Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Moderna cho người dân tại Central Falls, Rhode Island, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất với 28.900.658 ca nhiễm và 515.183 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Ấn Độ và Brazil.
Tại châu Á, Bộ Y tế Campuchia xác nhận số ca mắc COVID-19 liên quan đến “sự cố cộng đồng ngày 20/2” tiếp tục tăng, với 40 trường hợp nhiễm mới, trong đó có 35 người Trung Quốc, 2 người Việt Nam, 1 người Campuchia và 2 ca được cho là thuộc diện nhập cảnh (đều là người Trung Quốc). Tính đến sáng 24/2, Campuchia đã có tổng cộng 633 ca mắc COVID-19, trong đó 476 người bình phục và không có ca tử vong.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo Campuchia đang có nguy cơ bùng phát dịch COVID-19 quy mô lớn, đồng thời kêu gọi sự hợp tác của tất cả mọi người để phòng ngừa những kịch bản xấu nhất có thể.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Lào, chính quyền địa phương trên cả nước sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch và giám sát người nhập cảnh để ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai. Người nhập cảnh vào Lào, đặc biệt là công nhân quay trở về nước sẽ phải cách ly tại các trung tâm 14 ngày và phải đo thân nhiệt khi nhập cảnh.
Tại Indonesia, Bộ Y tế cho biết công dân nước này và người nước ngoài sẽ buộc phải cách ly 5 ngày tại các địa điểm do Chính phủ chỉ định sau khi nhập cảnh. Ngoài ra, mọi công dân khi nhập cảnh vào Indonesia đều phải trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 trong khoảng thời gian tối đa là 3 ngày trước khi khởi hành.
Tại Israel, nội các đã thông qua lệnh giới nghiêm vào ban đêm nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong dịp lễ Purim sắp tới. Lệnh giới nghiêm trên toàn quốc sẽ được áp dụng từ ngày 25 đến 28/2 và kéo dài từ 8h30 tối hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau. Trong thời gian giới nghiêm, hoạt động giao thông liên thành phố sẽ bị tạm ngừng nhằm hạn chế người dân tham gia các hoạt động truyền thống trong những ngày lễ Purim.
Tại châu Âu, Đan Mạch và Thụy Điển thông báo sẽ nới lỏng một số hạn chế vốn được áp dụng nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19. Trong khi đó, Bulgaria cho biết sẽ mở cửa trở lại các nhà hàng từ tháng 3 và dỡ bỏ lệnh cấm các hộp đêm từ tháng 4.
Một điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 tại Rome, Italy. Ảnh: THX/TTXVN
Về phần mình, Italy và Hungary đều bác bỏ việc nới lỏng các biện pháp khống chế dịch, trong khi Pháp cân nhắc áp đặt thêm các biện pháp hạn chế mới tại các địa phương do tình hình dịch COVID-19 đang có xu hướng xấu đi. Tương tự, Thủ tướng CH Séc Andrej Babis ngày 24/2 cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm ngăn chặn “thảm họa” trong các bệnh viện trong những tuần tới.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhân viên y tế tại Sincelejo, Colombia. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan đến vấn đề vaccine, cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Colombia (INVIMA) cho biết đã phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh).
Trong khi đó, Hungary đã trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Sinopharm do Trung Quốc sản xuất. Trong đoạn video chia sẻ trên kênh Facebook, Thủ tướng Hungary Viktor Orban nêu rõ vaccine Sinopharm do Trung Quốc bào chế và phát triển đã được đưa vào chương trình tiêm chủng của nước này từ ngày 24/2.
Cùng ngày, Nhật Bản cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người cao tuổi từ ngày 12/4 tới, trong bối cảnh nước này mở rộng chương trình tiêm chủng quốc gia cho những đối tượng ngoài nhân viên y tế.
Tại Ấn Độ, kể từ ngày 1/3, nước này sẽ bắt đầu tiêm chủng cho những người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi có bệnh nền. Việc tiêm chủng sẽ là miễn phí tại 10.000 bệnh viện công và phải trả phí tại 20.000 cơ sở y tế tư nhân.
Nhân viên y tế làm việc tại điểm xét nghiệm COVID-19 ở Petaling Jaya, bang Selangor, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Malaysia, nước này đã bắt đầu triển khai Chương trình tiên chủng quốc gia vaccine ngừa COVID-19 với sự kiện Thủ tướng Muhyiddin Yassin là người được nhận mũi tiêm đầu tiên. Cùng với Thủ tướng Muhiyddin, được tiêm trong ngày đầu tiên còn có Tổng giám đốc Cơ quan Y tế, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah và 4 quan chức cấp cao của Bộ Y tế. Chương trình tiêm chủng quốc gia của Malaysia chia làm 3 giai đoạn, bắt đầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến và sẽ kéo dài đến tháng 2/2022.
Tại Thái Lan, lô vaccine đầu tiên gồm 200.000 liều do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất đã tới nước này và đã được bàn giao trong một buổi lễ tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi với sự tham dự của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cùng các quan chức cao cấp của Thái Lan.