Báo Hà Tĩnh đã có cuộc phỏng vấn với Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đặng Văn Dũng để rõ hơn về mục tiêu, ý nghĩa và kế hoạch tiến hành cuộc tổng rà soát sắp tới.
Ông Đặng Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh
Xin ông cho biết mục đích, yêu cầu đặt ra cho đợt tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn Hà Tĩnh?
Đây là cuộc điều tra đầu nhiệm kỳ, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để xác định đúng thực trạng, quy mô về hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình theo chuẩn nghèo mới. Từ đó, là cơ sở để hoạch định các chính sách về phát triển KT-XH, thiết kế, ban hành các chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo, xây dựng NTM cho cả giai đoạn 2022 - 2025.
Sở LĐ-TB&XH tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.
Với mục đích, ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó và đồng thời để đảm bảo thực hiện chính xác kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025, Chính phủ đã ban hành riêng một nghị định về quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 (Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ); Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định cụ thể hóa về quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình tại Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021; Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành Thông tư hướng dẫn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 19/8/2021 triển khai thực hiện trên địa bàn Hà Tĩnh.
Chuyên viên Sở LĐ-TB&XH hướng dẫn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025.
Ngoài các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH, để đảm bảo thực hiện thành công công tác tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ có mức sống trung bình, UBND tỉnh đã yêu cầu: Cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ ngay từ đầu; phải tuân thủ đúng quy trình, quy định, đồng thời phải huy động sự tham gia giám sát của các ngành, đoàn thể, cộng đồng dân cư để kết quả của cuộc tổng rà soát đảm bảo khách quan, dân chủ, chính xác.
Đồng thời, UBND tỉnh cũng yêu cầu và giao trách nhiệm cho chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025 thuộc địa bàn quản lý.
Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình của địa phương mình, báo cáo kịp thời về UBND cấp huyện.
Đợt tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh có những điểm gì mới, thưa ông?
Điểm mới của việc tổng rà soát lần này đó là áp dụng đồng thời cả tiêu chí về thu nhập và tiêu chí thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (6 dịch vụ), gồm: việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và 12 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản, gồm: việc làm, người phụ thuộc trong hộ gia đình, dinh dưỡng, bảo hiểm y tế, trình độ giáo dục của người lớn, tình trạng đi học của trẻ em, chất lượng nhà ở, diện tích nhà ở bình quân đầu người, nguồn nước sinh hoạt, nhà tiêu hợp vệ sinh, sử dụng dịch vụ viễn thông, phương tiện phục vụ tiếp cận thông tin.
Chi hội Phụ nữ tổ dân phố 15, thị trấn Cẩm Xuyên mổ lợn tiết kiệm tặng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học cho chị Bùi Thị Liên, hộ nghèo đơn thân, tháng 3/2020.
Theo đó, quy định về chuẩn hộ nghèo giai đoạn 2022 - 2025 đối với khu vực nông thôn có thu nhập từ 1.500.000 đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (giai đoạn 2016 - 2020 chuẩn nghèo có thu nhập dưới 700.000 đồng/người/tháng).
Đối với chuẩn nghèo khu vực thành thị có thu nhập từ 2.000.000 đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (giai đoạn 2016 - 2020 chuẩn nghèo có thu nhập dưới 900.000 đồng/người/tháng).
Hộ nghèo ở huyện Lộc Hà được vay vốn chính sách để phát triển kinh tế (Ảnh tư liệu).
Quy định về chuẩn hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn có thu nhập từ 1.500.000 đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (giai đoạn 2016 - 2020 chuẩn cận nghèo có thu nhập trên 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng/người/tháng).
Chuẩn cận nghèo ở khu vực thành thị có thu nhập từ 2.000.000 đồng/người/tháng trở xuống và thiếu hụt dưới 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản (giai đoạn 2016-2020 chuẩn cận nghèo có thu nhập trên 900.000 đồng đến 1.300.000 đồng/người/tháng).
Quy định về chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn có thu nhập trên 1.500.000 đồng đến 2.250.000 đồng/người/tháng; chuẩn hộ có mức sống trung bình khu vực thành thị có thu nhập trên 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng/người/tháng (giai đoạn 2016 - 2020 chuẩn hộ có mức sống trung bình ở khu vực nông thôn từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng/người/tháng; khu vực thành thị từ 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng/người/tháng).
Xin ông cho biết quy trình, thời gian và phương pháp triển khai tổng rà soát ?
Về quy trình, việc rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được thực hiện theo trình tự 6 bước như sau: bước 1: Lập danh sách hộ gia đình cần rà soát; bước 2: Tổ chức rà soát, phân loại hộ gia đình; bước 3: Tổ chức họp dân để thống nhất kết quả rà soát; bước 4: UBND cấp xã thực hiện niêm yết, thông báo công khai; bước 5: UBND cấp xã báo cáo, xin ý kiến của chủ tịch UBND cấp huyện; bước 6: Công nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo.
Chuyên viên phụ trách lĩnh vực giảm nghèo, cán bộ của phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố, thị xã tham gia tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ rà soát.
Phương pháp rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được xác định trên cơ sở khảo sát thu thập thông tin của hộ gia đình để ước lượng thu nhập và xác định mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo bảo đảm phù hợp với chuẩn nghèo theo quy định tại Điều 3, Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.
Phương pháp xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình được xác định trên cơ sở thu nhập của hộ gia đình trong vòng 12 tháng trước thời điểm rà soát, không tính khoản trợ cấp hoặc trợ giúp xã hội từ ngân sách nhà nước vào thu nhập của hộ gia đình.
Ban Chỉ đạo rà soát cấp xã chủ trì, phối hợp với thôn, tổ dân phố thực hiện rà soát lập danh sách hộ gia đình cần rà soát gồm: Hộ gia đình thuộc danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo do UBND cấp xã đang quản lý tại thời điểm rà soát; hộ gia đình có giấy đề nghị rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quyết định…
Sau khi rà roát lập danh sách, ban chỉ đạo họp lấy ý kiến thống nhất của ít nhất 50% tổng số người tham dự cuộc họp về kết quả đánh giá, tính điểm đối với các hộ gia đình qua rà soát, chủ yếu tập trung vào các hộ nghèo, hộ cận nghèo mới phát sinh và hộ thoát nghèo, hộ thoát cận nghèo. Trường hợp ý kiến thống nhất dưới 50%, thực hiện rà soát lại theo quy định.
Về yêu cầu tiến độ thời gian và báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có mức sống trung bình để kịp triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ về: y tế, giáo dục đào tạo, vay vốn... yêu cầu UBND cấp xã phải hoàn thành tổng rà soát và báo cáo kết quả về UBND cấp huyện trước ngày 15/10/2021 (đối với báo cáo sơ bộ) và báo cáo kết quả chính thức về UBND cấp huyện trước 30/10/2021.
Đối với UBND cấp huyện: Yêu cầu tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát gửi Sở LĐ-TB&XH trước ngày 10/11/2021 (đối với báo cáo sơ bộ) và báo cáo kết quả chính thức gửi Sở LĐ-TB&XH trước ngày 15/11/2021.
Xin trân trọng cảm ơn ông!