Trợ giúp pháp lý để trẻ tránh nguy cơ bị xâm hại

(Baohatinh.vn) - Việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ pháp lý cho trẻ em của Trung tâm Trợ giúp pháp lý (TGPL) Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh không chỉ góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp trẻ được thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp mà còn tránh các nguy cơ bị xâm hại.

Số vụ xâm hại tình dục trẻ em tại Hà Tĩnh gia tăng qua các năm. (Ảnh minh họa).

Nhiều năm công tác tại Trung tâm TGPL, chị Trịnh Diệu Oanh từng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho rất nhiều trẻ em bị xâm hại. Trong đó, lần gần đây nhất là vụ án của cháu N.T.C.T (SN 2005, Thạch Hà).

Năm 2020, T. bị chính cha dượng (N.X.T, SN 1961) 5 lần thực hiện hành vi giao cấu dẫn đến có thai. Khi T. bước vào tháng thứ 6 của thai kỳ, gia đình em đã phát hiện và làm đơn tố cáo gã cha dượng mất nhân tính.

Ngay khi tiếp nhận đơn, trợ giúp viên pháp lý đã phối hợp cùng cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để thu thập thông tin, chứng cứ tài liệu và hoàn thiện bản luận cứ bảo vệ quyền, lợi ích cho người bị hại. Với kiến thức pháp lý vững vàng cùng sự tận tâm, trách nhiệm, chị Oanh cũng phân tích cho thân chủ và gia đình về những quy định của pháp luật đối với hành vi xâm hại trẻ em. Đồng thời, hướng dẫn cho người thân của T. về trình tự giải quyết vụ án theo luật định,

Cuối tháng 3/2021, TAND huyện Thạch Hà đã đưa bị cáo N.X.T (cha dượng T) ra xét xử với tội danh “Giao cấu với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”. Với chứng cứ, tài liệu thuyết phục của trợ giúp viên pháp lý, N.X.T đã phải cúi đầu nhận tội và bị tuyên án 54 tháng tù giam.

Ngày 16/3/2021, Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc ra quyết định truy nã Hoàng Bá Lan (SN 1964, trú tại thôn Đình Cương, xã Trung Lộc, huyện Can Lộc) về hành vi “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi”. (Ảnh: Anh Đức)

“Cháu T. chỉ là một trong rất nhiều trẻ em bị xâm hại trong thời gian vừa qua. Phần lớn những người xâm hại tình dục là nam giới và trẻ bị xâm hại bởi người quen biết, như họ hàng, bạn của gia đình, hoặc hàng xóm… Việc xâm hại này diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình nhằm dụ dỗ, đe doạ để thực hiện hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ.

Bị xâm hại không chỉ gây cho các em vết sẹo trên thân thể, mà còn khiến trẻ phải chịu những vết thương lớn về mặt tinh thần. Sau khi bị xâm hại, nạn nhân vì xấu hổ, mặc cảm, không dám kể lại với gia đình”, chị Trịnh Diệu Oanh trăn trở.

Các nữ trợ giúp viên pháp lý thảo luận về việc tham gia tố tụng đối với vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh đã thụ lý, thực hiện 540 vụ việc TGPL tham gia tố tụng, trong đó, các vụ việc xâm hại trẻ em là 32 vụ (chiếm 5,9% tổng số vụ tham gia tố tụng). Đáng lo ngại, trong số 32 vụ nói trên, có tới 75% (24 vụ) là xâm hại tình dục và con số này gia tăng qua các năm. Cụ thể, năm 2019, trung tâm thực hiện 3 vụ việc; năm 2020 thực hiện 12 vụ việc (tăng 9 vụ so với năm 2019); 6 tháng đầu năm 2021, thực hiện 9 vụ việc (tăng 3 vụ so với 6 tháng đầu năm 2020).

Độ tuổi trẻ em bị xâm hại dưới 13 tuổi đang có xu hướng tăng, chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2021, trung tâm đã trợ giúp pháp lý 6 vụ việc cho trẻ em bị xâm hại có độ tuổi dưới 13 (tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm 2020). Có khoảng 70% các vụ việc mà đối tượng xâm hại chủ yếu là người thân thích và người quen biết.

Trợ giúp viên pháp lý phát tờ rơi...

Để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em bị xâm hại, trung tâm đã chủ động nắm bắt các trường hợp thông qua phương tiện truyền thông, sự giới thiệu của các các cơ quan tố tụng và các nguồn thông tin khác. Từ đó, cử trợ giúp viên pháp lý dày dặn chuyên môn và am hiểu tâm lý trẻ em để tham gia trợ giúp.

Tại các chương trình trợ giúp pháp lý lưu động, ngoài việc giới thiệu các văn bản pháp luật như Công ước Quốc tế về quyền trẻ em; Luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em; Bộ luật Hình sự… trợ giúp viên còn trực tiếp tư vấn các quy định liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp cho trẻ em, người chưa thành niên.

...và tư vấn về các văn bản pháp luật liên quan đến quyền trẻ em cho những hộ gia đình có con, cháu trong độ tuổi vị thành niên (ảnh chụp tháng 5/2021).

Quyền Giám đốc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Trần Thanh Minh cho biết: “Để thực hiện tốt hơn nữa công tác TGPL cho trẻ em, chúng tôi tiếp tục tăng cường truyền thông về TGPL, tư vấn, hướng pháp luật tại cơ sở góp phần nâng cao nhận thức, phòng, chống xâm hại trẻ em cho người dân trên địa bàn tỉnh. Tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên cơ sở… nắm bắt số lượng, các hoạt động, sinh hoạt của trẻ em, đoàn viên, qua đó, có những giải pháp hỗ trợ tổ chức, gia đình, trẻ em phòng, chống bị xâm hại.

Tiếp tục phối hợp tích cực với người, cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp nhằm phát hiện, TGPL kịp thời bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em trong các vụ án. Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, các trang mạng xã hội để triển khai, thực hiện TGPL phù hợp với từng đối tượng là trẻ em.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL. Thu hút thêm luật sư ký hợp đồng thực hiện TGPL, nhất là luật sư nữ có kinh nghiệm tham gia tố tụng cho trẻ em bị xâm hại...”.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói