Lão nông xứ Cẩm làm giàu từ mô hình chăn nuôi tổng hợp

(Baohatinh.vn) - Mạnh dạn chăn nuôi nhiều loài như ếch, lươn, dê, gà…, ông Trần Văn Hiếu (xã Cẩm Thạch, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu.

Trước đây, ông Trần Văn Hiếu (SN 1968, trú tại thôn Na Trung, xã Cẩm Thạch) làm nghề mộc. Công việc chế tạo các sản phẩm từ gỗ đòi hỏi sự tỉ mỉ, vất vả, song đầu ra kém khiến ông Hiếu quyết tâm thay đổi nghề nghiệp, chuyển đổi sang mô hình chăn nuôi với hy vọng có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

bqbht_br_6.jpg
Từ nghề mộc, ông Trần Văn Hiếu chuyển sang chăn nuôi tổng hợp để phát triển kinh tế.

Năm 2020, sau khi tìm hiểu mô hình nuôi lươn không bùn trên mạng internet, ông Hiếu quyết định đầu tư xây dựng hệ thống bể, mua 4-5 tạ giống với giá 45 triệu đồng về thử nghiệm. Tuy nhiên, khi lươn vừa thả nuôi, miền Trung đối diện với trận lũ lịch sử, hơn 1/2 số lươn của ông Hiếu bị sốc nước, sốc nhiệt dẫn tới chết hàng loạt. Lần "khởi nghiệp" đầu tiên thất bại khiến ông Hiếu thua lỗ hơn 30 triệu đồng.

Không nản chí, năm 2021, ông Hiếu quyết định cải tạo hệ thống bể, đầu tư nuôi ếch thương phẩm. Ông Hiếu chia sẻ: “Đầu tháng 3/2021, tôi quyết định thả nuôi hơn 6.000 ếch giống. Ếch vốn là loài động vật dễ nuôi, không tốn nhiều diện tích, hạn chế được dịch bệnh, vì vậy, tôi đã xây dựng 8 bể với tổng diện tích hơn 50m2 để thả nuôi. Nhờ học hỏi được kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ bệnh nên ếch phát triển tốt. Đầu tháng 7/2021, tôi xuất bán lứa ếch đầu tiên với giá 70.000 đồng/kg, thu về gần 80 triệu đồng”.

bqbht_br_1.jpg
bqbht_br_8.jpg
Nuôi ếch thương phẩm và ếch giống giúp ông Hiếu có thu nhập khá.

Bên cạnh nuôi ếch thương phẩm, hằng năm, ông Hiếu còn mạnh dạn học hỏi thêm kỹ thuật sản xuất ếch giống. Nhờ đó, gia đình giảm thiểu được chi phí đầu vào, đồng thời, có thể cung cấp ếch giống cho nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên, các huyện lân cận với mức giá từ 1.500 – 2.000 đồng/con, thu về từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Đầu năm 2023, nhận thấy mô hình chăn nuôi có thể phát triển theo hướng đa dạng hơn, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, ông Hiếu quyết định nuôi thêm 2 cặp dê, hơn 50 con gà siêu trứng, gà thịt và 5 con lợn nái sinh sản.

Để tiết kiệm chi phí, ông Hiếu đầu tư hệ thống máy ép cám có giá 15 triệu đồng, sản xuất cám từ nguồn nguyên liệu tại chỗ như: cám gạo, ngô, cá, ốc… Bên cạnh đó, ông còn học hỏi thêm kỹ thuật ủ trứng, nuôi ấu trùng làm thức ăn trong chăn nuôi tuần hoàn; trồng cỏ làm thức ăn cho dê nhằm tiết kiệm chi phí.

bqbht_br_4.jpg
Bà Nguyễn Thị Thành - Vợ ông Hiếu chăm sóc đàn dê của gia đình.

Hiện tại, mô hình chăn nuôi của ông Hiếu đã được mở rộng với 12 con dê; 16 con lợn; gần 150 con gà siêu trứng, gà thịt; 2 bể lươn không bùn có diện tích khoảng 30m2, thả 1 vạn con giống; 8 bể ếch thương phẩm có diện tích khoảng 50m2, nuôi 6.000 - 7.000 con và đang trong quá trình thử nghiệm nuôi ốc bươu.

"Các sản phẩm chăn nuôi hầu hết được bán tại địa phương, có đơn vị đến thu mua tại nhà nên không phải lo lắng về đầu ra. Hằng năm, sau khi trừ các khoản chi phí, mô hình chăn nuôi tổng hợp giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 150 – 180 triệu đồng. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích vườn, xây thêm hệ thống bể để thử nghiệm nuôi cá lóc” – ông Hiếu cho biết.

bqbht_br_3.jpg
bqbht_br_5.jpg
Bể nuôi ốc bươu và lứa gà siêu trứng của gia đình ông Hiếu.

Ông Trần Văn Hiếu là một trong những nông dân điển hình trong sản xuất, chăn nuôi giỏi tại xã Cẩm Thạch. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của ông Hiếu không chỉ góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên địa bàn xã Cẩm Thạch hiện có 4 mô hình nuôi ếch, lươn; 10 mô hình phát triển kinh tế sườn đồi với các hạng mục như: chăn nuôi, thuỷ sản, trồng lâm nghiệp… Nhờ sự tích cực tăng gia sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế của người dân, xã Cẩm Thạch từng bước nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người: từ 49,44 triệu đồng (năm 2023) lên mức 55,01 triệu đồng (năm 2024). Thời gian tới, UBND xã tiếp tục hỗ trợ người dân về kỹ thuật chăn nuôi, tiếp cận nguồn vốn, từ đó nhân rộng những mô hình cho hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Thủy - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thạch

Video: Chăn nuôi tổng hợp giúp gia đình ông Hiếu có nguồn thu ổn định.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Điểm tựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi

Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây luôn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Người dân “vựa hành” đón tết kém vui

Với giá giảm gần 1 nửa so với năm ngoái, người dân xã Thiên Lộc (Can Lộc) - "vựa hành" lớn nhất của tỉnh Hà Tĩnh, thấp thỏm lo âu trước thềm tết Nguyên đán 2025.
Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo giá cao, dễ bán, ngư dân phấn khởi

Cá cháo đầu mùa được khách hàng ưa chuộng, giá bán cao giúp mang lại nguồn thu nhập khá cho ngư dân vùng biển Hà Tĩnh. Trừ chi phí, mỗi thuyền có thể thu hàng triệu đồng sau mỗi lần ra khơi.
Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Quất "Made in Hương Sơn" chờ ngày xuống phố

Nhờ được chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật nên vườn quất duy nhất ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) của gia đình anh Nguyễn Song Thao cho quả đẹp mắt, hứa hẹn sẽ đem về nguồn thu khá dịp tết Nguyên đán.
Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Nông dân Hà Tĩnh vào vụ gieo cấy lúa xuân

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân Hà Tĩnh bám đồng, đẩy nhanh tiến độ làm đất đợt cuối và bắt đầu xuống giống những trà lúa đầu tiên của vụ xuân 2025.
Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Khu dân cư kiểu mẫu - nền móng để xây dựng NTM ở Kỳ Anh

Là địa phương “đi sau” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nhưng huyện Kỳ Anh đã có nhiều cách làm sáng tạo. Trong đó, huyện đã tập trung chỉ đạo xây dựng thành công các khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn thông minh, coi đây là nền móng tạo sự lan toả, đưa phong trào xây dựng NTM của huyện phát triển vững chắc.