Trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật - Phẩm chất hàng đầu của người làm báo

(Baohatinh.vn) - Trong những năm qua, cùng với báo chí cả nước, báo chí Hà Tĩnh đã có sự trưởng thành vượt bậc cả về quy mô và chất lượng đội ngũ, góp tiếng nói nhiệt thành và trung thực của mình vào sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh nhà.

trung thuc khach quan ton trong su that pham chat hang dau cua nguoi lam bao

Để phát huy vai trò của báo chí trong đời sống hiện đại, nhà báo phải giữ gìn phẩm giá và lương tâm nghề nghiệp.

Hà Tĩnh hiện có 7 cơ quan báo chí là Báo Hà Tĩnh, Đài PT-TH Hà Tĩnh, Tạp chí Hồng Lĩnh, Tạp chí Thông tin tư tưởng, Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh, Tạp chí Khoa học, Đặc san Hà Tĩnh - Người làm báo, có giấy phép thường xuyên của Bộ TT&TT còn 46 trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị đang hoạt động, 52 bản tin của các cấp, ngành, thành phố, huyện, thị có giấy phép của Sở VHTT (nay là Sở Thông tin - Truyền thông); 7 văn phòng đại diện, 13 phóng viên thường trú và 9 phóng viên có giấy giới thiệu của BBT các báo Trung ương và tỉnh bạn hoạt động trên địa bàn.

Toàn tỉnh hiện có gần 170 phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí được cấp thẻ nhà báo, 238 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Có thể tự hào khẳng định, báo chí Hà Tĩnh đã không ngừng lớn mạnh và trưởng thành cùng sự lớn mạnh của quê hương, đất nước, góp tiếng nói nhiệt thành và trung thực của mình vào việc đẩy nhanh sự phát triển toàn diện và bền vững của tỉnh nhà.

Bên cạnh việc đề cao điển hình, cổ vũ cái mới, đấu tranh cho cái mới thắng lợi, báo chí tỉnh nhà cũng đã dành một phần đáng kể cho chủ đề đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, các tệ nạn xã hội. Có thể nói, bằng tấm lòng vì nghĩa cả, cái tâm trong sáng của những người cầm bút, các nhà báo đã không nề hà gian khổ, thâm nhập thực tế để tạo nên những tác phẩm thấm đẫm hơi thở cuộc sống và có tính chiến đấu cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, có thể nhận thấy, những biến đổi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đang diễn ra ngày càng phức tạp và cho thấy dấu hiệu của sự tha hóa trong một bộ phận nhà báo Việt Nam. Đó là sự tha hóa về đạo đức nói chung và đạo đức nghề nghiệp nói riêng.

trung thuc khach quan ton trong su that pham chat hang dau cua nguoi lam bao

PV Báo Hà Tĩnh tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Hà Tĩnh và 10 năm thành lập TP Hà Tĩnh

Ngày 27/7/2014, Báo Lao động số 172 đăng tải bài: “Gặp người sống sót trong đơn vị của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc” của tác giả Giang Thùy Linh ghi lại lời kể của bà Trần Thị Bích Thao (SN 1942, quê xã Vĩnh Lộc, Can Lộc) hiện sống tại tỉnh Thái Nguyên, là cựu TNXP từng công tác tại Ngã ba Đồng Lộc. Nội dung của bài báo có nhiều chi tiết trái ngược so với những thông tin, cứ liệu lịch sử được công bố từ trước đến nay, gây thắc mắc trong các tầng lớp nhân dân cũng như sự bức xúc cho các cựu TNXP đã từng sống, chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc. Nhất là chi tiết chiều 24/7/1968, khi 10 nữ TNXP hy sinh thì người được tìm thấy sau cùng không phải Tiểu đội phó Hồ Thị Cúc mà là Tiểu đội trưởng Võ Thị Tần.

Trước những thông tin đó, BTV Tỉnh đoàn Hà Tĩnh phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức xác minh với sự tham dự của đông đảo các nhân chứng từng là cựu TNXP cùng Đại đội 552 và Tiểu đội 4 (thời điểm ngày 24/7/1968) sống và chiến đấu tại chiến trường Đồng Lộc. Các nhân chứng đã khẳng định những thông tin này hoàn toàn sai sự thật. Tỉnh đoàn cũng đã có cuộc làm việc tại Thái Nguyên với chính nhân vật trong bài báo, nhân vật đã thừa nhận nhiều thiếu sót, sai lệch trong trí nhớ của mình. Tuy nhiên, sau đó, Báo Lao động vẫn không có động thái cải chính và xin lỗi...

Ngày 11/5/2016, Ban Sản xuất các chương trình Giải trí (VTV) đã có công văn gửi UBND huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa và UBND xã Vĩnh Thành sau phóng sự “Cây chổi quét rau”. Phóng viên Phạm Thị Phương đã tự tìm hiểu đề tài bằng quan sát cá nhân thiếu sự kiểm chứng, vi phạm quy trình tác nghiệp báo chí, phản ánh không trung thực sự việc và có dàn dựng một số cảnh quay trong phóng sự. Đây là lỗi vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề báo.

Vừa qua, Tổng Biên tập báo Kinh doanh và Pháp luật cũng đã ra quyết định kỷ luật tạm dừng hoạt động 6 tháng đối với nhà báo Dương Chí Sỹ vì có hành vi dọa dẫm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vượng Lộc. Ông Dương Chí Sỹ đã gây áp lực, dọa dẫm Ban Giám hiệu nhà trường bằng việc kể về các bài báo đã viết hạ bệ người khác, nêu cách “viết báo theo tâm trạng cá nhân”, có ý dọa viết “không tốt”... để gây mất uy tín của nhà trường đối với tỉnh, huyện Can Lộc và nhân dân xã Vượng Lộc.

Thực tế trên cho thấy, không ít những người làm báo và một số cơ quan báo chí đã thiếu nghiêm khắc trong việc tuân thủ Luật Báo chí và 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp, coi nhẹ chức năng định hướng thông tin như là chức năng quan trọng hàng đầu của nền báo chí cách mạng... là những bài học đau xót và đầy cảnh tỉnh với bất cứ người làm báo nào.

Thực tế ấy càng khẳng định việc giữ gìn phẩm giá và lương tâm nghề nghiệp là một thử thách mà những người làm báo cần coi đó là một nguyên tắc tối thượng của việc hành nghề. Nền báo chí cách mạng của chúng ta là một nền báo chí nhân văn, dựa vững chắc trên nền tảng pháp luật và đạo đức. Chính vì vậy, trách nhiệm của người làm báo là phải đi đến cùng của sự thật, phải thông tin một cách khách quan, trung thực, không thiên vị và không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm cũng như lợi ích bên ngoài mà phải đặt lợi ích quốc gia và lợi ích của dân tộc lên trên hết.

Trong nỗ lực chung cho sự phát triển của báo chí tỉnh nhà và sự trưởng thành về kỹ năng chuyên môn, sự hoàn thiện về đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo, Hội Nhà báo Hà Tĩnh, các cơ quan báo chí, các hội viên cần phải đi sâu vào cuộc sống, đổi mới mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền để góp phần đổi mới tư duy, nhận thức. Qua đó, định vị rõ hơn về Hà Tĩnh (về lợi thế so sánh trong tương quan quốc gia và quốc tế, những mâu thuẫn, thách thức đang phải đối mặt và yếu kém, hạn chế) để từ đó cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đồng thuận cao hơn, đồng thời nêu bật, làm rõ, truyền tải được những vấn đề trọng tâm, đột phá mà Hà Tĩnh đang thực hiện trong lộ trình phát triển trước mắt và lâu dài.

Những nhiệm vụ chính trị cao cả và cũng là nhu cầu tự thân ấy của giới báo chí chỉ có thể hoàn thành khi người làm báo luôn coi sự trung thực, tôn trọng sự thật và tính chính trị cùng sự nhạy cảm nghề nghiệp như là một yêu cầu tối thượng và là kim chỉ nam cho hoạt động báo chí!

Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh

Đọc thêm

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11

Bỏ quy định ghi hình cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ; tăng trợ cấp quân nhân xuất ngũ; nới điều kiện xây trường là những chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 11.