So với tiêm vắc-xin cho trâu, bò, lợn, gà thì tiêm phòng cho chó gặp nhiều khó khăn hơn. Đây là con vật tinh khôn, việc bắt giữ không hề đơn giản, có thể bị cắn bất cứ lúc nào. Trong khi đó, tại thời điểm tiêm phòng, các con vật đã qua thời gian miễn dịch, rất có thể trong cơ thể chúng đã mang mầm bệnh dại.
Nhận thức của hộ nuôi chưa cao nên tỷ lệ tiêm phòng dại chó đạt thấp so với kế hoạch. |
Chị Lê Thị Việt Nga - cán bộ thú y phường Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Đối với việc tiêm vắc-xin cho chó, chúng tôi phải luân chuyển vùng tiêm vì loài vật này rất tinh khôn, chúng có thể ghi nhớ và chống trả lại bất cứ lúc nào. Nhờ được ngành chuyên môn, chính quyền địa phương tuyên truyền thường xuyên nên những năm gần đây, bà con hợp tác hơn, không như trước đây, cán bộ thú y phải xuống tận hộ để tiêm, vừa vất vả lại vừa nguy hiểm”.
Đã nhiều năm nay, cứ đến kỳ tiêm phòng dại là bà Nguyễn Thị Huệ (tổ dân phố 6, phường Nam Hà) lại đưa 3 con chó đến địa điểm tiêm tập trung. Theo bà Huệ thì việc tiêm ngừa rất cần thiết vì vừa bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, đồng thời, góp phần ngăn ngừa bệnh dại cho gia đình và cộng đồng. Bà cho biết: “Con nhiều nhất là 7 năm, con mới nhất chỉ vừa hơn 1 năm nay. Mỗi phát tiêm chỉ hơn 10.000 đồng mà đổi lấy sự an tâm cho gia đình và những người xung quanh nên năm nào tôi cũng tiêm phòng đúng quy định”.
Tuy nhiên, số hộ nuôi nhận thức được hiệu quả của việc tiêm phòng dại chó lại không chiếm chủ yếu. Đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi tổng đàn chiếm đa số, công tác tiêm phòng càng gặp trở ngại. Theo điều tra của ngành thú y thì tỷ lệ tiêm phòng dại chó hằng năm không quá 50%. Chẳng hạn, tổng hợp trong 2 năm (2015 và đợt I/2016) cho thấy, cuối năm 2015, tỷ lệ tiêm chỉ đạt 49,3%; còn đợt I/2016 đến thời điểm mới nhất, chỉ đạt 31%.
Ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết: “Nguyên nhân là do người nuôi còn chủ quan, chưa thấy hết tác hại của bệnh dại nên không tích cực tham gia tiêm phòng, trong khi đó, số người bị chó cắn không hề ít, thậm chí, đã xảy ra nhiều hậu quả đau lòng. Trước thực trạng trên, ngành thú y đã khuyến cáo người nuôi chó, mèo cần thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật theo đúng quy định của Nhà nước. Trong đó, tiêm phòng vắc-xin là biện pháp tối ưu, an toàn và giá rẻ nhất”.
Chỉ còn 20 ngày nữa, lịch tiêm phòng đợt I sẽ kết thúc nhưng đến ngày 11/4, kể cả những địa phương đạt kết quả cao cũng chỉ mới hoàn thành 2/3 kế hoạch: TX Hồng Lĩnh (77,5%), Đức Thọ (74%), TP Hà Tĩnh (55%), huyện Kỳ Anh (55%)… Thậm chí, một số địa phương triển khai chậm như: Can Lộc (6%), Thạch Hà (10,5%).
Ông Phạm Đào Tịnh - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Mặc dù hiệu quả tiêm vắc-xin rất tốt nhưng việc tiêm phòng dại chó vẫn chưa được quan tâm. Một mặt do vật nuôi thả tự do nhiều nên việc bắt giữ rất khó và nguy hiểm. Hơn nữa, ý thức về tiêm phòng bệnh dại cho chó còn hạn chế, xem thường tính mạng của mình; chính sách tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền chưa đủ sức thuyết phục người dân chấp hành”.
Theo các chuyên gia y tế, đối tượng chính truyền bệnh dại cho con người chủ yếu là chó, mèo thông qua các vết cắn hoặc trầy xước do va chạm với chúng gây ra. Để nâng cao ý thức và thực hiện tốt việc bảo vệ sức khỏe cho đàn vật nuôi, đồng thời, góp phần thực hiện tốt chương trình quốc gia khống chế và loại trừ bệnh dại, người nuôi cần tuân thủ các quy định của cơ quan thú y, trong đó, phải báo cáo số lượng tổng đàn, đăng ký tiêm phòng vắc-xin ngừa dại và tốt nhất không thả rông chó.