Đầu năm 2017, thành phố đã xây dựng đề án cải cách hành chính giai đoạn 2017-2021. Theo đó, UBND thành phố đầu tư nguồn kinh phí xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại. Đầu tư, trang sắm, nâng cấp hệ thống máy tính, thiết bị văn phòng... đảm bảo nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức.
Cùng với những cải cách trong giao dịch một cửa, một cửa liên thông, thành phố Hà Tĩnh đang nỗ lực hiện đại hóa các dịch vụ hành chính công.
Ông Hà Văn Trọng - Chủ tịch UBND thành phố cho biết: “Hiện nay, chúng tôi đã triển khai ứng dụng hệ thống phần mềm hồ sơ công việc, ý kiến chỉ đạo, điều hành, phần mềm gửi nhận văn bản, hệ thống email phục vụ công việc và trao đổi thông tin hàng ngày; tập trung nâng cấp cổng thông tin điện tử, phần mềm một cửa và đưa vào cung cấp 143 dịch vụ hành chính công mức độ 3, tiến tới áp dụng thử một số dịch vụ hành chính công mức độ 4. Năm 2017, chúng tôi cũng đang chuẩn bị các điều kiện về tổ chức bộ máy, biên chế, nhân sự và cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin để sớm đưa trung tâm hành chính công thành phố đi vào hoạt động”.
Nhờ triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nên đến nay, gần 100% văn bản chỉ đạo trong nội bộ cơ quan được thực hiện dưới dạng văn bản điện tử, gần 95% văn bản các phòng, ban, chuyên môn báo cáo cấp trên được lưu chuyển trên mạng. 100% cán bộ, công chức thành phố và các đơn vị trực thuộc có điều kiện khai thác và có khả năng khai thác tài liệu, văn bản trên môi trường mạng phục vụ cho công việc. 100% phường, xã đã sử dụng mạng internet trong quản lý, điều hành và có 82% cán bộ, công chức cấp xã biết khai thác hiệu quả môi trường mạng phục vụ công tác chuyên môn. Song song với việc duy trì, áp dụng hệ thống ISO tại UBND thành phố và 8 phường, xã, năm 2017, UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo xây dựng, áp dụng và triển khai hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 đối với 8 đơn vị cấp xã.
Hiện nay, UBND thành phố đã thực hiện cơ chế một cửa điện tử, 16/16 xã, phường thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông góp phần giải quyết tốt các TTHC, tạo được lòng tin của tổ chức và công dân. Các đơn vị, địa phương đã ban hành kịp thời quy chế hoạt động tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, quyết định phân kỳ giải quyết TTHC tại các phòng, ban, đơn vị. Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố áp dụng 186 TTHC theo cơ chế một cửa và 30 TTHC liên thông (cấp xã - thành phố).
Ông Nguyễn Văn Hồng - người dân xã Thạch Hạ cho biết: “Trước đây, mỗi lần có việc phải lên xã giải quyết TTHC là tôi rất ngại ngần, nhưng nay, thái độ phục vụ của cán bộ và cách thức thực hiện đều có sự thay đổi, việc giải quyết các TTHC đã trở nên nhanh chóng, thoải mái. Chúng tôi đều cảm thấy được phục vụ tận tình, chu đáo”.
Tuy vậy, hệ thống một cửa và một cửa liên thông ở thành phố đang thực hiện dưới dạng làm thủ tục trên văn bản giấy rồi nhập vào máy tính để lưu mà chưa kết nối được với cổng thông tin điện tử của tỉnh và trung ương. Chính vì vậy, thành phố đang chỉ đạo các địa phương, cơ quan nỗ lực để cung cấp dịch vụ công trực tuyến phổ biến ở mức 2, mức 3 cho nhân dân. Thông qua đó, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho nhân dân và doanh nghiệp, đồng thời, góp phần làm giảm áp lực giấy tờ công việc lên chính các cơ quan quản lý nhà nước.
Xây dựng chính quyền thân thiện, hiện đại là một mục tiêu lớn được thành phố bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Sau thành công của việc thực hiện quy chế xin lỗi công dân, quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn, thành phố đang hướng đến việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng và nâng cấp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm hiện đại hóa nền hành chính.