Xăng dầu tăng giá: Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh thêm gánh nặng

(Baohatinh.vn) - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn thì việc giá xăng liên tục “leo thang” đã gây thêm gánh nặng lên doanh nghiệp và người dân Hà Tĩnh.

Xăng dầu tăng giá: Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh thêm gánh nặng

Trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất (chiều 11/2), giá xăng dầu tăng thêm 660 - 980 đồng/lít.

Qua nhiều lần điều chỉnh, đến nay, giá xăng, dầu trong nước đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Giá xăng dầu tăng mạnh cộng với ảnh hưởng dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến đời sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh.

Chiều 11/2, liên Bộ Công thương - Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu theo chiều tăng. Đây là kỳ điều chỉnh tăng lần thứ ba liên tiếp kể từ đầu năm đến nay do tác động của diễn biến giá thế giới tăng. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng thêm 980 đồng/lít, từ 23.590 đồng/lít lên 24.570 đồng/lít; giá xăng RON95 tăng thêm 960 đồng/lít, từ 24.360 đồng/lít lên 25.320 đồng/lít.

Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Dầu hỏa là 18.750 đồng/lít, tăng 960 đồng/lít; dầu diesel 19.860 đồng/lít, tăng 960 đồng; dầu mazut 17.650 đồng/kg, tăng 660 đồng.

Xăng dầu tăng giá: Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh thêm gánh nặng

Giá xăng dầu hiện nay ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua.

Chịu tác động nặng nề từ việc giá xăng dầu liên tục biến động theo chiều tăng phải kể đến ngành dịch vụ vận tải. Vốn đang hết sức khó khăn và chưa thể phục hồi sau thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các doanh nghiệp vận tải tiếp tục chịu áp lực do giá nhiên liệu tăng cao. Chi phí nhiên liệu chiếm đến 35 - 40% tổng chi phí, lượng khách ít nhưng nhiều nhà xe vẫn phải cầm cự hoạt động để “giữ khách”.

“Chúng tôi có 15 đầu xe, trong đó 8 xe giường nằm chạy tuyến Hà Tĩnh - Đà Nẵng. Với mức giá dầu tăng trong ngày 11/2 vừa qua, mỗi chuyến xe Hà Tĩnh - Đà Nẵng, tiền dầu tăng thêm 500 - 600.000 đồng. Dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vận tải do lượng người đi lại ít, hiện nay hầu như chỉ chở khách chiều đi Đà Nẵng, còn chiều về gần như “xe rỗng”. Thêm vào đó là giá dầu tăng liên tiếp trong suốt thời gian qua khiến chúng tôi đối mặt với khó khăn chồng chất!” - anh Nguyễn Huy Khánh, quản lý nhà xe Khánh Truyền (TP Hà Tĩnh) bày tỏ.

Xăng dầu tăng giá: Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh thêm gánh nặng

Lĩnh vực vận tải ảnh hưởng nặng nề do tác động kép của dịch COVID-19 và giá nhiên liệu “leo thang”.

Với giá xăng dầu hiện nay, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cũng “đau đầu” khi chi phí đầu vào bị “đội” lên quá cao và phải bù lỗ cho những công trình đã nhận thầu trước đó.

Ông Trương Xuân Bính - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại và Xây dựng Hải Đăng (Cẩm Xuyên) cho biết: “Với 12 chiếc xe tải, máy đào, máy ủi, máy lu, mỗi tháng, chúng tôi phải tiêu tốn khoảng 270 triệu đồng cho chi phí nhiên liệu. Sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu gần đây nhất (11/2), số tiền trên phải tăng thêm 30 triệu đồng. Tuy nhiên, đấu thầu trọn gói công trình nên giá nhiên liệu, vật liệu tăng thì doanh nghiệp phải chấp nhận chịu thiệt”.

Xăng dầu tăng giá: Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh thêm gánh nặng

Giá dầu tăng cao, ngư dân không còn “mặn mà” với những chuyến ra khơi.

Giá dầu diesel liên tục tăng và đang ở mức cao cũng khiến bà con ngư dân gặp nhiều khó khăn khi tiền dầu chiếm hơn 60% tổng chi phí mỗi chuyến.

Ông Nguyễn Xuân Thiện - ngư dân xã Thạch Kim (Lộc Hà) ngán ngẩm: “Giá dầu từ năm ngoái tới nay tăng liên tục, thời điểm này giá 20.000 đồng/lít. Nếu tình hình này kéo dài thì tính ra mỗi chuyến biển lời lãi chẳng còn ăn thua. Tàu của tôi có công suất 90 CV, trước đây mất khoảng 2,8 - 3 triệu đồng tiền dầu/ chuyến đi biển thì nay lên tới 4 triệu đồng. Do giá dầu quá cao nên chúng tôi chỉ đánh bắt gần chứ không đi xa và cũng không đi thường xuyên như trước. Có những chuyến đi, tính ra phải bù lỗ”.

Xăng dầu tăng giá: Người dân, doanh nghiệp Hà Tĩnh thêm gánh nặng

Giá xăng dầu tăng khiến người dân thêm gánh nặng chi phí sinh hoạt.

Không chỉ làm tăng chi phí đầu vào của người sản xuất kinh doanh mà giá xăng dầu tăng cũng tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Chị Bùi Thị Phương (xã Vượng Lộc - Can Lộc) chia sẻ: “Tôi làm việc tại TP Hà Tĩnh, mỗi ngày đi về hơn 40 km bằng xe máy nên tiền xăng cũng khá nhiều. Từ đầu năm 2021 tới nay, dịch bệnh khiến thu nhập của 2 vợ chồng đều giảm, trong khi phí sinh hoạt lại tăng nên chúng tôi cũng phải tính toán chi tiêu tiết kiệm hơn”.

Sau mỗi kỳ điều chỉnh tăng giá xăng dầu, người dân, doanh nghiệp lại thêm áp lực, nhất là trong đúng thời điểm khó khăn, chật vật do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Hơn thế nữa, điều mà nhiều người dân lo ngại là giá cả các loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường có thể cũng sẽ “tát nước theo mưa”.

Chủ đề Thị trường, Thương mại - Dịch vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast