Đảm bảo trường lớp an toàn
Tiếp nhận tinh thần chỉ đạo của tỉnh về việc tổ chức hoạt động dạy, học sau thời gian tạm nghỉ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các trường học đã huy động cán bộ, giáo viên gấp rút tổng vệ sinh trường lớp.
Đồ dùng bếp ăn bán trú ở Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) đã được sát khuẩn ở nhiệt độ 100 độ C
Sáng 13/2, tại Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh), 36 cán bộ, giáo viên, nhân viên đã đến trường bắt tay vào công việc dọn dẹp vệ sinh phòng học, phòng chức năng, nhà hiệu bộ, khuôn viên sân trường.
Phòng học được lau chùi sạch sẽ
Cô Tống Thị Thanh Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hà (TP Hà Tĩnh) cho biết: “Để đảm bảo trường, lớp sạch sẽ, an toàn, từ ngày 13/2 chúng tôi đã đến trường để triển khai các phần việc như: Lau chùi phòng học, bàn ghế, cầu thang bằng dung dịch sát khuẩn, vệ sinh bếp ăn bán trú và sát khuẩn các đồ dùng của bếp ăn trong lò hấp với nhiệt độ 100 độ C, hấp sấy và phơi phóng chăn ga, gối đệm cho các em. Phích đựng nước nóng ở các lớp cũng được chuẩn bị đầy đủ”.
Không khí khẩn trương ra quân vệ sinh trường lớp cũng hiện hữu tại 79 cơ sở giáo dục trong và ngoài công lập ở huyện Hương Sơn.
Chăn đệm cũng được hấp lại và phơi khô
Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn cho biết: “Trong đợt nghỉ tránh dịch 2 tuần, các trường học trên địa bàn vẫn tuân thủ việc trực hàng ngày để dọn dẹp vệ sinh, nắm bắt tình hình.
Việc tổng vệ sinh trường lớp, phun tiêu độc khử trùng được hoàn thành ngay từ tuần nghỉ học đầu tiên, nhưng để đón học sinh trở lại, từ ngày 13/2, các trường cũng đã đồng loạt ra quân tổng vệ sinh trường lớp".
Khi dịch bệnh được kiểm soát, thông báo về việc đi học trở lại của học sinh cũng khiến phụ huynh và các nhà trường yên tâm hơn.
Tuy nhiên, với tinh thần đặt việc phòng chống dịch lên hàng đầu, nên các trường học tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh.
Giáo viên Trường Mầm non Sơn Bằng (Hương Sơn) tổng vệ sinh trường lớp
"Nhà trường sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn học sinh thực hiện các biện pháp phòng chống dịch qua các giờ chào cờ, giờ lên lớp; in pano tuyên truyền về dịch bệnh và cách phòng chống dán vào bảng tin hoặc những nơi học sinh tập trung đông để tuyên truyền, nhắc nhở học sinh.
Thông qua file tuyên truyền phòng chống dịch bệnh do ngành y tế cung cấp, Phòng chỉ đạo các trường mở cho học sinh nghe vào 15 phút sinh hoạt đầu giờ trong mỗi buổi đến trường”. Thầy Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn cho biết thêm.
Giáo viên Trường THCS Sơn Kim (Hương Sơn) tập trung dọn dẹp khuôn viên trường
Tại thị xã Kỳ Anh, ngoài việc thông báo cho phụ huynh về lịch học để các bậc làm cha mẹ chuẩn bị tâm lý, hành trang cho con trở lại trường, công tác dọn vệ sinh cũng là hoạt động được các trường quan tâm đầu tiên.
Các điểm Trường Mầm non ở Kỳ Thịnh (TX Kỳ Anh) thu gom đồ chơi ...
Cô Lê Thị Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Thịnh cho biết: “Trường chúng tôi có trên 400 học sinh nhưng có tới 3 điểm trường nên khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho các cháu, tất cả cán bộ, giáo viên đều cố gắng hết mình”.
... vệ sinh sạch sẽ để chuẩn bị đón các bé vào ngày 17/2 sắp tới
Chủ động việc dạy, học bù
Thầy Nguyễn Quốc Anh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Sở GD&ĐT đã có công văn gửi đến các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh nhắc nhở các nhà trường vệ sinh sạch sẽ trường lớp, tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch bệnh và khẩn trương lên kế hoạch dạy, học bù cho học sinh ở các cấp”.
Nhiều trường học ở Hương Sơn dán pano tuyên truyền phòng chống dịch cúm ở các bảng tin để nhắc nhở học sinh
Theo đó, ở cấp tiểu học, các trường căn cứ số ngày đã tạm nghỉ để tính số tiết cần dạy học bù. Cụ thể ở lớp 1 là 40 tiết; lớp 2, 3 là 42 tiết; lớp 4,5 là 46 tiết. Các trường sẽ tổ chức dạy học chính khóa theo kế hoạch giáo dục cấp tiểu học trong cả 2 buổi/ngày (10 buổi/tuần) từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
Đối với các trường có tổ chức dạy học Tin học và Tiếng Anh thì tổ chức dạy bù thêm vào sáng thứ bảy hàng tuần. Việc tổ chức dạy, học bù phải hoàn thành khi hết tuần thứ 27 theo phân phối chương trình để trở lại thời khóa biểu bình thường đã xây dựng từ đầu năm học.
Các trường học chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy thêm, học thêm và các hoạt động khác để ưu tiên dành thời gian cho việc dạy học bù
Đối với bậc THCS, THPT và giáo dục thường xuyên cấp THPT, kế hoạch dạy học bù phải phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, mỗi tuần dạy từ 1 đến 2 buổi chiều (đối với trường học 1 ca) hoặc dạy vào ngày chủ nhật (đối với trường học 2 ca).
Mỗi buổi dạy học bù không quá 4 tiết, nếu tổ chức vào buổi chiều trong một ngày, với một môn học, dạy học không quá 3 tiết (đối với các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) và không quá 2 tiết (đối với các môn còn lại).
Cũng trên tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường cần chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy thêm, học thêm và các hoạt động khác để ưu tiên dành thời gian cho việc dạy học bù, tuyệt đối không được cắt xén chương trình, nội dung dạy học.
Việc tổ chức dạy học bù ở bậc bậc THCS, THPT và giáo dục thường xuyên cấp THPT phải hoàn thành khi hết tuần thứ 28 để trở lại thời khóa biểu bình thường theo phân phối chương trình.