Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần nhiều tin báo từ người dân Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Cận tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm hàng hóa trên địa bàn Hà Tĩnh tăng cao. Đây cũng là thời điểm vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gia tăng, ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng và thương hiệu của các doanh nghiệp chân chính.

Ngày 6/1, lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với Công an Hà Tĩnh đã bắt giữ một xe ô tô chở số lượng lớn giày thể thao giả mạo nhãn hiệu NIKE đi qua địa bàn huyện Kỳ Anh để đưa vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần nhiều tin báo từ người dân Hà Tĩnh

Lực lượng chức năng bắt giữ xe chở hàng giả nhãn hiệu NIKE khi đi qua huyện Kỳ Anh.

Trước đó, ngày 29/12/2020, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an Hà Tĩnh) phối hợp với Công an huyện Thạch Hà và xã Tân Lâm Hương phát hiện tại nhà Dương Duy Hồng (thôn Tân Tiến, xã Tân Lâm Hương) đang có hành vi làm giả trà xanh nhãn hiệu “Trà xanh Tân Cương - Thái Nguyên”. Lực lượng chức năng đã thu giữ 1 máy dập dùng để làm giả nhãn hiệu và gần 600 kg chè không rõ nguồn gốc. Số chè này được đóng thành từng gói nhỏ mang nhãn hiệu Trà xanh Tân Cương - Thái Nguyên.

Trước đó không lâu, ngày 25/12, Công an phường Trần Phú (TP Hà Tĩnh) cũng đã phát hiện 160 kg trà xanh phơi khô không rõ nguồn gốc; trong đó, 65 kg chưa đóng bao, 95 kg đã đóng bao mang nhãn hiệu “Trà xanh Tân Cương” tại phòng trọ trên đường Nguyễn Hằng Chi (TP Hà Tĩnh) do Nguyễn Thị Lan (quê Phú Xuyên, TP Hà Nội) thuê trọ.

Những vụ việc này có thể mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” hàng giả. Mặc dù công tác đấu tranh, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái luôn được các lực lượng chức năng trong tỉnh nỗ lực triển khai, song tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn luôn là vấn nạn nhức nhối, gây nhiều thách thức cho công tác quản lý Nhà nước.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần nhiều tin báo từ người dân Hà Tĩnh

Lực lượng chức năng thu giữ gần 600 kg chè trôi nổi được đóng gói mang nhãn hiệu Trà xanh Tân Cương tại xã Tân Lâm Hương.

Hiện nay, các vi phạm về hàng giả, hàng nhái diễn ra ngày càng tinh vi về cả kỹ thuật sản xuất và phương thức kinh doanh. Các đối tượng sản xuất hàng giả với nhiều mánh khóe trong đóng gói, dập nhãn mác, dán tem sản phẩm, vì thế, sản phẩm giả có hình thức rất tinh vi khiến người tiêu dùng rất khó phân biệt với hàng chính hãng.

Số liệu của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, trong năm 2020, các lực lượng chức năng đã bắt giữ, xử lý 3.779 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép, hàng giả, gian lận thương mại. Trị giá hàng hóa vi phạm 4,5 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính 3.594 vụ, tổng trị giá tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền phạt bổ sung, truy thu thuế 6.040,06 tỷ đồng. Trong số đó có 14 vụ hàng giả.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần nhiều tin báo từ người dân Hà Tĩnh

Bao bì sản phẩm trà xanh mang nhãn trà xanh Tân Cương bị lực lượng thu giữ tại phòng trọ trên đường Nguyễn Hằng Chi (TP Hà Tĩnh).

Theo đánh giá, bên cạnh khó khăn do thủ đoạn của các đối tượng vi phạm thì công tác kiểm tra, xử lý về hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các lực lượng chức năng hiện nay chưa nhận được sự phối hợp đồng bộ, cung cấp kịp thời thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả của các doanh nghiệp, nhà sản xuất.

Ngoài ra, nhận thức của nhiều người tiêu dùng về tác hại của hàng giả, hàng nhái chưa cao. Sự chênh lệch về giá giữa sản phẩm chính hãng và hàng nhái, hàng giả khá lớn khiến nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là ở vùng nông thôn, người tiêu dùng có thu nhập thấp vẫn chọn mua.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần nhiều tin báo từ người dân Hà Tĩnh

Lực lượng QLTT kiểm tra hàng hóa trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Vào thời điểm này, thị trường mua sắm ở Hà Tĩnh dần sôi động, đây cũng là dịp các đối tượng lợi dụng để trà trộn hàng giả, hàng nhái vào tiêu thụ để thu lợi bất chính.

Hiện nay, các lực lượng đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh và lưu thông hàng hóa trên thị trường dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Đặc biệt, chú trọng nắm bắt việc kinh doanh, sản xuất các hộ kinh doanh lớn, các kho hàng phục vụ tết, xe hàng lưu thông qua địa bàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đường dây vận chuyển, buôn bán, cơ sở sản xuất hàng giả.

Trung tá Lê Xuân Sang - Đội trưởng Đội Cảnh sát Kinh tế, Công an TP Hà Tĩnh cho hay: “Thành phố là nơi hoạt động kinh doanh, buôn bán lớn, lượng hàng hóa đổ về trên địa bàn nhiều, đặc biệt là trong dịp gần tết Nguyên đán. Để đảm bảo an toàn cho người dân, đơn vị đã thực hiện kế hoạch mở đợt cao điểm, huy động tối đa lực lượng, phương tiện, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh với hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại... Sau 1 tháng triển khai, lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 12 vụ/12 đối tượng vi phạm, trong đó có 1 vụ hàng giả”.

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, cần nhiều tin báo từ người dân Hà Tĩnh

Đội QLTT số 4 kiểm tra hóa đơn, chứng từ, giấy tờ kinh doanh của một cửa hàng tạp hóa tại xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh Nguyễn Đình Khoa, để góp phần hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái, cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử phạt của các cơ quan chức năng, vai trò của người tiêu dùng rất quan trọng. Người tiêu dùng là kênh thông tin, phản ánh, tố giác với lực lượng chức năng để kịp thời xử lý những hành vi kinh doanh hàng giả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần vào cuộc, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng chống các hành vi làm hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Tin liên quan:

Chủ đề Hàng giả

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast