Trung Quốc xích lại gần Nga

Căng thẳng ngày càng tăng với phương Tây thúc đẩy Trung Quốc củng cố quan hệ với Nga, đặc biệt là về thương mại và năng lượng.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak hôm 29/11 cho biết Moskva và Bắc Kinh đang cùng làm việc để thiết lập hệ thống thanh toán riêng, tránh phụ thuộc hệ thống quốc tế SWIFT của phương Tây. “Những điều này giúp ngăn ngừa rủi ro, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi đồng ruble và nhân dân tệ trở thành tiền tệ dự trữ thế giới”, ông Novak nói.

Hồi tháng 9, tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để bắt đầu chuyển sang thanh toán khí đốt bằng đồng nhân dân tệ và ruble thay vì USD.

WSJ ngày 14/12 dẫn lời các cố vấn chính sách của Trung Quốc cho biết Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây đã chỉ đạo chính phủ tạo dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn với Nga. Kế hoạch này bao gồm tăng cường nhập khẩu dầu khí và nông sản Nga, thúc đẩy hợp tác năng lượng ở Bắc Cực và tăng đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng của Nga như đường sắt và cảng.

Giới quan sát cho rằng được là những nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh để xích lại gần hơn với Moskva trong bối cảnh quan hệ với phương Tây ngày càng căng thẳng. “Ông Tập đã và đang củng cố quan hệ của Trung Quốc với Nga. Mối quan hệ đó có thể trở nên thân thiết hơn”, Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, Mỹ, nói.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc từng tuyên bố Bắc Kinh và Moskva là “những đối tác chiến lược toàn diện của nhau. Quan hệ song phương được phát triển dựa trên các nguyên tắc không liên minh, không đối đầu và không nhắm vào bên thứ ba”.

Trung Quốc xích lại gần Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Samarkand, Uzbekistan hôm 16/9. Ảnh: Reuters .

Theo các quan chức phương Tây, quan hệ đối tác với Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng giúp Nga chống chọi loạt lệnh trừng phạt chưa từng có.

Nga và Trung Quốc từ lâu tìm cách giảm ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới. Mục tiêu này được chú trọng hơn trong những năm gần đây, khi hai nước ngày càng tự tin rằng họ có thể định hình lại trật tự quốc tế vốn có lợi cho phương Tây và đồng minh.

Mối quan hệ cá nhân giữa ông Tập với Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng giúp củng cố nỗ lực tăng cường quan hệ hai nước.

Năm 2013, trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước tới Nga, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập trên cương vị Chủ tịch Trung Quốc, ông Putin nhận xét rằng hai nước đang tạo dựng mối quan hệ đặc biệt. Hai lãnh đạo chia sẻ tầm nhìn tương đồng về chấn hưng đất nước.

“Tôi có cách nhìn tương tự ngài”, ông Tập nói với ông Putin trong chuyến thăm Moskva. Cả hai từ đó duy trì thói quen chúc mừng sinh nhật nhau.

Mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Nga trở nên sâu sắc hơn sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Việc Bắc Kinh từ chối tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga sau động thái này đã khiến một số lĩnh vực kinh doanh của Nga, trong đó có sản xuất năng lượng và nông sản, ngày càng phụ thuộc vào thị trường và hệ thống tài chính Trung Quốc.

Dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của ông Tập với Nga xuất hiện ngay sau khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ năm 2017. Trong thời gian tranh cử, ông Trump cam kết cải thiện quan hệ với Nga, khiến giới tinh hoa ở Bắc Kinh cảnh giác.

Cuộc chiến thương mại của ông Trump với Trung Quốc đã giúp đẩy quốc gia châu Á xích lại gần Nga hơn, theo các cố vấn chính sách ở Bắc Kinh. Khi cắt giảm mua đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ, Trung Quốc đã chuyển hướng nguồn cung sang Nga.

Thương mại Nga - Trung đã tăng từ 95,3 tỷ USD năm 2014 lên 146,9 tỷ USD vào năm ngoái, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc. Năm nay, giới quan sát dự đoán thương mại song phương sẽ đạt mức kỷ lục 200 tỷ USD.

Dầu thô chiếm một nửa tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc từ Nga và Moskva ngày càng phụ thuộc về các thiết bị điện tử từ Bắc Kinh. Trung Quốc trong những năm qua đã khẳng định họ là đối tác của Nga trong phát triển dầu khí ở Bắc Cực.

Vào cuối năm 2021, Bắc Kinh bắt đầu lên kế hoạch tiến hành hội nghị thượng đỉnh Trung - Nga ngay khi ông Putin nhận lời mời tham dự lễ khai mạc Olympic Mùa đông 2022 hồi tháng 2. Vào thời điểm đó, các quốc gia phương Tây như Mỹ, Anh và Canda đang thúc đẩy chiến dịch tẩy chay Olympic Bắc Kinh.

Những động thái này đã khiến Bắc Kinh phẫn nộ và thúc đẩy ông Tập đưa ra tuyên bố táo bạo rằng tình hữu nghị Nga - Trung là “không giới hạn”, nhằm phát đi thông điệp rằng hai nước kiên quyết đối đầu với những gì họ xem là mối đe dọa từ Mỹ, theo giới phân tích.

Nhưng chiến dịch quân sự Nga phát động ở Ukraine ngay sau cuộc gặp của ông Tập và ông Putin đã buộc Bắc Kinh phải lựa chọn đường lối ngoại giao khéo léo. Trong cuộc hội đàm trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden, ông Tập đã tìm cách khẳng định Trung Quốc không liên quan đến chiến dịch quân sự của Nga và ông không biết trước về kế hoạch của Moskva.

Sau khi xung đột Ukraine nổ ra, ông Tập đã tìm cách kiềm chế ngoại giao công khai với Nga để tránh gây phản ứng dữ dội của phương Tây, theo các nhà phân tích đối ngoại và cố vấn chính phủ ở Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc gần đây nói với các lãnh đạo thế giới rằng ông phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine.

Trung Quốc không lên án trực tiếp hay ủng hộ lệnh trừng phạt Nga, nhưng cũng không chuyển giao vũ khí hoặc hỗ trợ công khai cho chiến dịch quân sự của ông Putin ở Ukraine .

Chủ tịch Trung Quốc gặp lại ông Putin ở Uzbekistan hồi tháng 9 bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực, nơi bầu không khí có phần dịu hơn so với cuộc gặp “không giới hạn” hồi đầu năm. Khi cả hai thảo luận với nhau, lãnh đạo Nga đánh giá cao “lập trường cân bằng của những người bạn Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng Ukraine”. “Chúng tôi hiểu những câu hỏi và mối lo ngại của các bạn về vấn đề này”, ông Putin nói.

Trung Quốc xích lại gần Nga

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi với Thủ tướng Canada Justin Trudeau bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia. Ảnh: Reuters .

Trong cuộc trao đổi, ông Tập cam kết hợp tác với Nga để khôi phục sự ổn định. Tuy nhiên, lãnh đạo Trung Quốc cũng sử dụng cuộc gặp để bày tỏ sự không hài lòng của ông với chiến dịch quân sự kéo dài của Nga ở Ukraine, theo các cố vấn chính sách của Bắc Kinh.

Thông điệp này đặc biệt nhắm đến các đồng minh châu Âu của Mỹ. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh đang thảo luận với Berlin về chuyến thăm của Thủ tướng Olaf Scholz. Sau đó, trong cuộc gặp với ông Scholz ở Bắc Kinh, lãnh đạo Trung Quốc nói rõ ông phản đối “sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân” ở Ukraine.

Ông tái khẳng định lập trường này trong cuộc gặp với Tổng thống Biden bên lề hội nghị G20 tại Bali, Indonesia hồi giữa tháng 11, theo Nhà Trắng.

Tuy nhiên, thông tin chính thức từ Trung Quốc về cuộc họp không đề cập tới nội dung này, để tránh tạo cho ông Putin ấn tượng rằng hai lãnh đạo Mỹ - Trung đang bắt tay chống lại Nga, theo nguồn tin am hiểu vấn đề của Bắc Kinh.

Giới quan sát cho rằng lập trường phản đối vũ khí hạt nhân cho thấy ông Tập đang giữ ưu thế trong mối quan hệ với Nga. “Nó không thể hiện Trung Quốc đang từ bỏ Nga”, chuyên gia Yun Sun nói, “Nhưng ưu thế của Trung Quốc trong mối quan hệ này đang gia tăng”.

Theo WSJ/VNE

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.