Tiếp tục Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, chiều 14/2, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên; Chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận Tổ 16 gồm ĐBQH các tỉnh: Yên Bái, Cà Mau, Lâm Đồng, Hà Tĩnh.
![Đồng chí Hoàng Trung Dũng - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh điều hành phiên thảo luận. bqbht_br_112qh.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/e905ac980117269bfad503b7b4a163ce952f72579c8bdd31d0c1331ef0462fd24bbb10c170c13403ade854b3df1de62f/bht_brd_112qh.jpg)
Tham gia phát biểu về Đề án bổ sung phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8%, các ĐBQH đoàn Hà Tĩnh tán thành với sự cần thiết đối với việc ban hành đề án. Đại biểu cho rằng, các đột phá chiến lược được triển khai với tinh thần đổi mới sáng tạo, sự quyết tâm cao độ. Cùng với việc xác định tư duy chiến lược, tầm nhìn phát triển trong kỷ nguyên mới, cần thống nhất cao về nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt và vượt mục tiêu đề ra.
Về chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đại biểu trong tổ đã thảo luận về sự cần thiết, phù hợp của dự án với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan; phạm vi, quy mô đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ; phương án đầu tư và hiệu quả; nguồn vốn, tiến độ thực hiện, các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để triển khai đầu tư.
Đối với cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, các đại biểu trong tổ đã thảo luận về các nội dung huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho TP Hồ Chí Minh.
![Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh phát biểu thảo luận. bqbht_br_111qh.jpg](https://cdn.baohatinh.vn/images/e905ac980117269bfad503b7b4a163ce952f72579c8bdd31d0c1331ef0462fd23a06fc8aec55e34fc7fe01d3e3380644/bht_brd_111qh.jpg)
Phát biểu thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Ủy viên chuyên trách, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh cơ bản thống nhất với mục tiêu, yêu cầu, kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 trong tờ trình, báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra, đại biểu đề xuất cần làm rõ các nội dung, chính sách tác động trực tiếp và làm thay đổi cục diện chỉ tiêu tăng trưởng, không nêu các chỉ tiêu đồng loạt và không có tác động trực tiếp.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ băn khoăn trước áp lực lạm phát hiện nay, việc điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4,5 - 5% cần cân nhắc; đồng thời, có các giải pháp kiểm soát lạm phát phù hợp với mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp cụ thể liên quan đến thị trường tài chính, chính sách tài khóa... Đồng thời, đề xuất cần rà soát tổng thể để cân đối cụ thể, đảm bảo triển khai đúng tiến độ, hiệu quả những dự án trọng điểm sử dụng nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ, ODA, nguồn tăng thu tiết kiệm chi.