Bí thư Thành ủy Nguyễn Hồng Lĩnhc ùng dự buổi làm việc
Hiện nay, toàn thành phố có 22 trường mầm non gồm 228 nhóm lớp (17 trường công lập và 5 trường tư thục) và 19 nhóm trẻ độc lập tư thục được cấp giấy phép.
Tỷ lệ huy động đạt 36,9% đối với nhóm nhà trẻ, 99,4% đối với nhóm mẫu giáo; khối tiểu học có 18 trường với 263 lớp, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,9%, trong đó có 8 trường có tỷ lệ bình quân học sinh cao hơn 35 em/1 lớp; khối THCS có 9 trường công lập với 152 lớp, tỷ lệ bình quân 38,3 học sinh/lớp (quy định là 42 học sinh/lớp), 1 trường thuộc Đại học Hà Tĩnh với 2 lớp.
Năm học 2018 – 2019, kế hoạch của thành phố Hà Tĩnh là tăng thêm 3 trường mầm non tư thục và tăng thêm 4 nhóm lớp, tăng 1 trường tiểu học và 20 lớp, tăng 5 lớp đối với khối THCS.
PGĐ Sở Nội vụ Trần Huy Liệu: Thành phố cần có cơ chế xã hội hoá cơ sở vật chất ở các cơ sở công lập
Tại buổi làm việc, các đại biểu tập trung phân tích những tồn tại, bất cập của GD-ĐT thành phố hiện nay như: vấn đề quy hoạch, phát triển hệ thống trường lớp và cơ sở vật chất của các nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu thực tế và nhu cầu phát triển, nhất là ở cấp mầm non và tiểu học; công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia thiếu tính bền vững...
Trưởng ban VHXH - HĐND tỉnh Đoàn Đình Anh: Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút đầu tư giáo dục mầm non tư thục nhằm giảm tải cho các trường công lập.
Tình trạng quá tải quy mô trường lớp, học sinh đang diễn ra khá phổ biến ở các cấp học; chất lượng giáo dục toàn diện chưa tương xứng với lợi thế và tiềm năng; giáo dục định hướng nghề nghiệp đạt hiệu quả chưa cao.
Vẫn còn tình trạng dạy thêm học thêm; đội ngũ giáo viên chưa đảm bảo về số lượng và cơ cấu, độ tuổi bình quân cao; ngân sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo còn thấp, chưa có nhiều hình thức huy động nguồn lực xã hội hoá giáo dục.
Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp để thành phố có thể tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, thực hiện thành công kế hoạch năm 2018 – 2019.
GĐ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh Trần Trung Dũng: Trong đầu tư, phân bổ ngân sách, bố trí giáo viên cần xác định trọng điểm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư thành uỷ Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định, giáo dục là ngành lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thành phố. Về những khó khăn, vướng mắc của giáo dục thành phố hiện nay, việc giải quyết phần lớn thuộc thẩm quyền của tình nhưng thành phố mong nhận được sự chia sẻ của các sở, ban, ngành.
Bí thư thành uỷ cũng đề nghị các sở, ban, ngành có những kiến nghị, đề xuất giúp thành phố sớm tháo gỡ khó khăn, phát triển phù hợp với lợi thế, tiềm năng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Văn Trọng cám ơn những ý kiến phân tích, góp ý của đại biểu. Trên cơ sở tình hình thực tế và những ý kiến của đại biểu, thành phố sẽ có văn bản đề xuất UBND tỉnh có những cơ chế đặc thù trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, huy động nguồn lực xã hội hoá giáo dục, tuyển dụng giáo viên mới, dạy học ngoại ngữ có yếu tố nước ngoài…
Chủ tịch UBND thành phố cũng mong muốn, tỉnh tạo điều kiện cho thành phố sử dụng một số trụ sở cũ của các cơ quan để cải tạo mở rộng trường lớp.