Trạm thu phí BOT chưa đảm bảo khoảng cách 70 km: Do thiếu quy hoạch tổng thể

Trong văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý về chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giao thông vận tải, Bộ Tài chính nhấn mạnh, do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển trạm thu phí các dự án BOT nên nhiều trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách 70km với trạm thu phí khác.

Bộ Giao thông vận tải cần đánh giá lại tác động của việc thu phí đường bộ tại các dự án BOT. Ảnh: Internet

Vẫn chưa có quy hoạch tổng thể

Tại văn bản góp ý này, Bộ Tài chính ủng hộ các nguyên tắc đã được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất theo hướng không xã hội hóa đối với những hoạt động đầu tư, kinh doanh có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đồng tình với đề xuất công khai, minh bạch trong tất cả các khâu từ phê duyệt chủ trương đầu tư, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn nhà đầu tư tới thực hiện dự án, vận hành, chuyển nhượng,…

Tuy nhiên, đối với các dự án xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), Bộ Tài chính chỉ ra: “Do thiếu quy hoạch tổng thể phát triển trạm thu phí các dự án BOT nên hiện có tình trạng trạm thu phí BOT không đảm bảo khoảng cách với trạm thu phí khác là 70 km theo quy định của Thông tư số 159/2013/TT-BTC. Điều này dẫn tới những bức xúc của người dân và khó khăn nhất định cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BOT”.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải cần thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc lập quy hoạch tổng thể trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ của cả nước. Tuy nhiên, đến nay Bộ Giao thông vận tải vẫn chưa trình cấp có thẩm quyền về xây dựng quy hoạch tổng thể các trạm thu phí BOT.

Đề nghị đánh giá lại tác động việc thu phí

Cũng tại văn bản góp ý, Bộ Tài chính nêu rõ: “Các dự án BOT, BT do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý đều do nhà đầu tư trong nước thực hiện và huy động vốn vay thương mại từ các ngân hàng trong nước với lãi suất cho vay tương đối cao, thời gian hợp đồng tín dụng chưa đáp ứng được yêu cầu của các dự án hợp tác công tư (PPP)”.

Thị trường tín dụng trong nước hiện nay chủ yếu cung cấp các khoản tín dụng ngắn hạn và trung hạn, tín dụng dài hạn đa số khống chế thời gian dưới 22 năm. Do vậy nếu dự án kéo dài trên 25 năm thì các nhà đầu tư khó có thể thu xếp vốn vay.

Thực tế, theo hợp đồng tín dụng các dự án hiện nay, các tổ chức tín dụng chỉ cho vay thời gian dưới 20 năm, cá biệt một vài dự án là 22 năm. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải khi chọn nhà đầu tư nên xem xét đến các đơn vị có khả năng huy động được các nguồn vốn phù hợp hơn.

Liên quan tới mức phí các trạm BOT, Bộ Tài chính cho rằng, mức phí các phương tiện sử dụng các tuyến đường BOT (chủ yến trên tuyến Quốc lộ 1 Bắc Nam), tuyến cao tốc phải chi trả sẽ có tác động trực tiếp tới chi phí vận tải, chỉ số giá tiêu dùng và sự phát triển kinh tế, xã hội.

Hiện số lượng dự án BOT đi vào vận hành chưa nhiều, song theo kế hoạch sẽ có một loạt các dự án, nhất là các dự án BOT trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và một số tuyến cao tốc sẽ hoàn thành và thu phí trong năm 2016.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải có báo cáo đánh giá tác động của chính sách xã hội hóa ngành giao thông đến sự phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó để có kế hoạch tuyên truyền hợp lý nhằm tạo sự đồng thuận xã hội.

Theo Thời báo Tài chính Việt Nam

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói