Tổng thống Philippines trước nguy cơ bị điều tra về cáo buộc giết người

Philippines đang đối mặt với sức ép phải điều tra Tổng thống Rodrigo Duterte sau khi một cựu sát thủ, người tự nhận là thành viên của “biệt đội tử thần”, cáo buộc nhà lãnh đạo này từng ra lệnh tiêu diệt 1.000 người, trong đó có cả đối thủ chính trị và các nghi phạm, trong thời gian ông còn là thị trưởng thành phố miền nam Davao.

tong thong philippines truoc nguy co bi dieu tra ve cao buoc giet nguoi

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (Ảnh: Reuters)

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Philippines hôm 15/9, Edgar Matobato, 57 tuổi, khẳng định mình là một thành viên của “biệt đội tử thần” gồm các cảnh sát và lực lượng nổi dậy tại Philippines, chuyên nhận lệnh từ Tổng thống Rodrigo Duterte khi ông còn là Thị trưởng thành phố Davao ở miền nam nước này.

Theo lời khai của Matobato, nhà lãnh đạo Philippines đã ra lệnh sát hại khoảng 1.000 người, trong đó có cả các đối thủ chính trị của ông Duterte và các nghi phạm ở Davao, trong khoảng thời gian từ năm 1988 đến năm 2013 và ông cũng chính là người đứng sau biệt đội tử thần.

Matobato tiết lộ các nạn nhân bị sát hại bằng nhiều hình thức khác nhau, từ thắt cổ, thiêu sống, cho đến phanh thây rồi đem chôn trong một khu đất thuộc quyền sở hữu của một cảnh sát thành viên trong biệt đội tử thần, hoặc có thể bị ném xuống biển cho cá ăn hay làm mồi cho cá sấu. Ngoài ra, cựu sát thủ còn “tố” tổng thống đương nhiệm là người xả hai băng đạn của khẩu tiểu liên Uzi vào một nhân viên của Bộ Tư pháp hồi năm 1993 khi xe của người này chặn đường đi của biệt đội tử thần.

“Đây là những cáo buộc nghiêm trọng và chúng tôi đang xem xét một cách nghiêm túc”, AFP dẫn lời Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết.

Các ý kiến chỉ trích tổng thống Philippines cho rằng những vụ giết người ở Davao, nơi ông Duterte làm thị trưởng hơn 20 năm, đã tạo ra một mô hình sát thủ và đang được nhân rộng trên quy mô cả nước khi ông Duterte trở thành tổng thống mới của quốc gia Đông Nam Á này.

tong thong philippines truoc nguy co bi dieu tra ve cao buoc giet nguoi

Edgar Matobato, thành viên biệt đội tử thần Davao (Ảnh: Qz)

Những cáo buộc trên bắt đầu sôi sục khi Thượng viện Philippines tiến hành điều tra những vụ giết người không qua xét xử trong chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy đẫm máu khiến hơn 3.000 người thiệt mạng trong vòng 72 ngày kể từ ông Duterte chính thức nhậm chức tổng thống.

Cơ quan giám sát nhân quyền thế giới (HRW) có trụ sở tại Mỹ đã hối thúc Philippines cho phép các nhà điều tra của Liên Hợp Quốc vào cuộc điều tra các cáo buộc này.

“Tổng thống Duterte sẽ không thể tự điều tra chính mình, do vậy điều quan trọng là Liên Hợp Quốc phải đóng vai trò đi đầu trong nỗ lực làm sáng tỏ những cáo buộc này”, Brad Adams, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của HRW, cho biết.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống trước đây, ông Duterte đã nhiều lần thừa nhận hoặc phủ nhận việc ông có dính líu đến biệt đội sát thủ. Cũng nhờ cam kết quét sạch hàng nghìn tội phạm mà ông Duterte đã chiếm được lòng tin của công chúng và giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5 tại Philippines.

Lần này, đứng trước những lời cáo buộc của cựu sát thủ Edgar Matobato nhằm vào mình, Tổng thống Duterte chọn cách làm ngơ, trong khi các trợ lý cấp cao của ông lại lên tiếng phủ nhận, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Philippines Vitaliano Aguirre, người cho đây là những “lời nói dối và bịa đặt”.

Martin Andanar, phát ngôn viên tổng thống Philippines, tỏ ra hoài nghi về việc ông Duterte có thể ra lệnh giết đến 1.000 người. “Tôi không tin ông ấy có thể ban hành một chỉ thị như thế. Ủy ban Nhân quyền đã điều tra các cáo buộc về chủ đề này từ lâu, nhưng vẫn chưa có tội danh nào được đưa ra”, Andanar nói. Trong khi đó, Ernesto Abella, một phát ngôn viên khác, cho rằng những lời cáo buộc này cần phải được xem xét một cách thận trọng. Còn Paolo Duterte, con trai của ông Duterte, gọi Matobato là “gã khùng” và những lời khai tại phiên điều trần “chỉ là tin đồn”.

Theo dantri.com.vn

Đọc thêm

Dịch vụ thuê bà ngoại gây 'sốt' ở Nhật Bản

Dịch vụ thuê bà ngoại gây 'sốt' ở Nhật Bản

Bạn có bao giờ ước rằng mình có một người lớn tuổi, từng trải để trò chuyện, chia sẻ hay nấu cho mình một bữa cơm nhà ấm cúng? Tại Nhật Bản, điều tưởng chừng xa vời đó lại hoàn toàn khả thi nhờ dịch vụ thuê bà ngoại theo giờ – mang tên OK Grandma.
Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Ông Trump ra tối hậu thư với Nga

Tổng thống Mỹ Trump ra tối hậu thư đề nghị Nga giải quyết cuộc xung đột Ukraine trong 50 ngày hoặc đối mặt mức thuế cao.
Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.