Nâng lãi suất cho vay nhà ở xã hội - giảm áp lực ngân sách Nhà nước

(Baohatinh.vn) - Không ít khách hàng Hà Tĩnh lo ngại khi lãi suất cho vay nhà ở xã hội tăng lên 6,6%/năm. Song, theo giới chuyên môn, mức lãi suất mới nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình cho vay, giảm gánh nặng ngân sách.

Nghị định số 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đã mang đến loạt thay đổi liên quan đến việc cho vay nhà ở xã hội. Một trong những thay đổi đáng chú ý là lãi suất cho vay được điều chỉnh theo mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo do Thủ tướng Chính phủ quy định trong từng thời kỳ. Điều này có nghĩa với lãi suất cho vay hộ nghèo hiện tại là 6,6%/năm, lãi suất cho vay nhà ở xã hội tại ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) đã tăng thêm 1,8% so với trước (từ 4,8%/năm lên 6,6%/năm).

img-5346-3623-7798.jpg
Nhiều người dân Hà Tĩnh có điều kiện xây dựng nhà mới nhờ nguồn vốn vay chương trình nhà ở xã hội.

Theo Ngân hàng CSXH Việt Nam, mức lãi suất cho vay chương trình nhà ở xã hội đã được cơ quan có thẩm quyền tổng kết, đánh giá, tính toán kỹ lưỡng nhằm đảm bảo cân đối, ổn định và dài hạn, với thời hạn vay lên đến 25 năm. Mức lãi suất mới này được điều chỉnh nhằm đảm bảo tính bền vững của chương trình cho vay và giảm tải gánh nặng ngân sách Nhà nước.

Tại Hà Tĩnh, không ít khách hàng băn khoăn về việc nâng lãi suất cho vay chương trình nhà ở xã hội, thậm chí có khách hàng quyết định trả nợ nước thời hạn.

Tại Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang, trong tháng 9 và tháng 10/2024 có 4 khách hàng trả nợ chương trình nhà ở xã hội trước thời hạn. Chị Trần Thị Tâm (thôn Kim Tùng, xã Quang Thọ) cho hay: “Gia đình tôi vay 300 triệu đồng chương trình nhà ở xã hội tại Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang để đầu tư xây dựng nhà ở với lãi suất 4,8%/năm. Từ ngày 1/8/2024, lãi suất cho vay chương trình này tăng lên 6,6%/năm khiến phát sinh thêm chi phí nên chúng tôi đã mượn tiền của người thân để trả nợ ngân hàng trước thời hạn”.

bqbht_br_79.jpg
Ngân hàng CSXH huyện Vũ Quang phối hợp đẩy mạnh truyền thông những điểm mới của chương trình cho vay nhà ở xã hội.

Trong khi không ít khách hàng băn khoăn, lo lắng về lãi suất chương trình nhà ở xã hội gia tăng, thậm chí có khách hàng vay ngân hàng thương mại để trả nợ ngân hàng CSXH trước thời hạn thì vẫn có nhiều khách hàng quyết định vay vốn chương trình nhà ở xã hội theo khung lãi suất mới.

Được biết, hiện nay, hạn mức cho vay tối đa của chương trình nhà ở xã hội là 1 tỷ đồng (trong khi trước đây là 500 triệu đồng), giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, có đủ nguồn lực để thực hiện ước mơ “an cư lạc nghiệp”.

Gia đình anh Dương Anh Vũ (xã Cẩm Thành) đang làm nhà ở và vừa được Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên chấp thuận cho vay 700 triệu đồng. Anh Vũ chia sẻ: “Là viên chức, thu nhập có hạn nên chúng tôi quyết định vay vốn chương trình nhà ở xã hội để xây nhà mới. Mặc dù từ 1/8/2024, lãi suất cho vay chương trình này đã tăng từ 4,8% lên 6,6%/năm nhưng chúng tôi vẫn quyết định vay vốn tại ngân hàng CSXH bởi khung thời gian vay dài (lên tới 25 năm) trong khi lãi suất cho vay cố định cả quá trình vay. Nhờ đó, chúng tôi yên tâm sắp xếp kế hoạch tài chính dài hạn để trả nợ gốc và lãi. Còn vay vốn ngân hàng thương mại, có thể giai đoạn đầu lãi suất thấp, song khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay biến động theo thị trường thì người vay cũng khá chật vật”.

bqbht_br_z5725665437082-ddc08d18ef5bb2c093d53ef656e5a451.jpg
Dư nợ chương trình nhà ở xã hội tại Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên hiện đạt gần 51 tỷ đồng.

Không riêng gia đình anh Dương Anh Vũ mà trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên đã có nhiều khách hàng tiếp cận vay vốn chương trình nhà ở xã hội từ sau ngày 1/8/2024. Theo đó, dư nợ chương trình này tại Ngân hàng CSXH huyện Cẩm Xuyên hiện đạt gần 51 tỷ đồng với 132 khách hàng đang phát sinh dư nợ.

Được biết, theo Nghị định Nghị định số 100/2024/NĐ-CP, từ 1/8/2024, điều kiện vay vốn đã được nới lỏng so với trước đây. Cụ thể, những người nộp thuế thu nhập cá nhân cũng được tiếp cận vay vốn chương trình nhà ở xã hội để đầu tư xây mới và sửa chữa nhà ở. Ngoài ra, nếu như trước đây chỉ hộ nghèo, cận nghèo ở khu vực đô thị được tiếp cận vốn vay nhà ở xã hội thì nay đối tượng hộ nghèo và hộ cận nghèo vùng nông thôn cũng được tiếp cận nguồn vốn. Theo đó, nhiều khách hàng phấn khởi tiếp cận chương trình tín dụng chính sách này.

Theo ông Phan Ngọc Vũ - Phó Trưởng phòng Kế hoạch - nghiệp vụ tín dụng, Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 7/11/2024, dư nợ cho vay chương trình nhà ở xã hội của chi nhánh đạt gần 624 tỷ đồng với hơn 1.771 khách hàng còn dư nợ. Chương trình tín dụng ý nghĩa này đã giúp hàng ngàn hộ dân trên địa bàn, nhất là những người có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn có đủ nguồn lực triển khai xây mới, sửa chữa nhà ở, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay chương trình nhà ở xã hội theo quy định gắn với kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay.

70-9441-3716.jpg
Tính đến 7/11/2024, dư nợ cho vay chương trình nhà ở xã hội của Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh đạt gần 624 tỷ đồng.

Ngày 26/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, quy định trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội, mức vốn vay tại Ngân hàng CSXH tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê nhà; trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thì mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án sử dụng vốn, tối đa không quá 1 tỷ đồng, có căn cứ suất vốn đầu tư xây dựng, đơn giá xây dựng nhà ở của cấp có thẩm quyền và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.

Đối tượng vay vốn là: người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ thuộc trường hợp được hỗ trợ cải thiện nhà ở theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn thuộc vùng thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; hộ gia đình nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người thu nhập thấp tại khu vực đô thị.

Ngoài ra, đối tượng còn là công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, công nhân công an, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng đang phục vụ tại ngũ; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước đang công tác; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức…

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.