Hà Tĩnh: Giá vật liệu xây dựng “leo thang”, nhà thầu lao đao vì công trình “đội” vốn

(Baohatinh.vn) - Giá các loại vật liệu xây dựng đồng loạt “leo thang”, đặc biệt là giá thép đạt mức đỉnh điểm khiến doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn Hà Tĩnh lao đao vì các công trình “đội vốn”.

Hà Tĩnh: Giá vật liệu xây dựng “leo thang”, nhà thầu lao đao vì công trình “đội” vốn

Đầu tháng 3 tới nay, giá thép tăng 3 lần với tổng mức tăng 1,6 triệu đồng/tấn.

Theo tìm hiểu, thép thanh, thép cuộn hiện nay trên thị trường Hà Tĩnh có giá từ 19,5 – 20,5 triệu đồng/ tấn, xi măng từ 1,4 – 1,75 triệu đồng/tấn; cát 260 – 285.000 đồng/khối… Với mức giá này, sắt thép tăng 2,7 triệu đồng/tấn, xi măng tăng 150.000 đồng/tấn, cát tăng 55.000 đồng/khối so với thời điểm đầu năm 2022.

Ông Nguyễn Xuân Sơn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải (xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà) cho biết: "Giá thép thời điểm này đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Chỉ riêng từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép tăng 3 lần liên tục với tổng mức tăng 1,6 triệu đồng/tấn. Ngoài ra, giá xi măng cũng tăng 130 - 150.000 đồng/tấn. Nguyên nhân giá vật liệu tăng là do phí nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng cao”.

Hà Tĩnh: Giá vật liệu xây dựng “leo thang”, nhà thầu lao đao vì công trình “đội” vốn

Giá xi măng hiện nay tăng 130 - 150.000 đồng/tấn so với thời điểm đầu năm.

Giá các loại vật liệu xây dựng như cát, xi măng, sắt thép, bê tông tươi, nhựa đường… đồng loạt tăng, đặc biệt là mức tăng của giá thép đã tác động trực tiếp tới giá thành xây dựng các công trình, gây áp lực rất lớn cho nhà thầu. Tình trạng chung của các nhà thầu xây dựng hiện nay là phải gồng mình thi công, nếu mức giá nhiên liệu, vật liệu vẫn tiếp tục không “hạ nhiệt” thì càng làm càng lỗ.

Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và vận chuyển Chí Trung (TP Hà Tĩnh) đang thi công công trình nhà hành chính quản trị và các phòng phục vụ học tập, các hạng mục phụ trợ Trường Tiểu học Tượng Sơn (Thạch Hà) với tổng mức đầu tư hơn 8 tỷ đồng. Công trình được triển khai vào tháng 12/2021 và phải chịu tác động của “bão giá” vật liệu xây dựng từ đầu năm 2022 tới nay.

Ông Nguyễn Văn Trung – Giám đốc công ty cho biết: “Giá thép tăng từng ngày trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp xây dựng. Không chỉ vậy, gạch đá, cát, xi măng… đều tăng theo nên dự kiến công trình bị “đội” vốn gần 300 triệu đồng so với đơn giá hồ sơ”.

Hà Tĩnh: Giá vật liệu xây dựng “leo thang”, nhà thầu lao đao vì công trình “đội” vốn

Thi công Trường Tiểu học Tượng Sơn, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và vận chuyển Chí Trung chịu thiệt hại gần 300 triệu đồng do giá vật liệu tăng.

Nhận thầu công trình nhà 3 tầng với 20 phòng học Trường THCS Bình An Thịnh (Lộc Hà) ở thời điểm giá thép chỉ 16,5 triệu đồng/tấn (đơn giá đấu thầu), Công ty CP Xây lắp dịch vụ và Thương mại Hoàng Tùng (Thạch Hà) cũng đang gặp khó khi giá các loại vật liệu xây dựng liên tục “nhảy vọt”.

Anh Nguyễn Danh Thái – cán bộ kỹ thuật công ty cho biết: “Đến nay, riêng giá thép đã chênh lệch khoảng 4 triệu đồng/tấn so với đơn giá đấu thầu nên chỉ tính riêng tiền thép, công ty đã thiệt hơn 150 triệu đồng. Vừa qua, chúng tôi đổ sàn tầng 2, giá bê tông tươi cũng đã tăng thêm 35.000 đồng/khối so với trước đó. Ngoài ra, các vật liệu khác cũng tăng, kéo theo giá thành xây dựng bị “đội” lên rất nhiều”.

Hà Tĩnh: Giá vật liệu xây dựng “leo thang”, nhà thầu lao đao vì công trình “đội” vốn

Chịu tác động giá thép tăng, công trình Trường THCS Bình An Thịnh bị đội thêm 150 triệu đồng so với đơn giá hồ sơ.

Theo đại diện các doanh nghiệp xây dựng, trên thực tế, tại phần lớn các dự án, các định mức đơn giá cũ trong hồ sơ mời thầu đều thấp hơn nhiều so với giá cả thị trường hiện nay. Bởi vậy, thời điểm này càng nhiều công trình đang thi công, nhà thầu càng thêm áp lực.

Anh Thân Văn Thảo – cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thành Linh thông tin: “Các công trình chúng tôi đang triển khai đều đấu thầu năm 2021 nên công ty phải chấp nhận chịu “đội” giá do chênh lệch giá thị trường và giá hồ sơ đấu thầu. Dù biết giá tăng nhưng phải chấp nhận, vật liệu phải dùng đến đâu mua đến đó do không có kho dự trữ, hơn nữa, sắt thép dự trữ sẽ bị hư hỏng bởi tác động thời tiết. Với 5 công trình xây dựng đang thi công trên địa bàn tỉnh, công ty phải chịu thiệt hại hơn 1 tỷ đồng do “nhảy" giá vật liệu.

Ông Phạm Hồng Phong - Giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng số 3 Hà Tĩnh (TP Hà Tĩnh) cho hay: “Hiện công ty đang tiến hành xây dựng một số hạng mục công trình tại huyện Kỳ Anh và Lộc Hà, việc giá xi măng, sắt thép tăng ở mức cao đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Với những công trình nhận thầu ở giai đoạn trước tháng 1/2022, công ty phải chịu thiệt để bù lỗ. Nếu thời gian tới, giá vật liệu không có chiều hướng giảm thì rất nan giải”.

Hà Tĩnh: Giá vật liệu xây dựng “leo thang”, nhà thầu lao đao vì công trình “đội” vốn

Thi công 5 công trình ở thời điểm này, Công ty TNHH Xây dựng và Thương Mại Thành Linh phải bù lỗ hơn 1 tỷ đồng do chênh lệch giá.

Không chỉ với nhà thầu xây dựng, các cơ sở phân phối cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực khi giá vật liệu xây dựng tăng “phi mã”.

“Mặc dù đang là cao điểm mùa xây dựng, tuy nhiên do giá vật liệu quá cao, nhiều người dân và nhà thầu tạm dừng thi công công trình nên số lượng bán ra giảm 5-10% so với cùng kỳ năm 2021” – ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Viết Hải cho hay.

Hà Tĩnh: Giá vật liệu xây dựng “leo thang”, nhà thầu lao đao vì công trình “đội” vốn

Các vật liệu xây dựng tăng “phi mã” trở thành nỗi ám ảnh của doanh nghiệp xây dựng.

Theo ông Ngô Đức Quy – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thạch Hà, giá vật liệu xây dựng tăng tác động đến cả công trình đang thi công lẫn công trình đang lập dự toán. Với công trình hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, giá vật liệu tăng sẽ bị đội vốn vì Nhà nước phải bù giá cho nhà thầu. Còn với hợp đồng trọn gói, nhà thầu phải chịu thiệt hại, khó khăn khi giá vật liệu có biến động, do đó, nhiều công trình dễ rơi vào tình trạng chững tiến độ.

Đối với những công trình đã có quyết định đầu tư, đang triển khai thủ tục hồ sơ, giá vật liệu tăng sẽ làm tăng dự toán Nhà nước. Ngoài ra, một số dự án nếu chi phí tăng vượt quá mức kinh phí dự phòng sẽ bị vượt tổng mức đầu tư, phải mất thời gian thực hiện các thủ tục điều chỉnh giá, do đó cũng sẽ làm chậm tiến độ dự án.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast