Từ 1 con đến 3 con: Trung Quốc đã đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình ra sao?

Sau 36 năm theo đuổi "chính sách một con" để tránh bùng nổ dân số, năm 2015, Trung Quốc cho phép mỗi cặp vợ chồng sinh con thứ 2. Và mới đây, quốc gia này lại khuyến khích các gia đình sinh con thứ 3 do phải đối mặt hàng loạt thách thức nhãn tiền.

Sau dấu mốc ngày 31/5, mỗi cặp vợ chồng ở Trung Quốc chính thức được phép sinh con thứ 3. Theo tờ New York Times, động thái này là một nỗ lực của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn một cuộc khủng hoảng đang rình rập khi tỷ lệ sinh ở quốc gia đông dân nhất thế giới này liên tục giảm và lực lượng lao động ngày càng già hóa.

Nhìn lại các dấu mốc quan trọng

Năm 1978, sau khi tiến hành chính sách Cách mạng Văn hóa và Đại nhảy vọt, Trung Quốc tìm mọi cách để làm chậm tốc độ gia tăng dân số, khi đó đã gần 1 tỷ người. Chính phủ đã chấp thuận một đề xuất trong đó quy định các văn phòng kế hoạch hóa gia đình khuyến khích những cặp vợ chồng nên có một con, nhiều nhất là hai con. Một số địa phương đã tiến xa hơn và bắt đầu thực thi quy tắc “một con”.

Từ 1 con đến 3 con: Trung Quốc đã đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình ra sao?

Ước tính dân số của Trung Quốc sẽ đạt mức đỉnh điểm 1,442 tỷ người trong năm 2029 và sau đó sẽ giảm dần. Ảnh: NY Times

Năm 1979, sau hội nghị toàn quốc, các quan chức phụ trách kế hoạch hóa gia đình đề xuất rằng các cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con. Phương tiện truyền thông nhà nước bắt đầu tuyên truyền ý tưởng này. Nhiều tỉnh thành ở Trung Quốc đã thử nghiệm các biện pháp hạn chế gia tăng dân số, trong đó có cung cấp thêm khẩu phần lương thực cho các cặp vợ chồng ở tỉnh Tứ Xuyên ký cam kết chỉ sinh một con.

Năm 1980, nhằm kiểm soát gia tăng dân số bằng 0 vào năm 2000, chính sách một con chính thức có hiệu lực trên cả nước, chỉ ngoại lệ đối với người dân tộc thiểu số và các hộ gia đình ở nông thôn. 38 triệu đảng viên ở Trung Quốc cũng được yêu cầu thực hiện nghiêm túc chính sách này.

Năm 1982, Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua hiến pháp mới lần đầu tiên coi việc kiểm soát sinh sản là nghĩa vụ của mọi công dân Trung Quốc.

Năm 2003, tại tỉnh Quảng Tây - nơi các quy định về kế hoạch hóa gia đình được thực thi nghiêm ngặt - các ông bố, bà mẹ vì cố gắng sinh con trai mà đem bán con gái của họ ngoài “chợ đen”. Theo một nhà nghiên cứu ở Trung Quốc, tại thời điểm đó, 80% trẻ em bị buôn bán là trẻ em gái.

Năm 2008, giới chức Trung Quốc thông báo bắt đầu nghiên cứu xóa bỏ chính sách một con ở nước này, song không quên lưu ý rằng mọi thay đổi sẽ diễn ra dần dần cũng như vẫn duy trì chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Năm 2014, Chính phủ Trung Quốc nới lỏng chính sách gây tranh cãi này khi cho phép các đôi vợ chồng sinh thêm con thứ hai nếu như vợ hoặc chồng là con một.

Năm 2015, Bắc Kinh chính thức dừng thực hiện chính sách một con với tuyên bố rằng mọi đôi vợ chồng đều được sinh hai con. Đây là một nỗ lực để nhằm đảo ngược tốc độ già hóa nhanh của lực lượng lao động.

Năm 2020, giới học giả Trung Quốc cảnh báo các nhà lãnh đạo quốc gia rằng những biện pháp kế hoạch hóa gia đình nghiêm khắc suốt nhiều thập kỷ qua đã dẫn đến sự suy giảm nhanh chóng về gia tăng dân số, tạo tiền đề cho các cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, đè nặng nền kinh tế, thậm chí cả chính trị trong tương lai gần.

Giới chuyên môn khẳng định rằng tỷ lệ sinh giảm và tuổi thọ tăng lên đồng nghĩa với việc sẽ sớm xảy ra tình trạng thiếu hụt người lao động để hỗ trợ một nền dân số khổng lồ và đang già đi như hiện nay.

Năm 2021, Bộ Chính trị - cơ quan hoạch định chính sách hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc – ra thông báo cho phép tất cả các cặp vợ chồng Trung Quốc sinh thêm con thứ ba, do chính sách hai con không đủ để vực dậy tỷ lệ sinh ở nước này.

Tuyên bố trên được đưa ra vài tuần sau khi dữ liệu điều tra dân số cho thấy quốc gia châu Á này chỉ có 12 triệu ca sinh vào năm 2020, tức thấp nhất kể từ năm 1961. Bắc Kinh hy vọng rằng chính sách kế hoạch hóa gia đìnhh mới sẽ giúp cải thiện cơ cấu dân số và giúp thực hiện chiến lược quốc gia nhằm chủ động ứng phó với dân số già.

Chính sách mới có tháo gỡ vấn đề?

Khuyến người dân sinh con thứ ba là một bước ngoặt lớn đối với Trung Quốc, khi họ mới chỉ nới lỏng chính sách một con cách đây 6 năm. Đi cùng với chính sách mới này là khối áp lực khổng lồ về lực lượng lao động và tăng trưởng kinh tế.

Dữ liệu điều tra dân số gần đây cho thấy số người từ 15 đến 59 tuổi ở Trung Quốc đã giảm xuống dưới 900 triệu người, tức khoảng 63% dân số vào năm 2020 - giảm khoảng 7 điểm phần trăm so với một thập kỷ trước đó.

Từ 1 con đến 3 con: Trung Quốc đã đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình ra sao?

Một người đàn ông chơi cùng các cháu ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Yue Su, nhà kinh tế học tại Economist Intelligence Unit ở London, cho rằng lợi tức dân số từng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Trung Quốc những thập kỷ gần đây sẽ nhanh chóng tiêu tan. Khái niệm lợi tức dân số đề cập đến sự tăng trưởng trong một nền kinh tế là kết quả của sự thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số một quốc gia. Ví dụ, khi tỉ lệ sinh vẫn cao ở nhiều nước, đặc biệt là ở các nước kém phát triển, các quốc gia này hiếm khi được hưởng một lợi ích kinh tế được gọi là lợi tức dân số.

Kênh CNN đưa tin tình trạng này có thể gây ra rắc rối đối với các mục tiêu chính sách kinh tế lớn mà Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra. Ông đã đặt ra tham vọng tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi vào năm 2035.

Và trong khi một số nhà quan sát dự báo Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này, thực tế vẫn tồn tại một khoảng cách lớn để thu hẹp về mức độ thịnh vượng giữa hai cường quốc này. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP bình quân đầu người của Trung Quốc ở mức 17.000 USD còn ở Mỹ là 63.000 USD.

Cách đây hơn 40 năm, Trung Quốc đã đưa ra chính sách một con để giải quyết tình trạng quá tải dân số và xóa đói giảm nghèo. Nhưng khi dân số già đi, Bắc Kinh bắt đầu nới lỏng các chính sách. Các chuyên gia nhận xét rằng nếu chỉ đơn thuần là thông báo người dân được phép sinh thêm con thì không đủ để giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học. Tỷ lệ sinh năm 2020 của Trung Quốc giảm gần 15% so với cùng kỳ năm trước. Không ít người chỉ ra rằng chi phí sinh hoạt tăng chính là một yếu tố cản trở các gia đình sinh thêm con.

Cộng đồng mạng Trung Quốc lại tỏ ra không mấy hào hứng sau thông báo mang tính bước ngoặt hôm 31/5. Lý do không muốn sinh con thứ ba - hoặc bất kỳ đứa con nào - là một trong những chủ đề thịnh hành nhất trên Weibo, một nền tảng truyền thông xã hội giống Twitter ở Trung Quốc.

“Chủ yếu là do tôi cảm thấy mệt mỏi. Làm thế nào tôi có thể đủ khả năng để chu toàn cho một đứa con khi áp lực cuộc sống quá cao?”, một người dùng Weibo viết.

Hãng thông tấn Tân hoa đã mở khảo sát trực tuyến trên Weibo để hỏi người dùng liệu họ đã sẵn sàng sinh con thứ ba hay chưa. Cuộc khảo sát đã thu hút trên 30.000 phản hồi trong vòng nửa giờ, hơn 90% trong số đó bình chọn “hoàn toàn không nghĩ đến”. Sau đó, cuộc khảo sát này đã bị gỡ bỏ.

Theo Hoàng Trang/Báo Tin tức

Đọc thêm

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Đảng cầm quyền Hàn Quốc trước nguy cơ phân rã

Sau khi Quốc hội Hàn Quốc ngày 14/12 thông qua dự luật luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol do ông đã ban bố thiết quân luật đêm 3/12, nhiều nhà lãnh đạo của đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền đã nộp đơn từ chức, trong khi sự chia rẽ nội bộ giữa những người ủng hộ và phản đối việc luận tội Tổng thống Yoon có xu hướng ngày càng gia tăng, khiến PPP đứng trước nguy cơ bị phân rã.
Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Bệnh lạ khiến 31 người tử vong tại CHDC Congo

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 24/10 đến ngày 5/12, CHDC Congo ghi nhận 406 ca mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân với các triệu chứng như sốt, đau đầu, ho, sổ mũi và đau nhức cơ bắp.