Trẻ em khỏe mạnh khi mắc COVID-19 cũng có thể trở nặng, nguy kịch

Hai bé trai ở Hà Nội mắc COVID-19 mới 12-13 tuổi, tiền sử khỏe mạnh nhưng vào viện đã suy hô hấp, phải thở oxy.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 12 tuổi chiếm 0,25% tổng ca tử vong

Theo Bộ Y tế, tính từ đầu dịch COVID-19 đến ngày 10/2, Việt Nam đã ghi nhận hơn 2,4 triệu ca nhiễm SARS-CoV-2. 1,6% trong số này đã tử vong (tương đương khoảng 38.700 ca).

Trong báo cáo hồi giữa tháng 1/2021 của Bộ Y tế, tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi dưới 17 là 0,34% trong tổng số ca tử vong (tương đương khoảng 130 trẻ), trong đó tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ từ 0 - 2 tuổi là 0,19%, từ 3 - 12 tuổi là 0,06%, còn từ 13 - 17 tuổi là 0,09%.

Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, BS Nguyễn Thành Lê, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, trong số 30 bệnh nhi mắc COVID-19 đang điều trị tại cơ sở này có 4 ca diễn biến nặng phải thở oxy. Trong đó, có hai trường hợp có bệnh nền (ung thư máu), hai ca còn lại 12 - 13 tuổi ở Hà Nội, tiền sử khỏe mạnh nhưng vào viện đã suy hô hấp.

Trước đó, các trường hợp diễn biến nặng lên chủ yếu là các bé mắc bệnh lý nền nặng như thận mạn tính, ung thư, béo phì... Theo BS Lê, cứ 100 bệnh nhi COVID-19 thì có khoảng hai trường hợp tiền sử bình thường nhưng vẫn suy hô hấp, phải thở oxy.

Bệnh nhi COVID-19 điều trị ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương được chăm sóc đầy đủ. Ảnh: BSCC

Tại Đồng Nai, Bệnh viện Nhi đồng là tuyến y tế cao nhất tiếp nhận và điều trị bệnh nhi COVID-19 ở các mức độ. ThS.BS Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện - cho biết hiện số lượng bệnh nhi COVID-19 nhập viện mỗi ngày đã giảm rất mạnh (dưới 20 ca so với thời kỳ cao điểm hơn 300 ca). Bệnh nhân điều trị ở khoa Bệnh nhiệt đới (có triệu chứng nhẹ, trung bình).

Lúc cao điểm, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của viện này đã phải thành lập một khu vực riêng giành cho những bệnh nhi COVID-19 diễn biến nặng. Đã có ít nhất 3 bệnh nhi tử vong do bệnh quá nặng, trong đó có bệnh nhi 12 tuổi (nặng tới 74kg).

Khu vực chăm sóc, điều trị bệnh nhi mắc và nghi mắc COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thời kỳ cao điểm. Ảnh: TL

Theo các bác sĩ, số trẻ mắc COVID-19 nặng chưa quá nhiều nhưng biểu hiện bệnh lại khá đa dạng, khó xác định và không giống ở người lớn. Có trẻ không có triệu chứng đường hô hấp mà lại có triệu chứng ở não hay tim. Điều đáng lo ngại là phụ huynh không nghĩ trẻ bị nhiễm COVID-19 mà chỉ là cảm sốt thông thường hoặc các bệnh khác, nhất là những trẻ nhỏ có biểu hiện kích thích, vật vã, nôn ói chứ không khó thở hay các triệu chứng như ở người lớn. Do đó, các bậc phụ huynh dễ nhầm lẫn, bỏ sót và đưa con đến bệnh viện muộn.

“Khi chuyển biến bệnh nặng tổn thương đa cơ quan chứ không riêng tổn thương phổi mà có thể ở gan, thận thậm chí một số bé tổn thương ở não” - ThS.BS Trần Lê Duy Cường, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết. Thực tế, khoa này từng tiếp nhận và điều trị bé gái 34 tháng tuổi mắc COVID-19 bị viêm màng não, co giật phức tạp, phải lọc máu, thở máy.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): “Khi mắc COVID-19 dù ở lứa tuổi nào, bệnh cũng có các biểu hiện từ không có triệu chứng đến có triệu chứng, nhập viện, trở nặng, tử vong. Trẻ lứa tuổi 5-11 tuổi nếu tiêm vaccine COVID-19, khi nhiễm sẽ có ít triệu chứng, triệu chứng nhẹ hơn so với người lớn”

Hai nhiệm vụ quan trọng để hạn chế khả năng tăng nặng bệnh ở trẻ

Chia sẻ với những lo lắng gia tăng ca nhiễm ở trẻ của các bậc phụ huynh khi con em trở lại trường học trực tiếp, BS Nguyễn Trung Cấp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho hay tỷ lệ bệnh nhi mắc COVID-19 chuyển nặng chiếm phần rất nhỏ nhưng khi xảy ra tình huống số nhiễm lớn đột biến thì con số tuyệt đối sẽ trở thành lớn. Chưa kể, một vài hệ luỵ có thể xảy ra như vòng lây nhiễm khi trẻ có diễn biến nhẹ mang bệnh về lây cho người cao tuổi, nguy cơ cao, người nhỏ tuổi hơn, bệnh nền, phụ nữ mang thai… chưa tiêm vaccine.

Trong cuộc họp đầu tuần này, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - đề xuất Bộ Y tế có hướng dẫn điều trị riêng cho trẻ mắc COVID-19 theo “2 tầng” là tự theo dõi, chăm sóc tại nhà và khi phải nhập viện điều trị.

Lãnh đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng cho hay Bộ Y tế đang nhanh chóng cập nhật phác đồ điều trị cho học sinh nhiễm COVID-19 cho cơ sở y tế các tuyến từ Trung ương xuống đến địa phương, nhất là không được để xảy ra tình huống số ca nhiễm là học sinh tăng đột biến gây quá tải.

Theo BS Cấp, có hai nhiệm vụ quan trọng để hạn chế khả năng tăng nặng bệnh ở trẻ.

Thứ nhất, đảm bảo trẻ diễn biến nhẹ phải được chăm sóc đầy đủ ở tầng thấp, phát hiện sớm diễn biến nặng, lực lượng y tế cơ sở phải đảm nhiệm được. Điều này sẽ giúp giải quyết tình huống gia đình khi có trẻ thành F0 rất dễ lo lắng, lúng túng và nhu cầu đi bệnh viện trong khi điều đó không cần thiết với trẻ mắc nhẹ.

Thứ hai, việc nâng cao năng lực điều trị ca bệnh nặng rất cần thiết vì thực tế số bệnh nhi diến biến nặng ít nhưng số cơ sở hồi sức nhi nhỏ tuổi cũng rất ít. Vị chuyên gia này nhấn mạnh yêu cầu phải tăng cường đào tạo tập huấn, nâng cao năng lực điều trị nhi khoa, chuyển giao kỹ thuật.

“Hiện hồi sức nhi khoa còn hạn chế, chỉ rất ít nơi có thể làm kỹ thuật cao (như vận hành hệ thống ECMO – trao đổi oxy ngoài màng cơ thể) với bệnh nhân tuổi nhỏ (dưới 1 tuổi). Khi xảy ra tình huống tăng ca nặng nhưng bác sĩ chưa được nâng cao năng lực thì sẽ lúng túng” – BS Cấp phân tích.

Vị chuyên gia này cũng đề cập thực tế đã xảy ra ở một số quốc gia dù không bùng phát đột biến số ca nhiễm COVID-19 ở trẻ em nhưng xuất hiện tình huống trong gia đình có nhiều người mắc và diễn biến nặng khiến người lớn không chăm sóc được trẻ nhỏ, dẫn tới tình trạng trẻ em thiếu chăm sóc (ăn uống, phát hiện sớm diễn biến nặng) đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ chưa biết diễn đạt triệu chứng bệnh…

Các chuyên gia y khoa lưu ý, ngoài béo phì, nguy cơ chuyển nặng sẽ gia tăng với trẻ em mắc bệnh lý nền (tim mạch, đái tháo đường, ung thư…). Lãnh đạo Bộ Y tế đặt ra vấn đề tăng cường bảo vệ Bệnh viện Nhi, khoa Nhi (đặc biệt là nhóm sơ sinh) dù điều này không mới bởi khi COVID-19 tấn công mạnh vào đây sẽ không khác nhóm bệnh nhân thận nhân tạo, ung thư hay hồi sức cấp cứu… Hiện có rất ít cơ sở chăm sóc tốt cho nhóm sơ sinh đăc biệt là trẻ sơ sinh nặng. Điều này sẽ dồn áp lực lên các cơ sở chính như Bệnh viện Nhi Trung ương, Bạch Mai hay khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới...

Theo SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói