Tập đoàn năng lượng Nga Gazprom hôm nay xác nhận dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 đến châu Âu bị ngừng từ 31/8 đến 3/9 để bảo trì, khiến châu Âu một lần nữa phải suy đoán liệu đường ống có khởi động lại hay không, khi mùa đông cận kề và nhu cầu về nhiên liệu tăng.
Với mức tiêu thụ giảm trong năm nay, châu Âu đang trên đà đảm bảo đủ lượng khí đốt trong mùa đông này, tránh nguy cơ phải phân bổ khí đốt theo định mức. Tuy nhiên, chính phủ các nước châu Âu đối mặt nhiều khó khăn để đảm bảo nguồn cung cho năm tới và những năm sau đó, bất chấp nỗ lực tìm kiếm các khí đốt thay thế từ Mỹ, Canada và Qatar.
Ngay cả khi Nord Stream 1 mở lại vào ngày 3/9 như cam kết của Gazprom, rất ít chính trị gia và nhà kinh tế phương Tây cho rằng châu Âu sẽ nhận đủ lượng khí đốt của Nga vào năm tới, khi cuộc đối đầu kinh tế giữa hai bên ngày càng tăng.
Gazprom cũng tuyên bố sẽ giảm nguồn cung khí đốt cho tập đoàn năng lượng Engie của Pháp vì tranh cãi về hợp đồng, từ mức 17% tổng nguồn cung hàng năm cho công ty xuống còn dưới 4%.
Hệ thống van tại dàn khai thác thuộc mỏ khí đốt Bovanenkovo, Nga tháng 5/2019. Ảnh: Reuters.
Đường ống dẫn khí đốt từ các khu vực khác ngoài Nga đang hoạt động hết công suất, khiến châu Âu phải phụ thuộc vào nguồn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mua từ những nguồn xa xôi hơn. Nhiều nhà quan sát cho rằng nỗ lực này là chưa đủ, cảnh báo rằng châu Âu có thể phải thời kỳ ảm đạm về khí đốt trong thời gian dài.
Châu Âu sẽ phải trải qua giai đoạn khó khăn trong 5-10 năm, Thủ tướng Bỉ Alexandre de Croo, một trong những nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn của châu lục, cảnh báo.
Các nhà sản xuất khí đốt ở xa như Qatar hay Mỹ cần ít nhất hai năm để tăng sản lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của châu Âu. Do nhiều quốc gia châu Âu đặt mục tiêu cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, họ đã ngần ngại ký hợp đồng mua LNG dài hạn với các nhà sản xuất này.
Một số quốc gia giàu khí đốt như Canada không thể tăng sản lượng do luật biến đổi khí hậu hạn chế phát thải CO2, trong đó có lệnh cấm xây dựng các cơ sở sản xuất mới ở Qebec, nơi có trữ lượng khí đốt lớn.
Trong ngắn hạn, châu Âu phải mua LNG trên thị trường giao ngay để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt, chủ yếu là từ đối tác châu Á, vốn đã ký thỏa thuận dài hạn với các nhà sản xuất Mỹ và bán lại những lô hàng đó cho châu Âu, nơi giá khí đốt đang tăng vọt.
“Trong 6 tháng qua, châu Âu đã trở thành điểm nóng về nhu cầu khí đốt”, James Huckstepp, nhà phân tích tại S&P Global Commodity Insights, cho hay.
Dù châu Âu có thể không cạn kiệt khí đốt trong tương lai, các chuyên gia lo ngại giá năng lượng cao duy trì trong thời gian dài sẽ thách thức ổn định chính trị và khả năng phục hồi kinh tế của khu vực.
Helen Thompson, giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Cambridge, cho biết cú sốc năng lượng đã cho thấy châu Âu phụ thuộc vào năng lượng Nga nhiều như thế nào trong những thập kỷ qua.
“Những khó khăn này không phải bất ngờ xuất hiện, mà chỉ là những nhà chính trị phương Tây đang chạy đua tìm nguồn năng lượng ngoài Nga giờ nhận ra họ thiếu hụt nguồn cung LNG hoặc dầu”, bà nói.
Các quốc gia EU đang thảo luận những đề xuất về trần giá điện của khối. Một số cũng xem xét lại luật môi trường, từng buộc nhiều nhà máy điện hạt nhân đóng cửa và yêu cầu cắt giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch như dầu, than đá.
Đức cho biết sẽ khởi động lại các nhà máy điện than vào mùa đông để giảm nhu cầu khí đốt và đang xem xét lại quyết định đóng cửa ba nhà máy hạt nhân cuối cùng vào năm 2022. Tuy nhiên, Berlin vẫn chưa bỏ luật chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2040, làm phức tạp thêm nỗ lực đảm bảo nguồn cung LNG từ Qatar, nơi yêu cầu khách hàng ký các hợp đồng kéo dài nhiều thập kỷ.
Do đó, Berlin có thể gặp nhiều khó khăn để làm đầy các kho chứa khí đốt sau mùa đông này, theo Sigmar Gabriel, cựu bộ trưởng kinh tế Đức.
Kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát cuối tháng 2, Energie Baden-Württemberg AG (EnBW) là công ty năng lượng duy nhất của Đức ký hợp đồng LNG với đối tác Mỹ. Một người phát ngôn của EnBW cho biết giống nhiều nhà nhập khẩu khí đốt khác của Đức, công ty phải chuyển hướng tập trung vào LNG.
Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu. Đồ họa: Reuters.
Dù châu Âu có thể dễ dàng vượt qua các quốc gia nghèo hơn để cạnh tranh mua khí đốt, nỗ lực tích trữ LNG của Nhật Bản và Hàn Quốc trước mùa đông, cũng như nhu cầu phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch có thể khiến cuộc đua tìm nguồn cung trên thị trường toàn cầu trở nên căng thẳng. Điều này có thể tiếp tục đẩy giá khí đốt lên cao, theo giới phân tích.
Ngay cả khi nguồn cung có sẵn dồi dào hơn trong ngắn hạn, tình trạng tắc nghẽn tại các cơ sở tái khí hóa của châu Âu sẽ hạn chế lượng LNG mà Anh và các nước Tây Âu có thể tiếp nhận, theo công ty tư vấn Rystad Energy.
Đức tới nay chưa có một kho lưu trữ LNG nào có thể nhận các lô hàng từ nước ngoài. Chính phủ đã thuê bốn kho lưu trữ nổi, là những con tàu lớn neo đậu gần các cảng công nghiệp và có thể chuyển hóa LNG thành khí đốt. Kho nổi thứ năm đang được một tập đoàn tư nhân chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Các con tàu này có công suất chứa khoảng 5 tỷ mét khối mỗi kho, đồng nghĩa chúng không đủ để thay thế một nửa lượng nhập khẩu khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, vốn bơm vào Đức 55 tỷ mét khối mỗi năm. Ngoài ra, Đức phải xây thêm cơ sở hạ tầng mới như đường ống để dẫn khí đốt nhập khẩu tới người tiêu dùng.
Mario Levesque, chủ tịch công ty thăm dò và sản xuất khí đốt Utica ở Quebec, cho biết công ty sẽ mất ít nhất 18 tháng để mua tàu vận chuyển khí đốt tới châu Âu. “Tôi không thấy có giải pháp lớn nào cho châu Âu trong thời gian tới. Họ sẽ phải cắt giảm lượng tiêu thụ”, Levesque nói.