Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Lend-Lease cho phép hỗ trợ nhiều vũ khí hơn cho Ukraine - Ảnh: AFP
Tại Phòng bầu dục, ông Biden đã ký đạo luật Lend-Lease (Đạo luật cho mượn - cho thuê). Đạo luật này sẽ cho phép mở rộng hỗ trợ về pháo, tên lửa phòng không, vũ khí chống tăng và các loại vũ khí hạng nặng khác của phương Tây cho quân đội Ukraine. Nó tách biệt với nỗ lực chuyển vũ khí từ kho dự trữ của Mỹ cho Ukraine đã và đang diễn ra.
Theo Hãng tin AFP, tính từ khi Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine ngày 24-2 đến nay, chính quyền Washington đã có các khoản hỗ trợ quân sự lên đến 3,8 tỉ USD cho Kiev.
Đạo luật Lend-Lease trước đó đã được Hạ viện Mỹ phê chuẩn ngày 28-4, ba tuần sau khi Thượng viện Mỹ thông qua. Phát biểu khi ký đạo luật, ông Biden khẳng định Mỹ ủng hộ “cuộc chiến bảo vệ đất nước và nền dân chủ của người Ukraine”.
Ông cũng nhấn mạnh tính biểu tượng của ngày ký lại Đạo luật Lend-Lease mới: một ngày sau ngày 8-5 là ngày Mỹ và Tây Âu kỷ niệm Ngày chiến chắng tại châu Âu; là Ngày châu Âu - ngày kỷ niệm thành lập Liên minh châu Âu vào năm 1950.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Mỹ, gọi đây là bước đi lịch sử.
Chương trình Lend-Lease được tổng thống Franklin Roosevelt đưa ra và được Quốc hội Mỹ thông qua vào ngày 11-3-1941. Ban đầu, nó dùng để trợ giúp quân Anh chống lại Đức quốc xã bằng cách cho tổng thống quyền “bán, chuyển giao, trao đổi, cho thuê mượn, hoặc định đoạt” bất kỳ nguồn lực quân sự nào mà tổng thống cho rằng ít cần thiết nhất đối với quốc phòng Mỹ.
Cơ sở của đạo luật là: “Nếu láng giềng của một quốc gia bảo vệ thành công đất nước của mình, thì an ninh của quốc gia đó cũng được nâng cao”.
Trong Thế chiến thứ hai, Mỹ và Liên Xô là đồng minh với nhau trong một thời gian ngắn để cùng chống lại kẻ thù chung là Đức quốc xã.
Ngày 30-10-1941, tổng thống Roosevelt đã phê duyệt viện trợ Lend-Lease cho Liên Xô, cho phép chuyển 1 tỉ USD cho Liên Xô không lãi suất và không buộc phải hoàn trả cho đến 5 năm sau khi chiến tranh kết thúc.