Chiều 23/7, trình bày đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, Đảng và Nhà nước ta xác định công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước.
Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân. Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trước Quốc hội (Ảnh: Quốc Chính).
“Người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo, khó khăn được chú trọng hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, hỗ trợ sinh kế, có việc làm, nâng cao thu nhập, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin. Nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo tăng cao, có nhiều tấm gương điển hình nỗ lực vươn lên thoát nghèo” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Việt Nam lần đầu tiên và là một trong 30 quốc gia áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; đã hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói, giảm nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới.
“Để tiếp tục phát huy các thành tựu và khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác giảm nghèo thời gian qua, việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trong điều kiện mới là rất cần thiết, cấp bách trong giai đoạn hiện nay” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay.
Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện là 75.000 tỷ đồng
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đối tượng, địa bàn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, chú trọng địa bàn còn nhiều khó khăn.
Chương trình được kết cấu với 6 dự án (11 tiểu dự án). Tổng nguồn vốn đề xuất thực hiện chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (theo Tờ trình 143/TTr-CP ngày 21/5/2021 của Chính phủ) được điều chỉnh giảm từ 90.260 tỷ đồng xuống còn 75.000 tỷ đồng.
Cơ quan chủ trì quản lý chương trình là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chương trình thực hiện trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung đầu tư cho các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; khuyến khích các địa phương vận dụng các cơ chế, chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đặc thù áp dụng cho các đối tượng trên địa bàn bằng nguồn lực của địa phương và huy động hợp pháp khác.
Mục tiêu tổng quát nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Đồng thời chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và thông tin. (Ảnh: Quốc Chính).
Phấn đấu đạt được hàng loạt chỉ tiêu
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến năm 2025 sẽ phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo, hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo tiêu chí nghèo đa chiều của quốc gia; 30% số huyện nghèo, 30% số xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ thí điểm, phát triển trên 1.000 mô hình giảm nghèo tạo sinh kế, việc làm bền vững, thu nhập tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình tham gia dự án tăng ít nhất 25%/năm; bình quân mỗi năm có 500 nghìn hộ gia đình tham gia dự án, mô hình giảm nghèo.
Tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 60%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ là 25%; 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp.
Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững. Hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho ít nhất 100.000 người lao động, trong đó có trên 50% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vùng nghèo, vùng khó khăn; khoảng 5.700 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng.
Ngoài ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội sẽ góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh và thông tin.
Về cơ chế quản lý, điều hành: Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương chung cho 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, do Thủ tướng Chính phủ hoặc Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. Trong đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là Phó Trưởng ban phụ trách Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành có liên quan là thành viên.
Phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh
Thẩm tra đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Chương trình và thống nhất với tên gọi của Chương trình. Hồ sơ Chương trình cơ bản bảo đảm đầy đủ; nội dung cơ bản đáp ứng các yêu cầu theo quy định, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng cho biết, ủy ban này cơ bản tán thành với đánh giá về hiệu quả kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của Chương trình.
Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy, để giảm nghèo đa chiều thực sự bền vững, phải giảm tỷ lệ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo phát sinh, Chương trình cần có các giải pháp thoát nghèo bền vững, đủ sức chống chịu, vượt qua các thách thức của thiên tai, dịch bệnh như thông qua tạo việc làm cho người nghèo, đảm bảo mỗi hộ nghèo có ít nhất một việc làm bền vững, tạo điều kiện cho hộ nghèo được tiếp cận với các chiều dịch vụ xã hội cơ bản thực sự bền vững; dự báo kết quả duy trì các mục tiêu, chỉ tiêu sau khi Chương trình kết thúc để đánh giá tính bền vững của Chương trình.
“Ủy ban Xã hội đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025” - bà Thúy Anh nói.