Tín dụng ưu đãi thúc đẩy giảm nghèo ở vùng thượng Kỳ Anh

(Baohatinh.vn) - 11 chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Tĩnh được triển khai tại 6 xã vùng thượng Kỳ Anh (huyện Kỳ Anh) với tổng dư nợ đến cuối tháng 7/2023 đạt hơn 285 tỷ đồng, đã tạo sự thúc đẩy đa chiều giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Tín dụng ưu đãi thúc đẩy giảm nghèo ở vùng thượng Kỳ Anh

Rừng keo tràm 2 năm tuổi của ông Phan Công Xiêm luôn có sự đồng hành của nguồn vốn Ngân hàng CSXH.

Dẫn chúng tôi vào ngôi nhà nằm lọt thỏm trong vườn keo tràm 2 năm tuổi xen kẽ cùng các vùng cây ăn quả với diện tích gần 5 ha, ông Phan Công Xiêm ở vùng kinh tế mới ở Đôộng Mùng, thôn Minh Tân, xã Lâm Hợp (huyện Kỳ Anh) cho hay: “Gắn bó với vùng kinh tế mới từ năm 1980, sau khi xuất ngũ về quê, tôi lao động sản xuất tại địa phương; thế nhưng lập nghiệp trên vùng đất khó, giao thông cách trở, nhà lại đông con nên dù cật lực lao động, gia đình tôi vẫn quẩn quanh với đói nghèo.

Sau một thời gian loay hoay trong đói nghèo, tôi bắt đầu mạnh dạn mở mang trồng cây lâm nghiệp, chăn nuôi trâu bò để phát triển kinh tế gia đình. Rất may mắn, lúc đó tôi đã nhận được sự hỗ trợ của nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Đồng hành cùng gia đình tôi qua rất nhiều vòng vay, từ 1,2 triệu đồng trước năm 2000, sau đó tăng lên 5 triệu, 20 triệu, rồi 30 triệu và cao nhất là đến năm 2021 tôi được vay 90 triệu đồng với lãi suất thấp. Qua đó, đã giúp gia đình phủ xanh 5 ha đồi núi trọc; đàn trâu bò phát triển xấp xỉ 10 con. Cuối năm 2022, gia đình tôi chính thức thoát nghèo”.

Tín dụng ưu đãi thúc đẩy giảm nghèo ở vùng thượng Kỳ Anh

Nguồn vốn Ngân hàng CSXH đã giúp gia đình ông Phan Công Xiêm thoát nghèo.

Gia đình ông Xiêm chỉ là một trong số hàng chục gia đình đã thoát nghèo từ nguồn tín dụng ưu đãi của ngân hàng CSXH. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lâm Hợp - Phạm Thúy Mùi, cùng với nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp của cấp ủy, chính quyền các cấp, chương trình giảm nghèo bền vững ở xã Lâm Hợp có sự hỗ trợ tích cực và bền bỉ của nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng CSXH.

Không chỉ giúp bà con vay phát triển các mô hình sinh kế, cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH còn phối hợp với các tổ chức hội ủy thác, nắm bắt nhu cầu và triển khai nhiều chương trình tín dụng hỗ trợ về công trình nước sạch, vệ sinh, cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn vay... Đến 31/7/2023, Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh đang triển khai 10 chương trình tín dụng tại xã với tổng dư nợ là 67.749 triệu đồng; không có nợ quá hạn.

Tín dụng ưu đãi thúc đẩy giảm nghèo ở vùng thượng Kỳ Anh

Em Đào Thị Mỹ Tâm đã thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo nhờ sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi.

Đáng nói, 2 năm nay, số lượng học sinh, sinh viên vay vốn để đi học đại học, học nghề trên địa bàn xã Lâm Hợp tăng lên; nhiều em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã nhận được sự hỗ trợ, đồng hành để viết tiếp ước mơ.

Em Đào Thị Mỹ Tâm (SN 2004) ở thôn Minh Châu, bố mất, mẹ làm ăn xa gặp cảnh khó khăn. 12 năm nay, ông bà nội vất vả nuôi hai chị em Tâm khôn lớn. Năm học 2021-2022, trước cánh cổng trường đại học, Tâm tưởng chừng lùi bước vì bế tắc, thế nhưng với sự tiếp sức của nguồn vốn ưu đãi cùng quyết tâm của ông bà, em đã tự tin thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Năm nay Tâm bước vào năm thứ 3, ngoài vốn vay Ngân hàng CSXH mỗi tháng 3 triệu đồng, em còn đi trợ giảng, làm gia sư, chủ động hoàn toàn các khoản chi phí học tập.

“Gia đình tôi dựa vào sự hỗ trợ của các chương trình cho vay ưu đãi trong suốt nhiều năm qua. Nhất là khi cháu gái đậu đại học, điểm tựa từ ngân hàng CSXH là yếu tố quyết định để chúng tôi cùng với các cháu yên tâm vượt qua những chặng đường khó khăn nhất”, ông Đào Xuân Năm - ông nội của Mỹ Tâm chia sẻ.

Tín dụng ưu đãi thúc đẩy giảm nghèo ở vùng thượng Kỳ Anh

Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân.

Về vùng thượng huyện Kỳ Anh để tìm hiểu về các chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thoát nghèo, chúng tôi cũng được chia sẻ niềm vui cùng bà Phạm Thị Thái (SN 1961), là hộ cận nghèo ở thôn Sơn Trung 2, xã Kỳ Sơn.

Theo lời kể của ông Hồ Tú Nam - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Sơn, bà Thái là “khách hàng thân thiết” của Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh từ năm 2017 đến nay. Hiện tại, bà còn dư nợ 50 triệu đồng vốn vay hộ cận nghèo và 20 triệu đồng vốn chương trình nước sạch - vệ sinh môi trường.

“Được vay vốn lãi suất thấp, tôi đầu tư phát triển đàn bò, nâng cao thu nhập để nuôi 2 con ăn học và gom góp xây dựng một ngôi nhà kiên cố. Đến nay, cháu đầu sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự về đang chuẩn bị đi học nghề theo chương trình hỗ trợ của Nhà nước; cháu thứ 2 vừa đạt kết quả thi THPT với điểm số cao (28,5 điểm khối C). Mẹ con tôi bàn tính, dù còn khó khăn nhưng sẽ tiếp tục vay vốn học sinh, sinh viên cho cháu theo học đại học", bà Thái chia sẻ.

Tín dụng ưu đãi thúc đẩy giảm nghèo ở vùng thượng Kỳ Anh

Bà Phạm Thị Thái là “khách hàng thân thiết” của Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh từ năm 2017 đến nay.

Được biết, đến 31/7/2023, Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh thực hiện cho vay ủy thác qua 19 tổ chức chính trị xã hội cấp xã, 120 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ hơn 285 tỷ đồng (tổng dư nợ của 20 xã toàn huyện hơn 727 tỷ đồng); không có nợ quá hạn. Vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.

Ông Phạm Anh Đức - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh cho biết: "6 xã vùng thượng (Kỳ Thượng, Kỳ Sơn, Kỳ Lạc, Lâm Hợp, Kỳ Lạc, Kỳ Trung) là những địa bàn có điều kiện KT-XH còn nhiều khó khăn so với mặt bằng của huyện Kỳ Anh. Đối tượng cho vay và nhu cầu vay vốn tín dụng ưu đãi ở các địa bàn này khá lớn, bởi vậy chúng tôi đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ về tuyên truyền chủ trương, chính sách, đầu tư tín dụng, quản lý nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân".

Tín dụng ưu đãi thúc đẩy giảm nghèo ở vùng thượng Kỳ Anh

Cán bộ tín dụng Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh luôn bám sát địa bàn để tìm hiểu nhu cầu về vốn và kịp thời chuyển tải các chủ trương, chương trình tín dụng ưu đãi đến người dân.

"Thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục rà soát nhu cầu vay vốn, phấn đấu đáp ứng 100% vốn vay cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn; nâng cao hiệu quả phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách xã hội; chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Từ đó khơi thông dòng vốn góp phần giúp người dân vùng khó khăn có thêm cơ hội phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng những vùng quê nông thôn mới trù phú, ấm no" - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Kỳ Anh - Phạm Anh Đức cho biết thêm.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Ai bị tạm dừng hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2025?

Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 cũng quy định 3 trường hợp người đang hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng bị tạm dừng hưởng chế độ như luật hiện hành nhưng có một số điều chỉnh.
5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

5 trường hợp được hỗ trợ khi tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính ở Hà Tĩnh

Tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Hỗ trợ trường hợp tinh giản biên chế, dôi dư trong sắp xếp đơn vị hành chính

Chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách và các đối tượng khác tinh giản biên chế, dôi dư trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung quan trọng sẽ được đại biểu bàn thảo tại Kỳ họp thứ 23, HĐND tỉnh Hà Tĩnh.