“Tiến về Sài Gòn” trong ký ức của một đặc công rừng Sác

Đặc công rừng Sác - đội quân tinh nhuệ ở một chiến khu trên mặt nước từng làm quân Mỹ kinh hồn bạt vía bởi những trận đánh "xuất quỷ nhập thần". Lần đầu tiên, tôi được tiếp kiến một đặc công rừng Sác bằng xương bằng thịt, và trong căn nhà nhỏ ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh, câu chuyện của người mũi trưởng đặc công rừng Sác năm xưa đã thôi miên tôi bởi những trận đánh có một không hai của một đơn vị có một không hai…

Thật khó khăn thuyết phục ông mới chịu tiếp chuyện tôi. Có lẽ những cơn động kinh bất thường do di chứng ở chiến trường thường xuyên hành hạ, khiến tâm tính ông không ổn định, ngại tiếp xúc với mọi người. Thế nhưng, khi tôi gợi chuyện về rừng Sác và những chiến công của đặc công Trung đoàn 10 qua những thông tin tôi biết, mắt ông như sáng hẳn lên, và câu chuyện của ông về một thời hào hùng, về những trận đánh có một không hai của một đơn vị đã nổi tiếng trên thế giới, cứ thế ùa về.

Đài tưởng niệm liệt sĩ đặc công rừng Sác! - Ảnh: Internet.

Giọng ông hào sảng khiến tôi cứ nuốt từng lời, cả một buổi tiếp chuyện vẫn còn muốn được nghe. Ông là thương binh ¼ Trương Huy Minh, nguyên là trung đội trưởng đặc công rừng Sác…

Những người “đầu không đội trời, chân không đạp đất”!

Ông kể, tháng 1-1970 ông vào bộ đội và được tuyển chọn vào binh chủng đặc công, tham gia huấn luyện ở Hải Phòng để chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau khoá huấn luyện đặc biệt kéo dài 2 năm ở đất cảng, đơn vị của ông lên xe vào đến Cự Nẫm (Quảng Bình) sau đó theo đường mòn Trường Sơn nam tiến. Sau gần 7 tháng vượt rừng qua các vùng bị tạm chiếm, ông và những người đồng đội của mình có mặt tại chiến trường miền Đông Sài Gòn – Gia Định, được biên chế vào Tiểu đoàn 2 – Trung đoàn 10 đặc công rừng Sác. Cuộc đời binh nghiệp của ông từ đó gắn liền với những chiến công của một đơn vị, một dịa danh đã trở thành huyền thoại trong lịch sử kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc Việt Nam.

“Nếu nói địa đạo Củ Chi là "căn cứ chìm" thì Rừng Sác là "căn cứ nổi". Nhiệm vụ của Đặc khu là tập trung "chặn cổ" sông Lòng Tàu, đồng thời đánh các quân cảng, kho tàng, góp phần đánh vào "thủ đô" địch, phát triển chiến tranh nhân dân tại chỗ, giữ căn cứ, bàn đạp, đảm bảo hành lang vận chuyển” – ông Minh bắt đầu dòng hồi tưởng.

Xuất quỷ, nhập thần! - Ảnh: Internet.

Vùng rừng này có thảm thực vật nước mặn rất phong phú với nhiều loại cây đước, da, sú, có, mắm, bần... đan níu nhau thành nhiều tầng lớp và rất lắm cá tôm. Đây là vùng địa hình sình lầy, mênh mông sông nước với hằng trăm sông lạch đan nhau chằng chịt. Trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt của một chiến khu trên mặt nước, lại ở vị trí "sân sau" quân thù, để đảm bảo sự tồn tại và tiến công được, lực lượng Đặc khu Rừng Sác phải xây dựng theo hướng đặc công hóa toàn bộ về tổ chức và hoạt động. Đặc khu rừng Sác là những khu căn cứ của quân giải phóng án sát Sài Gòn. Và tiểu đoàn 2 của ông Minh là đơn vị đặc công nước được phân công nhiệm vụ đánh tàu Mỹ ở cảng Nhà Bè, Cát Lái...

Căn nhà nhỏ đầu một ngõ nhỏ giữa khu phố Tân Giang cứ vang vang tiếng kể của ông, câu chuyện về những trận đánh cảm tử và những khó khăn gian khổ của đội quân Rừng Sác cứ tái hiện về. Lính đặc công vào trận cái chết và sự sống cách nhau trong gang tấc thế mà họ xem rất đơn giản. Thường trong một trận đánh chỉ có 2 đến người, tất cả đều thực hiện dưới nước, họ liên lạc với nhau bằng sợi dây và giật dây làm tín hiệu.

Cái khó nhất là vận chuyển thuốc nổ, phải làm thế nào để khối thuốc nổ không nổi trên mặt nước và cũng không chìm sâu khó kéo mà phải ở lưng chừng mặt nước để địch không phát hiện. Lúc đầu thì vận chuyển bằng phao, sau đó những người lính đặc công rừng Sác đưa ra sáng kiến gò thùng tôn kín và làm một lỗ để điều khiển nước vào bằng cái lưỡi gà. Quả mìn nổi thì cho nước vào và nếu chìm sâu thì hút nước ra. Sau này có mìn “Vành Khăn” của Trung Quốc vừa nhẹ vừa có sức công phá cực lớn, người chiến sĩ đặc công chỉ việc mang vào thắt lưng mỗi khi ra trận.

“Mỗi chiễn sĩ đặc công khi xuống nước đều được trang bị một vòi thở dài chừng 30cm, một đầu có chiếc “ngoàm” gắn chặt vào miệng và mũi, đầu kia chỉ được phép nổi lên mặt nước 2-3cm để lấy khí. Càng đến gần mục tiêu, người lính đặc công càng phải lặn xuống sâu, và thường xuyên bị sóng nước tạt vào ống khí. Dù là nước bùn hay nước bị nhiễm dầu tràn ra từ các tàu chiến, họ cũng phải nuốt vào bụng, không được thổi ra, vì như vậy sẽ rất dễ bị lộ. Có lẽ vì cách đánh đặc biệt và những chiến công đặc biệt của đặc công nước, nên Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nói: “Các bạn là những người đầu không đội trời, chân không đạp đất nhưng làm nên những chiến công thần kỳ” – đã gần bốn thập kỷ nhưng ông Minh vẫn chưa hết tự hào về những chiến công của bộ đội đặc công rừng Sác.

Bộ đội đặc công huấn luyện - Ảnh: QĐND Online.

“Xuất quỷ nhập thần”!

Người trung đội trưởng đặc công rừng Sác một thời làm cho quân thù khiếp sợ bởi cách đánh có một không hai của mình trầm ngâm nhớ lại những trận quyết tử năm nào. Ông kể, vào trận đánh anh em chúng tôi mỗi người được trang bị bốn quả lựu đạn, trong đó có ba quả là để tấn công còn một quả rút chốt là cùng chết với kẻ thù.

“Thường khoảng 6h tối là anh em rời cứ và khoảng một đến ba giờ sáng là áp sát mục tiêu và cài mìn để đánh. Khoảng cách từ căn cứ đến địa điểm đánh hàng chục cây số phải bơi bộ. Sau khi áp sát mục tiêu, cài mìn vào tàu chiến, ta thường mật báo với cánh nhà báo đến đưa tin tại hiện trường nhằm thị uy địch qua các phương tiện thông tin đại chúng nên đánh càng muộn càng tốt. Tuy nhiên, mìn hẹn giờ chỉ được 3 giờ là tối đa nên muộn nhất 6 giờ sáng đã phải nổ mìn, vì mọi công việc phải hoàn tất trước 3 giờ sáng để tránh bị lộ” – ông Minh cho biết.

- Trong thời kỳ ở rừng Sác, bác thấy trận đánh nào là tâm đắc nhất? – tôi hỏi.

- Nhiều lắm, trận nào đánh thắng, làm cháy tàu giặc đều hay cả, nhưng với tôi, có lẽ trận đánh cầu Cát Lái trong đêm mở màn toàn miền bước vào chiến dịch Đông-Xuân 1974-1975 là đáng nhớ nhất.

Ông Minh kể, cầu Cát Lái là cửa ngõ phía Đông Sài Gòn, nằm ở cuối đoạn sông Đồng Nai tiếp giới với sông Nhà Bè và sông Sài Gòn. Đây là vùng sông nước mà người xưa đã có câu hò: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về”. Cát Lái là nơi quân đội và hải quân Mỹ dùng làm trạm nhận vũ khí, đạn dược và từ đây chuyển lên căn cứ quân sự ở Long Bình và Biên Hoà. Tàu tiếp vận và tuần tiễu Mỹ từ Vũng Tàu lên Nhà Bè cũng qua đây. Xác định đây là trận đánh có ý nghĩa quyết định của đặc công rừng Sác, góp một tiếng nổ mở màn cùng toàn miền vào chiến dịch Đông – Xuân 74-75, nên sau khi nhận nhiệm vụ, điều tôi suy nghĩ nhiều nhất là phải tìm được cách đánh sao cho hiệu quả, bởi Cát Lái là “yết hầu” phía Đông rất quan trọng, địch bố trí lực lượng canh phòng, bảo vệ hết sức cẩn mật.

“Tại cầu Cát Lái, ngoài hàng rào dây théo gai dày đặc, địch còn bố trí ba “hàng rào ngỗng” canh phòng. Ngỗng là giống gia cầm cực thính, đánh hơi lạ còn hơn cả chó nghiệp vụ. Bọn địch rất nham hiểm khi dùng loài gia cầm này để canh phòng những vị trí quan trọng. Ngỗng được nhốt vào hệ thống lồng, kết bè thả nổi từ bên này sông qua bên kia sông. Phía dưới bè là hệ thống dây điện trần đóng mở liên tục. Nếu đặc công ta thâm nhập bằng đường thuỷ sẽ không thoát khỏi sự kiểm soát của ba hàng rào cực kỳ lợi hại này. Sau mấy lần điều nghiên, tôi báo cáo với chỉ huy không thể dùng chiến thuật của đặc công nước, mà phải sử dụng đặc công khô “tiêu diệt hết địch bảo vệ cầu rồi mới đánh cầu!”. Và phương án của tôi đã được chấp nhận” – ông Minh nhớ lại.

Trận mở màn ngoạn mục và nỗi nhớ 35 năm!

Trước khi bước vào trận quyết tử, chúng tôi gồm 12 lính đặc công và một tiểu đội du kích địa phương được đơn vị chuẩn bị cho 19 chiếc hòm có phủ Quốc kỳ, tiến hành làm lễ truy điệu rất nghiêm trang. Đúng 18h30 một đêm cuối năm 1974, chúng tôi rời khỏi cứ. Anh em tập kết và xuất phát lặng lẽ băng qua những bãi sình lầy áp sát cầu Cát Lái. Tôi chia lực lượng thành 2 mũi, hành quân về phía 2 mố cầu. Trong chiến thuật của mình, tôi sử dụng số anh em du kích địa phương ở một phía nổ súng trước đánh lạc hướng nhằm thu hút hoả lực địch. Phía bên này cầu chủ yếu là lính đặc công, là hướng chủ yếu tiêu diệt địch trong các lô cốt rồi đánh sập cầu.

Khu tái hiện căn cứ đặc công rừng Sác - Ảnh: Internet.

Chừng một giờ sáng, tôi ra lệnh cho hướng thứ yếu điểm hoả, lúc này hướng chủ yếu do tôi trực tiếp chỉ huy còn cách mố cầu 4 hàng rào dây kẽm gai thì bì địch phát hiện. Từ các lô cốt, địch bắn ra xối xả như mưa. Tôi ra lệnh cho các chiến sĩ bắn 2 quả B41 vào lô cốt địch rồi hô anh em xung phong chiếm lĩnh trận địa. Sau khi buộc mìn vào nơi quy định, anh em chúng tôi nhanh chóng quay ra. Chừng 15 phút, tôi ra lệnh phát nổ. Cả khu vực rung chuyển bởi một loạt tiếng nổ khủng khiếp, cầu Cát Lái như một con rồng khổng lồ bị dựng đứng quằn quại giữa cột lửa ngay sau lưng chúng tôi.

“Trận này, tôi sử dụng 3 quả mìn hạng 45kg, 30kg và 15kg gài vào 3 vị trí thẳng hàng ở mố cầu nhằm tạo áp lực không đều khiến cho chiếc cầu bị đánh “xoắn vỏ đậu” sẽ rất khó khôi phục. Đánh sập cầu, điểm lại quân số thấy không ai hy sinh, anh em chúng tôi ôm nhau vui mừng và tìm kế thoát về đơn vị. Lúc này định thần lại, tôi mới nhận ra toàn thân mình bị dây kẽm gai cào nát, máu chảy lênh láng, anh em du kích phải thay nhau cõng tôi về cứ” – ông Minh nhớ lại.

Sau trận đánh mở màn chiến dịch đầy ngoạn mục ấy, mũi trưởng đặc công rừng Sác Trương Văn Minh phải ở lại hậu cứ chữa trị vết thương mất gần hai tháng. Sau đó ông lại cùng đồng đội tiếp tục “xuất quỷ nhập thần” tham gia đánh nhiều trận trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày 30-4-1975, trong khúc ca khải hoàn của cả dân tộc, những người lính đặc công rừng Sác tưởng rằng được về tiếp quản thành phố, nhưng tình thế lúc bấy giờ không cho phép, ông Minh và đồng đội của mình lại phải quay xuống miền Tây, tiêu diệt nốt đám tàn quân còn ẩn trú ở đây. Đến cuối năm 1976, lúc này đã là một thương binh chỉ còn 19% sức khoẻ, người đảng viên tròn 3 tuổi Đảng Trương Văn Minh nhận lệnh dẫn đầu đoàn quân chiến thắng ra Bắc an dưỡng rồi sau đó về sinh sống tại quê nhà.

Rừng Sác hôm nay là khu du lịch lịch sử - sinh thái hấp dẫn! - Ảnh: Internet.

“Là những người lính tham gia “mở cửa” cho quân về giải phóng Sài Gòn, từng nhiều đêm đánh địch giữa lòng thành phố, nhưng đến nay thú thực tôi chưa được một ngày sống giữa thành phố mang tên Bác kính yêu! Bây giờ 3 đứa con tôi đều đã tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm ổn định. Các cháu và nhiều đồng đội của tôi động viên tôi trở lại thăm chiến trường xưa, ở đó, hơn 700 đồng đội của tôi còn nằm lại, trong đó hơn 100 người chưa tìm được xác. Anh thấy đó, mỗi tháng tôi phải uống đến 270 viên thuốc an thần do nhà nước cấp, hỏi lấy sức đâu nữa mà đi. Nhớ lắm, nhưng đành chịu!” – ông Minh ngậm ngùi khi nghĩ về một cuộc về nguồn ông từng ước mơ nhưng có lẽ khó thành hiện thực!

Tháng 4-2010

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói