Giá xăng, dầu tăng trong 2 kỳ điều chỉnh gần đây nhất.
Từ ngày 1/7/2023, lương cơ sở chính thức tăng thêm 20,8%, từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Điều này khiến nhiều người dân phấn khởi vì thu nhập được nâng cao, song cũng không ít người lo lắng giá cả nguyên - nhiên liệu, hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ hàng ngày sẽ tăng theo.
Hơn thế nữa, trong 2 kỳ điều chỉnh liên tiếp gần đây (ngày 21/7 và 1/8), giá xăng dầu đều tăng ở mức khá cao khiến người tiêu dùng càng thêm lo ngại về sự “leo thang” của giá cả thị trường.
Vợ chồng bà Dương Thị Chiên (xã Cổ Đạm, Nghi Xuân) là lao động tự do nên bà không quan tâm nhiều đến việc tăng hay giảm lương cơ sở vì không ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của gia đình. Song điều khiến bà lo lắng là giá cả hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng theo.
Bà Dương Thị Chiên lo ngại giá hàng hóa, dịch vụ tăng theo mức tăng lương cơ sở.
Bà Chiên bày tỏ: “Trước đây, mỗi lần lương tăng là kéo giá thực phẩm, hàng hóa, dịch vụ tăng theo nên tôi lại phải tính toán để thắt chặt chi tiêu cho phù hợp với điều kiện gia đình. Năm nay, từ đầu tháng 5, giá điện đã tăng 3%. Trong 2 đợt điều chỉnh gần đây nhất, giá xăng cũng đã tăng gần 2.500 đồng/lít. Mới đầu tháng 8 này, giá gas bán lẻ cũng đã tăng. Vậy nên đợt tăng lương này, tôi vui mừng cho người được hưởng lương nhưng cũng rất lo giá cả thị trường sẽ “té nước theo mưa”, nhất là những mặt hàng buôn bán tự do ở chợ”.
Trong khi đó, với vợ chồng chị Phan Thị Hòa (xã Thạch Trung, TP Hà Tĩnh), dù đón nhận niềm vui tăng lương nhưng cũng không khỏi lo lắng giá cả hàng hóa sẽ tăng theo.
Lo lắng vật giá “leo thang” là tâm lý chung của nhiều người dân
Chị Hòa cho biết: “Vợ chồng tôi là công chức nhà nước và giáo viên. Lương cơ sở tăng, thu nhập vợ chồng tăng thêm được hơn 2 triệu đồng so với trước, giúp gia đình có thêm một khoản để chi tiêu. Thế nhưng, tôi cũng lo ngại lương tăng thì giá hàng hóa rục rịch tăng theo vì thấy giá xăng dầu hiện nay đã có xu hướng tăng. Chỉ sợ lương tăng 1 đồng mà hàng hóa tăng 2 đồng thì lại càng thêm khó khăn, chật vật. Mong rằng Nhà nước sẽ có những cơ chế, chính sách kiểm soát giá cả để bình ổn thị trường, không làm ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống người dân”.
Nỗi lo vật giá leo thang của bà Chiên, chị Hòa là tâm lý chung của nhiều người dân khi mức lương tăng. Sự lo lắng này là điều dễ hiểu bởi tăng lương, tăng giá là câu chuyện không mới. Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên lo lắng thái quá và tránh gây nhiễu loạn thị trường.
Các siêu thị thường xuyên thực hiện các chương trình giảm giá để san sẻ một phần gánh nặng chi tiêu cho người tiêu dùng.
Theo khảo sát, hiện nay, giá cả hàng hóa tại chợ, siêu thị, cửa hàng trên thị trường Hà Tĩnh vẫn giữ ổn định, chưa có biến động lớn. Tính từ đầu năm tới nay, mức giá có biến động nhiều nhất là lợn hơi (từ tháng 5 trở đi, giá lợn hơi tăng khoảng 12 - 15.000 đồng/kg so với trước đó).
Chị Võ Thị Nhung – tiểu thương bán rau tại chợ TP Hà Tĩnh cho biết: “Hiện nay, giá rau củ quả tôi nhập vào vẫn không có thay đổi lớn. Trước đây, mức giá cũng có ngày tăng, ngày giảm và hơn 1 tháng nay cũng vậy. Trên thực tế, giá các mặt hàng có sự biến động liên tục như rau củ, hoa quả, hải sản… rất khó để xác định nguyên nhân tăng – giảm, chủ yếu phụ thuộc vào tác động thời tiết, mùa vụ thu hoạch, nhu cầu tiêu dùng hoặc khi giá xăng dầu tăng mạnh khiến giá vận chuyển tăng”.
Theo đại diện siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh, mức giá đầu vào của hàng hóa từ đầu năm tới nay cơ bản ổn định so với năm trước, không có nhóm hàng nào tăng đột biến. Trong khi đó, có một số nhóm hàng hóa giảm giá theo mức giảm 2% thuế VAT. Ngoài ra, siêu thị cũng thường xuyên thực hiện các chương trình giảm giá, ưu đãi để khách hàng được mua nhiều sản phẩm với mức giá tốt.
Giá cả hàng hóa trên thị trường Hà Tĩnh hiện chưa có nhiều biến động.
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thị trường, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh không có nhiều biến động. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng xa xỉ, hàng không thiết yếu có phần giảm do nền kinh tế khó khăn, người dân hạn chế chi tiêu.
Ông Nghĩa cho rằng, theo quy luật kinh tế, khi lương tăng, đời sống người dân tăng, nhu cầu tăng lên nên giá cả tiêu dùng thường sẽ có sự biến động. Về xu hướng những tháng tới, có thể sẽ có nhiều mặt hàng tăng giá nhẹ nhưng không đột biến. Hiện nay, Ấn Độ và một số nước đang ngừng xuất khẩu gạo, thị trường mặt hàng này trên thế giới có chịu tác động lớn nên có xu hướng gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo ở Việt Nam sẽ tăng giá. Về mức tiêu dùng, tới đây trùng với dịp tết Trung thu, dịp lễ 2/9, học sinh vào năm học mới… nên sức mua hàng hóa sẽ tăng. Giai đoạn cuối năm cận tết, nhu cầu tiêu dùng tăng, một số hàng hóa thực phẩm tươi sống sẽ có xu hướng tăng giá.
Để đảm bảo ổn định, các ngành chức năng vẫn sẽ theo dõi, bám sát diễn biến thị trường, giá cả, nắm bắt tình hình cung cầu để kịp thời có những giải pháp quản lý.
Ông Phạm Văn Bình - Trưởng phòng Quản lý thẩm định giá - Cục Quản lý giá cho biết, Bộ Tài chính đã chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để hạn chế tình trạng giá hàng hóa “tát nước theo mưa" khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7. Theo đó, công tác điều hành, quản lý giá tập trung vào ba nhóm nội dung quan trọng. Đó là bám sát diễn biến thị trường, giá cả, đảm bảo kiểm soát theo đúng mục tiêu lạm phát Quốc hội đề ra và đặc biệt chú ý đến những mặt hàng chiến lược, có ảnh hưởng lớn như xăng dầu. Đồng thời, nắm bắt tình hình cung cầu và những công việc khác trong quá trình thực hiện bình ổn giá. Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ. Bởi đây cũng là một công cụ trong điều hành giá của Nhà nước. Song song với đó, theo dõi chặt chẽ việc kê khai giá, niêm yết giá, cũng như việc kiểm tra chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh găm hàng, đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, chú trọng trong công tác thông tin truyền thông, công khai, minh bạch trong lĩnh vực quản lý giá, từ đó, cơ bản đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. |