Tương lai xung đột Nga - Ukraine sau hai năm chiến sự

2024 sẽ là thời gian khó khăn cho cả Ukraine lẫn Nga, khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba với tổn thất ngày càng lớn và thế giằng co chưa thể tháo gỡ.

Trong hai năm qua, Nga và Ukraine đã chứng kiến nhiều biến động trên chiến trường trong cuộc xung đột khốc liệt nhất tại châu Âu kể từ sau Thế chiến II. Nhưng khi chiến sự bước vào năm thứ ba, “bế tắc” lại là từ được sử dụng nhiều nhất.

Cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng Nga đã phá được thế bế tắc chiến trường và bắt đầu tấn công trên toàn tiền tuyến sau chiến thắng ở thành trì Avdeevka tại tỉnh Donetsk. Nhưng nhiều chuyên gia quân sự không tin rằng chiến dịch công phá Avdeevka đủ tạo ra bước ngoặt chiến lược, khi Nga khó nhanh chóng tập trung đủ binh lực, khí tài để tạo ra kết quả tương tự ở những đô thị khác trên phòng tuyến Ukraine.

Thế giằng co trên chiến trường đã ngăn chặn những thay đổi mang tính quyết định. Khi cả hai bên đều hứng chịu tổn thất nặng nề trên chiến trường, mặt trận đấu tranh chủ yếu hiện nay là bàn cờ chính trị, với tính toán của Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng tình trạng chia rẽ và mệt mỏi vì chiến sự ở phương Tây sẽ mang lại cho ông chiến thắng cuối cùng trên thực địa.

Niềm tin của ông Putin dường như được củng cố khi quốc hội Mỹ chưa thể thông qua gói viện trợ 60 tỷ USD cho Ukraine do vấp phải sự phản đối từ phe Cộng hòa. Nhưng trong hoàn cảnh đó, châu Âu lại đang phát huy vai trò của mình.

Lo ngại về hậu quả đối với an ninh khu vực nếu Mỹ rút lui và Ukraine thất bại, các nước châu Âu gần đây đã tăng cường viện trợ, cam kết cung cấp nhiều vũ khí hơn cho Kiev. Điều này đánh dấu bước thay đổi đáng kể trong thái độ của châu Âu so với những ngày đầu của xung đột, nhưng giới chuyên gia cho rằng nó vẫn chưa đủ để giúp Ukraine lật ngược tình thế.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa vào vị trí chiến đấu của Nga tại Bakhmut, tỉnh miền đông Donetsk, ngày 22/2. Ảnh: AFP

Theo giáo sư Angela E. Stent, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Á - Âu, Nga và Đông Âu tại Đại học Georgetown, tình trạng bế tắc hiện tại sẽ tiếp diễn trong năm thứ ba chiến sự. Cả Nga lẫn Ukraine đều sẽ không thể giành được thắng lợi quân sự toàn diện, cũng như không bên nào sẽ bị đánh bại hoàn toàn.

Sau thắng lợi ở Avdeevka, Nga đang giành được nhiều lãnh thổ hơn, nhưng với cái giá là tổn thất lớn cả về sinh lực và khí tài. Ukraine đang chuyển sang thế phòng thủ sau chiến dịch phản công thất bại năm 2023 và cũng phải chịu thương vong đáng kể.

Cả hai nước đều cần huy động thêm quân, nhưng Nga dường như sẽ không tổ chức gọi nhập ngũ quy mô lớn trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng tới. Đối với Ukraine, quốc gia có dân số chưa bằng 1/3 Nga, nỗ lực tuyển quân sẽ ngày càng khó khăn hơn, khi sĩ khí và tinh thần của người dân xuống thấp sau thất bại ở Avdeevka, Stent phân tích.

Tương lai xung đột còn phụ thuộc vào khả năng duy trì nguồn cung vũ khí của mỗi bên. Nga đến nay vẫn cho thấy họ đủ khả năng đảm bảo khả năng sản xuất xe tăng, tên lửa và đạn dược cho tiền tuyến.

Ukraine lại phụ thuộc vào nguồn cung vũ khí cũng như hỗ trợ tài chính từ châu Âu và Mỹ. Việc Liên minh châu Âu (EU) gần đây phê duyệt khoản hỗ trợ tài chính trị giá 54 tỷ USD sẽ cho phép bộ máy chính quyền Ukraine tiếp tục hoạt động và các thành viên châu Âu của NATO cũng đã hứa cung cấp thêm một số vũ khí.

Nhưng Mỹ vẫn đóng vai trò chủ chốt. Đây là nhà cung cấp vũ khí tiên tiến quan trọng nhất, và những tranh cãi chính trị hiện nay tại nước này có thể đe dọa khả năng tiếp tục chiến đấu của Ukraine, Stent lưu ý.

Nếu quốc hội Mỹ không thông qua gói hỗ trợ 60 tỷ USD cho Ukraine và nếu chính phủ Mỹ không đẩy nhanh việc chuyển giao các loại vũ khí hiện đại mới, cơ hội để Ukraine đẩy lùi Nga vào năm 2024 sẽ càng bị thu hẹp.

Có rất ít triển vọng đàm phán để chấm dứt xung đột trong năm nay. Điện Kremlin đã nói rõ rằng họ không quan tâm đến những cuộc đàm phán không dẫn đến việc Ukraine đầu hàng. Ukraine trong khi đó vẫn tuyên bố sẽ chiến đấu đến cùng.

Nga đang chờ đợi kết quả của cuộc bầu cử Mỹ vào tháng 11 và hy vọng rằng tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ rút lại những hỗ trợ cho Ukraine. “Trong trường hợp này, khả năng tồn tại của Ukraine như một quốc gia độc lập, có chủ quyền sẽ bị đặt dấu hỏi, với tất cả những tác động dây chuyền đến an ninh của châu Âu và hơn thế nữa”, Stent nói.

Theo David Petraeus, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tướng quân đội Mỹ về hưu, không thể có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi tương lai xung đột Nga - Ukraine sẽ như thế nào, bởi nó còn phụ thuộc vào rất nhiều diễn biến quan trọng trên thực địa.

Đầu tiên là mức độ hỗ trợ mà quốc hội Mỹ sẵn sàng cung cấp cho Ukraine. Washington đã cung cấp lượng viện trợ quân sự gần bằng toàn bộ châu Âu cộng lại. Hơn nữa, các quyết định của Mỹ về việc cung cấp một số loại vũ khí nhất định, như xe tăng và tiêm kích, thường mở đường cho các quốc gia khác làm theo.

Trong phạm vi hỗ trợ an ninh, một số hạng mục sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, Petraeus cho hay. Chúng gồm các hệ thống cho phép Ukraine xác định, theo dõi và tiêu diệt máy bay không người lái (UAV), tên lửa, rocket và chiến đấu cơ Nga. Ukraine cũng rất cần tên lửa tầm xa có độ chính xác cao, máy bay phương Tây, đạn pháo và các loại đạn chùm bổ sung, vốn đã được chứng minh là đặc biệt hiệu quả trong việc chống lại các cuộc tấn công từ Nga.

Quan trọng không kém là nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thắt chặt các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu đối với Nga, đồng thời ngăn chặn những nỗ lực né tránh. Thực tế cho thấy, các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đến nay vẫn chưa thể bóp nghẹt kinh tế Nga đến mức khiến họ phải từ bỏ chiến dịch tại Ukraine.

Lính cứu hỏa Ukraine dập một đám cháy sau đòn không kích của Nga ở thủ đô Kiev hôm 2/1. Ảnh: AFP

Một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến cục diện chiến trường là việc liệu 300 tỷ USD dự trữ của Nga hiện bị đóng băng ở các nước phương Tây có được chuyển cho Ukraine hay không. Sáng kiến đã bị trì hoãn từ lâu này, nếu được thông qua, sẽ giúp Ukraine khắc phục thiệt hại từ chiến sự và xây dựng tổ hợp công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ của riêng mình, Petraeus nhận xét.

Cuối cùng, diễn biến của cuộc chiến phụ thuộc vào khả năng học hỏi và thích ứng của mỗi bên trước mỗi thay đổi trên chiến trường, từ phát triển, sản xuất và sử dụng các hệ thống vũ khí hay công nghệ mới đến nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo, binh sĩ hay đơn vị chiến đấu.

"Năm nay nhiều khả năng là một năm đầy khó khăn nữa đối với cả đôi bên. Hai năm trôi qua, cuộc xung đột rõ ràng vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc", Petraeus nói.

C. Raja Mohan, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định năm 2024 sẽ kiểm tra năng lực của tất cả các bên trong việc duy trì mối gắn kết nội bộ trong bối cảnh chi phí chiến sự tăng nhanh. Nga đến nay vẫn xử lý tốt những mối chia rẽ liên quan tới cuộc xung đột, nhưng khó có thể tin rằng cái giá phải trả về kinh tế và nhân lực sẽ không tạo ra những tác động chính trị nhất định.

Câu hỏi đặt ra là với phương Tây hiện tại là liệu họ có thể ngăn chặn những rạn nứt trong chính sách với Ukraine trở thành chia rẽ không thể hàn gắn hay không. Nhìn bề ngoài, ưu thế kinh tế to lớn của phương Tây so với Nga sẽ dễ dàng cho phép Ukraine chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu. Nhưng hai năm qua cho thấy phương Tây đã luôn phản ứng chậm và để Ukraine vuột mất nhiều cơ hội.

“2024 sẽ cho chúng ta biết liệu phương Tây có thể đưa ra chiến lược hỗ trợ và cung cấp để giúp Kiev duy trì sức mạnh chiến đấu với quân đội Nga trong ngắn hạn và giành chiến thắng trong một cuộc xung đột mà có thể sẽ kéo dài hơn nhiều người mong đợi hay không”, Mohan nói.

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói