“Phao cứu sinh” cho người nghèo vùng biển Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tổng kết các chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh cho thấy, dư nợ đạt 3.702 tỷ đồng (tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm) với 123.267 khách hàng còn dư nợ. Đối với các xã ven biển chịu ảnh hưởng sự cố môi trường, đơn vị phân bổ nguồn vốn, cho vay chuyển đổi ngành nghề, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống.

phao cuu sinh cho nguoi ngheo vung bien ha tinh

Nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH giúp nhiều hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. (Trong ảnh: Cán bộ Ngân hàng CSXH tỉnh khảo sát, kiểm tra mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Toàn ở thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi,TX Kỳ Anh).

Bao năm qua, vợ chồng anh Lê Xuân Phúc (thôn Tân Phúc Thành, xã Kỳ Lợi - TX Kỳ Anh) với con thuyền 8 CV sống dựa vào biển. Được bữa hôm, lo bữa mai, chẳng thể thoát nghèo. Sau sự cố môi trường biển, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Kỳ Anh cho vay 50 triệu đồng theo chương trình cận nghèo, anh đã sắm được 3 con bò để phát triển kinh tế.

Anh Phúc cho biết: “Sinh ra trên biển, không sống bằng nghề biển thì chẳng biết làm gì. Tôi muốn có thêm một nghề ở trên bờ lắm nhưng chẳng có tiền đầu tư. Nay vừa được vay vốn mua bò, vừa được hướng dẫn kỹ thuật, tôi mong đàn bò sẽ phát triển nhanh và mở rộng đàn để thoát nghèo”.

Theo Tổ trưởng Tổ tiết kiệm - vay vốn thôn Tân Phúc Thành Nguyễn Văn Duệ, hiện tại, dư nợ của tổ do ông quản lý đã đạt 8 tỷ đồng, lớn nhất trong 4 tổ tiết kiệm - vay vốn của xã. Tốc độ tăng trưởng dư nợ năm nay cũng tăng cao so với những năm trước. Thông qua tổ, bà con có thể tiếp cận nguồn vốn bằng các chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, vay vốn SXKD vùng khó khăn và theo Quyết định 1822 của UBND tỉnh về quy định tạm thời một số chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, khôi phục sản xuất do ảnh hưởng sự cố môi trường…

Đến tham quan mô hình nuôi thỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Toàn (thôn Đông Yên, Kỳ Lợi), chúng tôi cảm nhận được cuộc sống mới như đang hồi sinh. 50 con thỏ của gia đình chị nuôi đã gần 2 tháng, con nào con nấy chắc nịch. Chị Toàn cho hay: “So với nghề biển thì nuôi thỏ cần sự tỉ mẩn hơn nhiều nhưng tôi hy vọng đây sẽ là nghề bền vững hơn, không giống như đánh bắt gần bờ trước đây, chỉ lo được bữa ăn hàng ngày”. Chị bảo, nguồn vốn ngân hàng như “luồng gió mới” thay đổi nhận thức của bà con làng chài giúp họ vượt nghèo khó bằng nhiều con đường khác nhau.

phao cuu sinh cho nguoi ngheo vung bien ha tinh

Vốn vay từ ngân hàng CSXH giúp nhiều đối tượng chính sách có đà phát triển kinh tế

Ông Phạm Ngọc Cương - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã Kỳ Anh cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam và Chi nhánh Hà Tĩnh, Phòng Giao dịch TX Kỳ Anh đã tập trung phối hợp với các tổ ủy thác rà soát, phân loại các đối tượng để cho vay theo các chương trình hoặc bổ sung sang nguồn cho vay chuyển đổi nghề. Từ tháng 5/2016 đến nay, Phòng Giao dịch đã cho vay 30 tỷ đồng từ các chương trình (874 hộ) và hơn 3,2 tỷ đồng theo Quyết định 1822 với 67 hộ”.

Đồng hành với bà con từ nhiều năm nay, sau sự cố môi trường biển, Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh đã vào cuộc tiếp sức cho ngư dân 3 xã: Kỳ Xuân, Kỳ Phú, Kỳ Khang. Số tiền đầu tư lên đến 10,869 tỷ đồng với 286 hộ vay. Riêng nguồn vay theo Quyết định 1822 là 920 triệu đồng cho 20 hộ nghèo. Ông Nguyễn Đình Dúng - Tổ trưởng Tổ vay vốn - tiết kiệm thôn Phú Lợi (Kỳ Phú) cho biết: “Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH mà hộ nghèo, cận nghèo có cơ hội để chuyển đổi nghề. Dư nợ của tổ hiện nay là 1,4 tỷ đồng”.

Ở thôn Phú Lợi bây giờ khá đa dạng loại hình như: buôn bán tạp hóa, nuôi bò, phát triển nghề biển. Chúng tôi gặp ông bà Nguyễn Xuân Thắm đang thu dọn ngư cụ trên bờ biển Kỳ Phú sau 1 ngày đi biển. Hiện tại, ngoài con thuyền 16,5 CV, ông bà mới vay vốn ưu đãi để sắm bộ lưới mới. Ông phấn khởi: “Biển đang dần hồi sinh. Dù giá hải sản chưa bằng như trước đây nhưng nhờ ngân hàng cho vay vốn mua lưới nên hiệu quả đánh bắt cao hơn. Bây giờ, tôi có thể phát triển nghề lưới dạ, lưới te”.

Theo Chi nhánh Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh, dư nợ toàn tỉnh đạt 3.702 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với đầu năm. Để tiếp tục hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ở các xã ven biển chuyển đổi ngành nghề, ổn định cuộc sống, sau sự cố môi trường, chi nhánh đã kịp thời trình trung ương phân bổ nguồn vốn cho vay bổ sung, cho vay chuyển đổi ngành nghề, khôi phục sản xuất với số tiền 60 tỷ đồng, cho gia hạn nợ trên 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh cho vay theo Quyết định 1822 của UBND tỉnh. Việc làm này không chỉ tăng cao dư nợ, quan trọng hơn là đã tiếp thêm sức mạnh để bà con nghèo ven biển vượt qua khó khăn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast