Tình làng, nghĩa xóm - nét đẹp văn hóa của người Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Tình làng - nghĩa xóm, sự cố kết cộng đồng là nét văn hóa của người dân Hà Tĩnh từ bao đời nay. Dù cuộc sống có nhiều đổi thay nhưng người Hà Tĩnh ở vùng quê nào cũng “vẹn tình như xưa”.

Ông Nguyễn Minh Trung (thôn Châu Hạ - xã Thạch Châu - Lộc Hà) là một cựu chiến binh, còn vợ ông - bà Nguyễn Thị Hợp là một nhà giáo về hưu. Dù con cái làm ăn và sinh sống ở xa nhưng ngôi nhà của vợ chồng ông lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười của những người hàng xóm.

Tình làng, nghĩa xóm - nét đẹp văn hóa của người Hà Tĩnh

Uống nước chè xanh, trò chuyện thân tình là thói quen của gia đình ông Trung (ngoài cùng bên phải) và những người hàng xóm hàng chục năm nay.

Đã thành thói quen, sáng nào bà Hợp cũng dậy sớm om một ấm nước chè xanh trong cái ấm tích to. Khi nước chín, chuyển sang màu xanh đậm cũng là lúc bà đứng bên này gọi với sang bên kia hàng rào: “Nước chè bác ơi!”. Tiếng í ới gọi nhau uống nước chè ngon đã trở thành thói quen của những người trong xóm hàng chục năm nay.

Những câu chuyện làng trên xóm dưới, chuyện đồng áng cho đến đại sự như xây dựng nông thôn mới tại địa phương, đại hội Đảng, bầu cử các cấp... đều được bàn luận rất sôi nổi, trách nhiệm.

Sự sôi nổi, trách nhiệm của họ không chỉ thể hiện qua lời nói, qua những câu chuyện phiếm quanh ấm chè xanh mà đã biến thành hành động cụ thể khi vợ chồng ông Trung hiến hàng trăm m2 đất cho thôn mở đường; còn người dân trong thôn thì hăng hái đóng góp kinh phí, ngày công làm đường bê tông, kênh mương thoát thải...

Tình làng, nghĩa xóm - nét đẹp văn hóa của người Hà Tĩnh

Cụ Xờ (bên trái) và bà Thủy là đôi “bạn già”, cùng nhau sẻ chia buồn vui trong cuộc sống.

Người dân cùng chung tay xây dựng miền quê nông thôn mới với những tuyến đường sạch đẹp, đời sống văn minh. Tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng thôn xóm vì thế mà thêm bền chặt.

Người Việt có câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Câu nói ấy càng có ý nghĩa với cụ bà Vũ Thị Xờ (thôn Thủy Triều - xã Cẩm Quan - Cẩm Xuyên). Cụ Xờ năm nay đã ngoài 80 tuổi, sống một mình, không có người thân bên cạnh nhưng cụ may mắn có những người hàng xóm chăm lo cho cụ không khác gì máu mủ.

Là “bạn già” của cụ Xờ, bà Lê Thị Thủy (người cùng thôn) chia sẻ: “Tôi và chị em phụ nữ trong thôn thường xuyên qua lại giúp cụ dọn dẹp vườn tược, nhà cửa, trò chuyện cho cụ đỡ buồn. Thỉnh thoảng có quả trứng, mớ rau, mọi người cũng mang qua cho cụ”. Nhờ tình cảm chân thành, ấm áp đó mà những ngày tháng xế chiều của cụ Xờ đã bớt đi phần nào nỗi cô quạnh.

Tình làng, nghĩa xóm - nét đẹp văn hóa của người Hà Tĩnh

Hội viên phụ nữ ở huyện Kỳ Anh giúp đỡ gia đình neo đơn dọn dẹp vườn tược.

Những câu chuyện ấm lòng như thế không khó để bắt gặp trên khắp các miền quê ở Hà Tĩnh. Không kể giàu nghèo, sang hèn, đã cùng chung sống trong một cộng đồng dân cư, đã xem nhau là hàng xóm, láng giềng thì người dân đều có sự quan tâm, sẻ chia cùng nhau trong cuộc sống.

Điều đó được thể hiện qua việc khi gia đình nào có việc hiếu, việc hỷ, tất cả các hộ trong thôn xóm, tổ dân phố không ai bảo ai đều cảm thấy có trách nhiệm phải góp tay, chung sức cùng gia chủ.

Hà Tĩnh là mảnh đất của thiên tai, người dân bao đời phải chịu cảnh mất mát đau thương sau mỗi trận bão, cơn lũ lớn đi qua. Và trong hoạn nạn, tình người lại ấm áp hơn bao giờ hết.

Cơn lũ lịch sử tháng 10/2020 đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động: những suất cơm cứu đói của hàng xóm, láng giềng khi nhà chẳng may chìm trong dòng nước; những gia đình có nhà cao ráo nhường chỗ ở, cơm nước cho hàng chục người lớn, trẻ em trong thôn những ngày mưa lũ; những con người không quản hiểm nguy lao vào tâm lũ cứu hàng xóm...

Tình làng, nghĩa xóm - nét đẹp văn hóa của người Hà Tĩnh

Người dân phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh) gói bánh chưng hỗ trợ bà con vùng lũ tháng 10/2020. Ảnh tư liệu

Cơn lũ đi qua, người dân mới thật sự thấm thía tình người, sự đoàn kết; mới hiểu được hết ý nghĩa của việc “hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau”.

Xã hội phát triển, đời sống có nhiều thay đổi nhưng tin rằng, tình làng - nghĩa xóm, sự cố kết trong cộng đồng dân cư vẫn luôn là nét đẹp được người Hà Tĩnh gìn giữ và phát huy. Đó là một trong những cơ sở, nền tảng để xây dựng đời sống văn hóa, con người văn hóa và vùng đất văn hóa.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Thơm nức mũi món chả rươi Hà Tĩnh

Chả rươi thơm ngậy, ngoài giòn, trong mềm là tinh túy của ẩm thực vùng đất ven bờ sông Lam. Đến mùa rươi, thưởng thức món đặc sản này mới cảm nhận được hết nét đẹp của văn hóa ẩm thực truyền thống của Hà Tĩnh.
Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Về sông Phủ thưởng thức đặc sản cua lông

Mô hình thí điểm nuôi cua lông tại phường Đại Nài (TP Hà Tĩnh) bước đầu mang tới nhiều triển vọng, vừa đem lại giá trị kinh tế cao vừa góp phần lan tỏa sản vật quê hương.
Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên”

Tổ khúc giao duyên “Ví giặm nên duyên” do Quang Hiếu sưu tầm và biên soạn; đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Thành Sen bát cảnh...

Thành Sen bát cảnh...

“Tỉnh thành bát cảnh” - 8 cảnh đẹp, công trình của Thành Sen xưa mang theo những giá trị văn hóa, tinh thần và cả niềm tự hào của người TP Hà Tĩnh qua các thế hệ.
Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Vốn cổ quê hương trong tình yêu của các ca sĩ trẻ

Không phải ngẫu nhiên mà Hà Tĩnh là quê hương của nhiều ca sĩ thành danh trong dòng nhạc dân gian. Nhiều giọng ca người Hà Tĩnh chia sẻ, từ nhỏ họ đã được nuôi dưỡng tình yêu với nghệ thuật truyền thống thông qua những câu hò, điệu ví. Chất dân ca cứ thế ngấm dần vào giọng nói, tiếng hát một cách tự nhiên như hơi thở.
Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Mang câu hò, điệu ví đến muôn phương

Với niềm đam mê mãnh liệt làn điệu ví, giặm, người Hà Tĩnh muôn phương đã không ngừng lan tỏa loại hình nghệ thuật đặc sắc này tới bạn bè trên mọi miền Tổ quốc và bè bạn quốc tế.