Sáng 13/7, Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Ban cán sự Đảng Tòa án Nhân dân tối cao và Ban cán sự Đảng bộ Tư Pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải”.
Chủ trì hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Phó trưởng ban Dân vận Trung ương Nguyễn Phước Lộc. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương và đại biểu các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Phan Cao Thanh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh. |
Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Trung ương
Bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phân tích vai trò quan trọng của hoạt động hòa giải cơ sở góp phần cho sự bình yên, ổn định xã hội, giảm bớt gánh nặng cho chính quyền cơ sở, qua đó phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu khai mạc hội nghị.
Trưởng ban Dân vận Trung ương khẳng định: Bản chất của hoạt động hòa giải chính là công tác dân vận. Những mô hình “tổ hòa giải 5 tốt”, “tổ hòa giải điển hình tiên tiến”, các tổ hòa giải, hòa giải viên cơ sở tốt... ở nhiều địa phương đã chứng minh không vận động tốt sẽ không có hòa giải hiệu quả.
Hòa giải là quá trình tuyên truyền, vận động, nêu cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần tự giác, ý thức chấp hành pháp luật gắn với thực hiện quyền lợi hợp pháp của người dân.
Trưởng ban Dân vận Trung ương mong muốn, hoạt động hòa giải sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới, hiệu quả hơn, góp phần cho công tác dân vận của Đảng; giảm bớt mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giảm bớt số vụ việc dân sự khiếu kiện hành chính, tranh chấp lao động...
Hòa giải thành hơn 80% vụ việc
Tại hội nghị, đại biểu đã nghe báo cáo kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; báo cáo vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc trong thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; về công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Đại biểu tại điểm cầu Hà Tĩnh.
Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã được các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện đồng bộ với nhiều nội dung: triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở; tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, giám sát việc thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở; củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của tổ hòa giải, hòa giải viên, đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở...
Tính đến 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải được thành lập tại thôn, tổ dân phố với 600.462 hòa giải viên. Kết quả, trong 6 năm (2014 - 2019), các tổ hòa giải trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.312 vụ, việc; hòa giải thành 707.945 vụ, việc.
Tại hội nghị, đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ hơn vai trò của hoạt động hòa giải, công tác phối hợp giữa các ngành, đơn vị trong thực hiện nội dung này.
Đại biểu cũng đề xuất một số ý kiến nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải: vận dụng kỹ năng dân vận khéo trong quá trình hòa giải; đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào, cuộc vận động; tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở...
Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Hoàng Ngọc Lâm - Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận, Tổ trưởng Tổ hòa giải tổ dân phố 3, phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) cho rằng: Không phải bất cứ vụ việc gì xảy ra ở khu dân cư cũng đưa vào hòa giải, mà hòa giải viên cần phải nhìn nhận rõ vụ việc nào thuộc phạm vi hòa giải, vụ việc nào thuộc thẩm quyền giải quyết của chính quyền, pháp luật; căn cứ vào tính chất vụ việc để lựa chọn phương thức phù hợp. |
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị mỗi cán bộ, đoàn viên, hội viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, coi mình là một hòa giải viên; phối hợp hiệu quả giữa MTTQ và các thành viên từ Trung ương đến cơ sở trong triển khai hoạt động hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh ĐĐK
Bên cạnh đó, hòa giải viên cần nắm chắc luật pháp, phân công rõ vai, đúng người đúng việc, vận dụng linh hoạt hòa giải từng trường hợp cụ thể; phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, những người có uy tín cao trong thôn, bản, tổ dân phố; chủ động nắm tình hình Nhân dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cơ sở, tránh để xảy ra các vụ việc tồn đọng, kéo dài...
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Thực chất của hoạt động hòa giải ở tòa án là công tác dân vận. Tất cả các vụ việc hòa giải thành đều có sự vận dụng công tác dân vận khéo.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh ĐĐK
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao đề nghị các thẩm phán xem hòa giải là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng; mong Luật Hòa giải sớm đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Công tác hòa giải ở cơ sở cần thấu tình, đạt lý
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá hoạt động hòa giải trong thời gian qua đã góp phần làm cho môi trường xã hội ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, không chỉ hòa giải viên, tổ hòa giải mà chính quyền các cấp phải vừa chú trọng công tác dân vận, hòa giải nói riêng, vừa phải nắm chắc các quy định của pháp luật; trong giải quyết các vụ việc phải có lý, có tình; cán bộ, chính quyền các cấp phải thực sự vì dân, xuất phát từ tấm lòng.
Mỗi cán bộ, đảng viên, chính quyền các cấp cần nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Nhân dân, cũng như những bất cập trong cơ chế, chính sách, qua đó để cùng nhau hoàn thiện chính sách, pháp luật.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị, UBMTTQ Việt Nam, Ban Dân vận Trung ương, TAND tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, tiếp tục quan tâm, ủng hộ, chỉ đạo và phối hợp hiệu quả các nội dung, vận dụng linh hoạt cách làm dân vận khéo nhằm góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải.
Đồng thời tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải, hoà giải viên, đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở. Tăng cường hơn nữa vai trò truyền thông trong công tác hòa giải và các bộ luật liên quan, giúp người dân hiểu rõ và dần hình thành thói quen sử dụng phương thức hòa giải trong xử lý xung đột tại cộng đồng dân cư.
Phát biểu chỉ đạo tại điểm cầu Hà Tĩnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng nhận định, dự báo tình hình chính trị - xã hội thời gian tới tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Vì vậy, mỗi hòa giải viên cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ hòa giải. Đồng thời, chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật qua mạng xã hội, phương tiện thông tin, đại chúng. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các đoàn thể và các ngành trong khối tư pháp cần tiếp tục tham mưu các chính sách, chế độ đãi ngộ cho đội ngũ hòa giải viên; tham mưu phương thức tuyên truyền; chú trọng học hỏi bài học kinh nghiệm từ các địa phương làm tốt công tác hòa giải trong cả nước. Trên cơ sở định hướng của Trung ương, Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên cập nhật đầy đủ tài liệu gửi đến các hòa giải viên; tiếp tục xây dựng đội ngũ hòa giải viên chất lượng hơn và có nhiều cách làm hiệu quả hơn trong thời gian tới. |