Trẻ em ít bị tổn thương trước COVID-19 ở thời kỳ đầu của đại dịch
Đầu năm ngoái, các bệnh viện nhi trên khắp thành phố New York phải tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân người lớn. Trong cuộc chiến này, các bệnh viện trước đây chỉ điều trị cho trẻ em thì lúc đó gấp rút tập huấn đào tạo để chuyển sang chăm sóc điều trị cho người lớn.
“Tất cả chúng tôi phải nhanh chóng học cách chăm sóc cho người lớn”, Betsy Herold, một BS chuyên khoa bệnh truyền nhiễm nhi đồng thời là người đứng đầu phòng thí nghiệm virus học tại Trường Y khoa Albert Einstein nói.
Trong khi các bệnh viện khác trên toàn thành phố đang hối hả với các bệnh nhân COVID-19 và các bệnh nhân mắc các bệnh lý khác, thì các khu điều trị nhi khoa rất vắng vẻ. Ở thời kỳ đầu của đại dịch, dường như trẻ em miễn nhiễm hơn so với người lớn.
Sau tỷ lệ nhiễm COVID-19 ở trẻ cực thấp tại New York, đầu mùa hè này, số trẻ em dương tính bắt đầu tăng lên. (Nguồn ảnh: Getty)
Dữ liệu do Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) thu thập từ các bệnh viện nhi trên toàn nước Mỹ cho thấy, người dưới 18 tuổi chỉ chiếm chưa tới 2% số ca nhập viện do mắc COVID-19 (tổng số khoảng 3.649 trẻ em từ tháng 3/2020 cho tới cuối tháng 8/2021). Một số trẻ em có chuyển biến nặng và có hơn 420 trẻ em tử vong do COVID-19 ở nước Mỹ. Tuy nhiên, phần đông những người mắc COVID-19 nặng là người lớn. Khuynh hướng này cũng tương tự ở nhiều nơi trên thế giới.
Điều này khiến cho virus SARS-CoV-2 trở nên rất dị thường. Đối với hầu hết các virus khác, từ cúm cho tới virus thể hợp bào gây bệnh lý đường hô hấp, trẻ em và người già thường là đối tượng điển hình bị tổn thương nhất.
Phản ứng miễn dịch bẩm sinh ở trẻ nhỏ khiến trẻ ít mắc COVID-19 hơn người lớn
Theo BS bệnh truyền nhiễm Kawsar Talaat, Trường Y tế công cộng Johns Hopkins Bloomberg ở Baltimore, Maryland: “Một trong những điểm may mắn trong đại dịch là trẻ em dường như ít mắc hơn”.
Hiện tượng này làm các nhà miễn dịch học ngạc nhiên. Đối với các loại virus khác, người lớn có lợi thế là đã từng làm quen. Thông qua việc từng mắc hay được tiêm phòng trước đó, hệ miễn dịch đã được rèn luyện để giải quyết với các mầm bệnh tương tự. Tuy nhiên, SARS-CoV-2 lại mang đặc tính mới lạ, và cho thấy hệ miễn dịch trẻ em có thể kiếm soát sự lây nhiễm virus một cách tự nhiên.
Nghiên cứu bắt đầu tiết lộ lý do tại sao trẻ em lại có thể miễn dịch trước COVID-19 tốt hơn. Nó nằm ở phản ứng miễn dịch bẩm sinh: phản ứng nhanh trước mầm bệnh, dù chưa từng tiếp xúc với mầm bệnh trước đó. Trẻ em dường như có phản ứng bẩm sinh mau lẹ “đến rồi đi” nhanh chóng, chuyên gia Herold cho biết. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để hậu thuẫn cho giả thuyết này.
Sự nổi lên của biến thể Delta đã khiến cho việc tìm ra lời giải ngày càng trở nên cấp thiết hơn. Báo cáo cho thấy ở Mỹ hay bất kể nơi đâu trên thế giới, tỷ lệ trẻ em nhiễm COVID-19 và nhập viện đã bắt đầu tăng lên. Xu hướng này có thể do tỷ lệ lây truyền cao hơn của biến thể Delta và do hiện nay nhiều người lớn đã bắt đầu được bảo vệ nhờ vaccine.
Hiện nay, vẫn chưa có bằng chứng rõ rệt là trẻ em tổn thương hơn hay bị ảnh hưởng hơn bởi biến thể Delta so với các biến thể trước đó. Nhưng SARS-CoV-2, giống như tất cả các virus khác, liên tục biến đổi và trở nên lợi hại hơn trong việc thâm nhập hàng rào miễn dịch bảo vệ của vật chủ. Đó là lý do tại sao việc hiểu rõ cơ chế phòng vệ ở trẻ em lại trở nên quan trọng hơn. “Chúng ta chưa từng chú ý tới sự khác biệt liên quan tới tuổi tác trong các phản ứng miễn dịch bởi chưa từng có các dấu hiệu lâm sàng đáng kể trước đó”, bác sĩ nhi khoa về mạch máu tại BV đa khoa Massachusetts ở Boston cho biết.
“Dịch COVID-19 đòi hỏi chúng ta phải hiểu rõ hơn về sự khác biệt này.”