Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 5 bên trái) đến Trung tâm Kiểm soát Quốc phòng Quốc gia để giám sát thử nghiệm hệ thống tên lửa siêu thanh mới của Nga mang tên Avangard, có thể mang đầu đạn hạt nhân và thông thường, tại Moscow, Nga ngày 26/12/2018. Ảnh: Sputnik
Theo hãng tin Reuters (Anh), khẳng định của Tổng thống Putin được đưa ra trong bộ phim tài liệu “Nước Nga lịch sử mới”, được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia hôm 12/12. Ông cho biết trong tương lai, các cường quốc khác trên thế giới cũng sẽ sở hữu công nghệ vũ khí siêu vượt âm tương tự. Nhưng khi họ có được loại vũ khí này, rất có thể “Nga sẽ có phương tiện để chống lại vũ khí này”.
“Nga là nước dẫn đầu toàn cầu về tên lửa siêu vượt âm và vào thời điểm các nước khác bắt kịp trình độ của Nga, có khả năng chúng ta đã phát triển được công nghệ để chống lại loại vũ khí mới này”, Tổng thống Vladimir Putin nói và tiết lộ Nga và Mỹ đang sở hữu số lượng đầu đạn và tên lửa mang vũ khí siêu vượt âm tương đương nhau.
“Tuy nhiên, trong bước phát triển tiên tiến của chúng ta, chắc chắn rằng chúng ta là người dẫn đầu”, ông Putin nói. Ông cho biết thêm rằng Nga cũng là “số một” thế giới về năng lực nâng cấp các loại vũ khí truyền thống.
Vào tháng trước, ông Putin cho biết các cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon của Nga sắp hoàn tất, và việc đưa vào biên chế cho lực lượng hải quân sẽ bắt đầu vào năm 2022.
Trước tuyên bố của Nga, một số chuyên gia phương Tây đã đặt câu hỏi về thế hệ vũ khí mới của Nga tiên tiến như thế nào. Họ cũng thời thừa nhận rằng sự kết hợp giữa tốc độ, khả năng cơ động và độ cao của tên lửa siêu vượt âm khiến chúng khó bị theo dõi và đánh chặn.
Tên lửa siêu vượt âm có thể di chuyển với vận tốc gấp ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh trong tầng trên bầu khí quyển, nghĩa là khoảng 6.200 km/giờ. Dù loại tên lửa này chậm hơn so với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng cấu tạo của vũ khí bay siêu thanh cho phép nó dễ dàng nhắm tới mục tiêu hoặc tránh xa các hệ thống phòng thủ.
Chi tiêu quân sự của Moscow thấp hơn nhiều so với Washington. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Nga đã chi 62 tỉ USD cho chi tiêu quân sự vào năm 2020, trong khi con số này ở Mỹ lên tới 778 tỉ USD.
Vào tháng trước, Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall tiết lộ Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang để phát triển vũ khí siêu vượt âm sát thương nhất.
Hồi tháng 10, sĩ quan quân đội hàng đầu của Mỹ, Tướng Mark Milley, đã lần đầu tiên xác nhận việc Trung Quốc thử vũ khí siêu vượt âm. Các chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho rằng vũ khí của Trung Quốc dường như được tạo ra để tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ thông tin này.