Tràn lan men rượu "cuốc lủi" không nguồn gốc, chẳng hạn dùng!

(Baohatinh.vn) - Không bao bì, nhãn mác để truy xuất nguồn gốc; không hạn sử dụng; không thành phần chế biến… là hiện trạng thường thấy của các loại men rượu được bày bán trên thị trường hiện nay.

Điều đáng nói, khi nhiệm vụ quản lý rượu thủ công đang được các đơn vị liên quan tích cực triển khai phần “ngọn” thì vấn đề quản lý phần “gốc” dường như đang bị bỏ ngỏ. Bởi, từ nhiều năm lại nay, gần như chưa có một đợt kiểm tra, rà soát nào về sản phẩm men rượu trên địa bàn.

tran lan men ruou cuoc lui khong nguon goc chang han dung

Được bày bán tràn lan trên thị trường nhưng chất lượng 2 loại men (men bột và men viên) dùng để nấu rượu thủ công vẫn là một dấu hỏi lớn.

Từ trước đến nay, người tiêu dùng vẫn quá quen với cảnh men rượu “cởi trần” trong các chậu nhỏ và được bày bán khắp nơi, từ chợ quê đến chợ tỉnh, các quán tạp hóa ven đường đến các siêu thị mini đều có đầy đủ các chủng loại men với tên gọi, giá cả khác nhau. Vì là chuyện “thường ngày ở huyện” nên người mua coi đó là điều hiển nhiên mà không cần quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ, chất lượng men… Với họ, chỉ cần biết men nào “được” rượu, dễ ủ cơm, rượu thành phẩm “êm”, không bị chê đau đầu là mua về sử dụng.

Chỉ nấu nhỏ lẻ, mỗi tháng một nồi rượu nhỏ để phục vụ người nhà nhưng chị L. (Hộ Độ - Lộc Hà) cũng không biết được chất lượng men rượu mà mình thường sử dụng: “Lâu nay, chị vẫn mua men rượu viên thuốc bắc Nam Định về để nấu. Loại men này được bán theo cân với giá 20-25 nghìn đồng/kg, mỗi cân có khoảng 60-70 viên men nhỏ màu trắng đục có lẫn vỏ trấu. Thật ra, thấy rượu được, người nhà khen dễ uống nên cũng yên tâm sử dụng loại men này chứ nguồn gốc thì cũng chỉ biết qua cái tên do người bán giới thiệu để phân biệt với các loại men khác”.

Được biết, chọn men nấu rượu là công đoạn quan trọng để cho ra một sản phẩm rượu quê ngon. Theo cách chưng cất rượu thủ công thông thường, men rượu được dùng để ủ gạo, cơm lên men trong vòng 8-10 ngày, sau đó mới đưa chưng cất thành rượu “cuốc lủi”. Tuy vậy, mỗi loại men hiện được bày bán trên thị trường được “khuyến cáo” miệng về thời gian ủ cơm khác nhau. Theo đó, thị trường men rượu tại tỉnh ta hiện có 2 loại men chính gồm men viên và men bột với hàng chục thương hiệu khác nhau.

Men viên vẫn là loại bán “chạy” nhất hiện nay dù rằng đây là loại men “nhiều không” và có thời gian ủ lâu hơn men bột (trung bình phải mất 10 ngày mới hoàn thành công đoạn ủ). Vậy nên, người dùng chỉ còn cách nghe theo lời giới thiệu của người bán hoặc tự thử nghiệm để chọn được loại men phù hợp nhất trong vô số những viên men giống hệt nhau về hình dáng được bày bán tràn lan. Các loại men viên thường được bày bán hiện nay như men viên thuốc bắc, men Thanh Hóa, men Nam Định… có giá dao động từ 20-25 nghìn đồng/kg. Khi thắc mắc về bao bì sản phẩm, thời hạn sử dụng thì những người bán đều lắc đầu và cho biết họ mua hàng được đóng trong thùng, bì tải, sau đó chia nhỏ ra bán, còn thời hạn sử dụng thì… “để được rất lâu”.

Một loại men khác hiện cũng được người tiêu dùng Hà Tĩnh lựa chọn là men dạng bột. Ngược lại với danh xưng “nhiều không” của men viên, men bột được đóng gói cẩn thận, đầy đủ thông tin cần thiết trên bao bì với nhiều thương hiệu như Lúa Mới, Cẩm Tú, Phúc Trang, Bông Lúa… Được biết, men bột lợi hơn men viên ở chỗ không phải nghiền nhỏ, thời gian ủ cơm lên men ngắn (2 -7 ngày tùy cách ủ). Men bột được đóng gói theo từng túi 0,5 kg, trong đó có 5 gói bột nhỏ màu trắng ngà 100g với giá dao động từ 18-25 nghìn đồng/gói…

Thực tế hiện nay, các cơ quan chức năng trên địa bàn đang tích cực thực hiện các chỉ đạo của cấp trên về siết chặt quản lý rượu thủ công. Các giải pháp đã và đang triển khai như tiêu hủy rượu không rõ nguồn gốc; rà soát các hộ nấu rượu nhỏ lẻ để tuyên truyền các quy định về sản xuất rượu; khuyến khích cơ sở sản xuất dán tem nhãn truy xuất nguồn gốc và công bố chất lượng rượu… Tuy nhiên, vấn đề về “đầu vào” – men rượu hiện vẫn chưa thực sự được quan tâm trong khi đây là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng rượu thành phẩm.

Qua trao đổi với lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn, mặt hàng men rượu lưu thông trên thị trường là một loại hàng hóa thuộc đối tượng quản lý của đơn vị nhưng do nhiều nguyên nhân nên nhiều năm lại nay chưa có đợt kiểm tra sâu về mặt hàng này. Để tránh những sự cố về ngộ độc rượu rất dễ xảy ra, vấn đề quản lý chặt về men rượu rất cần được các đơn vị liên quan chú trọng thực hiện.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast