh tính phương án tăng giá vé

Thay vì chạy lòng vòng như trước đây để tìm khách thì hiện tại, anh Nguyễn Văn Nam - lái xe taxi hãng Mai Linh Hà Tĩnh phải tìm điểm đỗ để tiết kiệm tiền xăng.

Anh Nguyễn Văn Nam, lái xe taxi hãng Mai Linh Hà Tĩnh chia sẻ: “Gia đình tôi có 5 người, thu nhập chủ yếu trông chờ vào việc chạy taxi. Hiện tại, dù phải chạy cả ngày, lẫn đêm nhưng thu nhập cũng chỉ bằng một nửa so với trước".

Cũng theo anh Nam, nếu như trước đây, các tài xế còn có thể chạy xe “chay” đi lòng vòng trên các tuyến để đón khách dọc đường thì bây giờ, các xe đều phải tìm điểm đỗ để tiết kiệm chi phí.

Giá xăng, dầu “phi mã”, doanh nghiệp vận tải hành khách ở Hà Tĩnh tính phương án tăng giá vé

“Khó khăn kép” từ giá xăng dầu và dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh phải hoạt động cầm cự.

Với khó khăn "kép”, các đơn vị vận tải mong muốn cấp, ngành sớm có biện pháp hỗ trợ kịp thời để vượt khó trong giai đoạn hiện nay.

Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, mỗi lít xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 1/3 giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); xăng RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng).

Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay. Như vậy, giá xăng đã tiến sát ngưỡng 27.000/lít.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast