Từ truyền thống cha ông…
Từ xưa, Đức Thọ đã được mệnh danh là vùng “địa linh nhân kiệt”, quê hương của nhiều bậc hiền tài. Trong thời kỳ phong kiến, Đức Thọ có 39 vị khoa bảng (tiến sỹ) với những dòng họ nổi tiếng như: Lê Văn, Hoàng Xuân, Phan Đình, Hà Học... và các làng quê giàu truyền thống văn hóa hiếu học như: Yên Hồ, Đông Thái, Trung Lễ, Bùi Xá...
Làng khoa bảng Đông Thái, xã Tùng Ảnh (Ảnh: Thu Hà)
Khi nhắc đến xã Tùng Ảnh sẽ gợi nhớ ngay về làng quê với hơn 1.000 giáo sư, tiến sỹ qua các triều đại. Trong đó, làng Đông Thái nổi tiếng là một trong 20 ngôi làng của cả nước được phong danh hiệu “làng khoa bảng”. Ta không thể quên những danh nhân nổi tiếng như: nhà lãnh đạo phong trào Cần Vương - Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, nhà văn hóa Bùi Dương Lịch, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - đồng chí Trần Phú…
Tiếp nối các bậc tiền nhân, thầy và trò Đức Thọ hôm nay đang ra sức giảng dạy, học tập, nghiên cứu và sáng tạo để làm dày thêm thương hiệu “giáo dục tốp đầu của Hà Tĩnh”
Làng Yên Hồ cũng có những đặc trưng riêng biệt. Thời phong kiến, Hà Tĩnh có 4 vị trạng nguyên thì Đức Thọ đã có 2 vị là Đào Tiêu và Đoàn Nguyên Lợi đều quê ở Yên Hồ.
Tiếp nối các bậc tiền nhân, thầy và trò Đức Thọ hôm nay đang ra sức giảng dạy, học tập, nghiên cứu và sáng tạo để làm dày thêm thương hiệu “giáo dục tốp đầu của Hà Tĩnh”.
… đến bảng vàng thành tích hôm nay
61 năm hình thành và phát triển, Trường THPT Trần Phú đã trở thành cái nôi đào tạo chất lượng cao. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, nhà trường luôn “ghi điểm” với tỷ lệ học sinh giỏi (HSG) tỉnh, HSG quốc gia. Tỷ lệ HS đậu thủ khoa các trường đại học, tỷ lệ HS thi đại học đạt 25 điểm trở lên luôn đứng tốp đầu của Hà Tĩnh. Từ môi trường giáo dục này, nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành và làm rạng danh quê hương Đức Thọ nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.
Trường THPT Trần Phú kỷ niệm 60 năm ngày thành lập (Ảnh tư liệu)
Không chỉ bậc THPT ghi dấu ấn mà trong nhiệm kỳ qua, ngành GD&ĐT Đức Thọ vinh dự được đón nhận cờ dẫn đầu của cả 3 cấp học. Thầy Trịnh Hồng Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện thông tin: “Nhiều năm liên tục, các trường: THCS Hoàng Xuân Hãn, Tiểu học thị trấn Đức Thọ, Mầm non Yên Hồ… đã vượt qua hàng trăm trường học, trở thành đơn vị dẫn đầu bậc học trong tỉnh. Giai đoạn 2015 - 2020, huyện có 65 HS đạt giải quốc gia, gần 1.500 HSG tỉnh. Với thành tích ấn tượng này, Đức Thọ là một trong những địa phương có tỷ lệ HSG quốc gia, HSG tỉnh cao nhất Hà Tĩnh”.
Trường Tiểu học Thị trấn Đức Thọ nhiều năm liền nhận cờ thi đua dẫn đầu khối tiểu học toàn tỉnh
Chia sẻ về thành tích vẻ vang của nhà trường, cô Thái Thị Vân Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Đức Thọ tự hào: “Là đơn vị đầu tiên của Hà Tĩnh đưa chương trình giáo dục STEM (chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng giáo dục HS theo 4 chuyên ngành cụ thể: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên ngành và ứng dụng) vào giảng dạy, nhà trường đã xây dựng kế hoạch toàn diện, có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên và chất lượng giáo dục ở các khối lớp. Trong đó, đề cao vai trò dạy - học thực chất; chú trọng phát hiện, bồi dưỡng HS năng khiếu. Nhiều năm liền, trường vinh dự nhận cờ thi đua dẫn đầu khối tiểu học toàn tỉnh. Đơn vị cũng đã được tặng cờ thi đua của Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Nhì và đang đề nghị trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất”.
Huyện Đức Thọ quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Đức Thọ cũng đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng đồng bộ, hiện đại. Năm 2012, huyện đã có “cuộc cách mạng” sáp nhập trường học với việc giảm 14 trường. Cùng với lộ trình sáp nhập xã, năm học 2019 - 2020, 66 trường sáp nhập còn 58 trường.
Thầy Trịnh Hồng Mạnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện phấn khởi: “Đức Thọ là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án sắp xếp hệ thống trường THPT tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo theo Nghị quyết số 96/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 của HĐND tỉnh. Mục tiêu tỉnh đặt ra đến năm 2021 là phấn đấu giảm khoảng 10% trường mầm non và phổ thông công lập, trong khi đó, năm 2019 tỷ lệ này ở Đức Thọ đã đạt 12,12%. Nhờ làm tốt công tác tổ chức nên việc sáp nhập đã tạo được sự đồng thuận cao. Việc quy hoạch lại mạng lưới trường lớp đã xóa bỏ những điểm trường nhỏ lẻ, tạo điều kiện thuận lợi đầu tư cơ sở vật chất, đưa tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt trên 95%. Ngoài ra, sáp nhập trường cũng là bài toán giúp nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và chất lượng đào tạo”.