Tranh thủ tối đa nguồn vốn, triển khai kịp thời các chính sách tín dụng xã hội

(Baohatinh.vn) - Sáng 29/9, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh - Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách - xã hội Hà Tĩnh chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 15 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh giai đoạn 2002- 2017. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn và Phó Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Trần Lan Phương cùng dự.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh tranh thủ tối đa nguồn vốn từ trung ương, triển khai kịp thời các chính sách tín dụng, đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn để phát triển SXKD

Sau 15 năm phát triển, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh đã thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Gần 113.000 lao động, 102.000 hộ thoát ngưỡng đói nghèo, trên 41.000 hộ cải thiện đời sống; trên 125.000 học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập.

Ông Nguyễn Huy Tiến: Quy mô, đối tượng lớn nhưng NHCSXH tỉnh vẫn đáp ứng nguồn vốn chính sách, đảm bảo chất lượng tín dụng, kiểm soát tốt rủi ro.

Nguồn vốn còn góp phần cải thiện hàng trăm nghìn công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn; nhà ở cho hộ nghèo... Tín dụng chính sách đã gắn kết cấp ủy, chính quyền, hội đoàn thể với nhân dân; các đối tượng chính sách được nâng cao nhận thức, vươn lên giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Ông Trần Đình Gia - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh: Hội nhận ủy thác 1.500 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH, cao nhất trong 4 cấp hội. Hội luôn coi đây là nhiệm vụ quan trọng, gắn chương trình vay vốn với các phong trào của hội, lấy nguồn vốn chính sách là phương tiện để lan tỏa hiệu quả phong trào.

Từ 2 chương trình tín dụng khi mới thành lập, đến nay, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh đã triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng với doanh số cho vay đạt 10.365 tỷ đồng với hơn 425.000 lượt. Trong đó, có 13 chương trình uỷ thác thông qua bốn tổ chức chính trị - xã hội: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên CSHCM với 52 hội cấp huyện, 850 hội cấp xã và 3.759 tổ TK&VV. Dư nợ cho vay đạt 4.036 tỷ đồng, chiếm 99,8% tổng dư nợ.

Tại đầu cầu huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Quốc Hương - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Tính đến ngày 25/9/2017, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 420 tỷ đồng, triển khai hiệu quả 10 chương trình tín dụng chính sách với trên 11.200 khách hàng vay vốn. Đề xuất Chính phủ nâng mức cho vay tối đa với chương trình vay Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; bổ sung đối tượng cho vay là hộ gia đình có từ 2 con đi học tại các trường CĐ, ĐH. (Ảnh: Thùy Dương)

Nhiều chỉ số tín dụng chính sách đứng tốp đầu toàn quốc. Đến 31/8/2017, tổng nguồn vốn đạt 4.096 tỷ đồng, tăng 3.858 tỷ đồng so với năm 2002, tốc độ tăng bình quân là 23,7%/năm. Tổng dư nợ đạt 4.046 tỷ đồng, tăng 3.812 tỷ đồng so với năm 2002 (tăng 17,3 lần) với hơn 154.000 khách hàng, đứng thứ 4 toàn quốc. Nợ xấu giảm dần, chỉ còn 0,11%; 60% số xã không có nợ quá hạn.

Bà Trần Lan Phương - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam: Sự chỉ đạo sát sao của UBND, HĐND tỉnh, cấp ủy và chính quyền các cấp là yếu tố đưa tín dụng chính sách trên địa bàn đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Ban điều hành NHCSXH linh hoạt, chủ động trong công tác điều hành, nhiều chỉ số tín dụng chính sách đứng trong top đầu toàn quốc về chất lượng tín dụng.

Mục tiêu đến năm 2020, Ngân hàng CSXH Hà Tĩnh bám sát chỉ đạo của HĐQT, Ban điều hành Ngân hàng CSXH Việt Nam phát triển theo hướng ổn định, bền vững bảo đảm thực hiện tốt tín dụng chính sách của Nhà nước, đồng thời triển khai các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả, góp phần thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh trao bằng khen của UBND tỉnh cho cá nhân tiêu biểu

Phát biểu hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh khẳng định: Nguồn vốn chính sách hoạt động phù hợp với thực tiễn, vốn vay phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, giảm nghèo bền vững, đảm bảo ASXH gắn xây dựng nông thôn mới.

Ghi nhận và biểu dương Ngân hàng CSXH các cấp, các đoàn thể tham gia ủy thác trong việc thực hiện tín dụng chính sách, Chủ tịch UBND tỉnh cũng phân tích những mặt còn hạn chế như: nguồn vốn một số chương trình chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các đối tượng; một số hội ủy thác, cán bộ địa phương nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa nhân văn của chương trình; công tác phối kết hợp của một số địa phương còn hạn chế; chương trình lồng ghép các chương trình, dự án chưa cao...

Thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh tranh thủ tối đa nguồn vốn từ trung ương, triển khai kịp thời các chính sách tín dụng, đảm bảo hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn để phát triển SXKD, góp phần thực hiện muc tiêu giảm nghèo bền vững.

Theo đó, giao Ban đại diện cấp tỉnh, huyện tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát cơ sở, tập trung đối với những xã có nợ đến hạn, nợ quá hạn lớn và kiên quyết chỉ đạo xử lý nợ một cách kịp thời.

Chính quyền các cấp chỉ đạo thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi; gắn tín dụng chính sách với nhiệm vụ chính trị tại các xã; ưu tiên ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay quay vòng. Các cấp hội sâu sát cơ sở, hướng dẫn cách thức sử dụng vốn hiệu quả tận hộ vay, nhằm lan tỏa ý nghĩa nhân văn của tín dụng chính sách.

Tại hội nghị, Ngân hàng CSXH tỉnh được nhận Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; 6 tập thể, 10 cá nhân được nhận bằng khen của UBND tỉnh.

Chủ đề Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói